Tại sao Trung Quốc quyết cấm sóng nghệ sĩ có scandal đạo đức?

18/09/2022, 09:29

Kiên quyết không tha thứ, không để các ngôi sao kém tài thất đức xuất hiện trên truyền thông" là phương châm hành động của cơ quan quản lý Trung Quốc với nghệ sĩ.

Theo Sina, chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, giới giải trí Trung Quốc chấn động khi 9 ngôi sao hạng A sụp đổ sự nghiệp chỉ trong vài ngày. Những cái tên như Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Lý Dịch Phong, Trương Triết Hạn, Phạm Băng Băng, "hoàng tử nhạc cổ phong" Hoắc Tôn, "thiên tài piano" Lý Vân Địch... được coi là nghệ sĩ lớn, có quyền lực với mối quan hệ rộng rãi, lượng người hâm mộ hùng hậu lên tới hàng chục triệu người, tưởng chừng luôn đứng trên đỉnh cao danh vọng.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc khẳng định: "Không có sự khác biệt giữa người nổi tiếng và công chúng, càng được hưởng đặc quyền, sẽ càng bị giám sát chặt chẽ hơn".

Thần tượng quốc dân, nữ hoàng giải trí cũng bị xử lý

Theo Sina, vụ việc mở đầu cho loạt hành động chấn chỉnh giới giải trí là scandal trốn thuế chấn động của Phạm Băng Băng. Ngôi sao đắt giá nhất Cbiz một thời phải nộp phạt tổng số tiền lên tới 128 triệu USD.

Tại sao Trung Quốc quyết cấm sóng nghệ sĩ có scandal đạo đức? - 1

Trung Quốc thẳng tay trừng trị các ngôi sao có quyền lực nhất khi họ vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đáng nói hơn cô bị gần như cấm hoạt động nghệ thuật, không được tham dự các sự kiện lớn, không có lời mời đóng phim và mất nhiều tháng không thể xuất hiện công khai. Hiện tại, con đường trở lại sự nghiệp đỉnh cao của Phạm Băng Băng đã đóng lại. Dù nữ diễn viên tìm nhiều cách như tỏ ra ăn năn hối lỗi, trải lòng bản thân đang gặp khó khăn hay chăm chỉ đi làm từ thiện.

Tương tự Phạm Băng Băng, Triệu Vy được mệnh danh là "thần tượng quốc dân" với sự nghiệp đỉnh cao và quyền lực ngầm khiến cả giới giải trí phải e dè. Cô có những vai diễn để đời như Tiểu Yến Tử trong Hoàn Châu cách cách hay Lục Y Bình trong Tân dòng sông ly biệt mà người người nhà nhà đều biết tới. Nữ diễn viên thậm chí còn giao thiệp với các tỷ phú Trung Quốc.

Sự nghiệp lẫy lừng là vậy nhưng Triệu Vy cũng bị cấm hoạt động, gỡ tên khỏi các giải thưởng mà chưa rõ lý do từ tháng 8/2021. Sự biến mất của Triệu Vy gây hoang mang trong dư luận, đến nay cô vẫn chưa thể quay trở lại một cách chính thống công khai.

Không chỉ những ngôi sao thâm niên vướng bê bối dẫn tới đánh mất cả sự nghiệp. Công chúng cũng ngỡ ngàng khi phát hiện "nữ thần thanh xuân" Trịnh Sảng nhờ người mang thai hộ, bỏ con không nhận nuôi, muốn phá thai ở tháng thứ 7 và trốn thuế.

Một loạt scandal khủng khiếp tưởng chừng không bao giờ xuất hiện lại được Trịnh Sảng thực hiện. Bê bối của Trịnh Sảng không chỉ vi phạm nghiêm trọng pháp luật mà còn bị đánh giá là "vi phạm đạo đức làm người", theo Tân Hoa Xã.

Tại sao Trung Quốc quyết cấm sóng nghệ sĩ có scandal đạo đức? - 2

Trung Quốc trừng phạt các nghệ sĩ coi thường pháp luật để trấn an công chúng.  

Ngoài ra nhiều ngôi sao nổi tiếng như Lý Dịch Phong, Lý Vân Địch lại đánh mất bản thân trong những bê bối mua dâm. Các cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ mất vài giờ để xóa sổ tất cả thành tựu trong sự nghiệp của họ.

Chấn động hơn cả là scandal mua dâm, hiếp dâm, môi giới mại dâm của nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm. Lợi dụng tình cảm của người hâm mộ và quyền lực của ngôi sao hàng đầu, Ngô Diệc Phàm đã thực hiện loạt hành vi táng tận lương tâm, dưới sự trợ giúp của ê-kíp làm việc. Phàm đã bị bắt vào tháng 8/2021 và đang chờ đợi bản án của mình.

Khi sự việc được phơi bày, công chúng chấn động vì một ngôi sao có hành ảnh đẹp, có tiền tài danh vọng, luôn khẳng định mình là người bị hại, bị lợi dụng trong chuyện tình cảm lại vướng nhiều thói hư tật xấu như vậy. Nhiều người đánh giá bê bối của Ngô Diệc Phàm đã phơi bày một phần hiện trạng xấu xa của giới giải trí và cần được các cơ quan quản lý can thiệp, chấn chỉnh nghiêm khắc.

Tại sao Trung Quốc quyết cấm sóng nghệ sĩ có scandal đạo đức? - 3

Sự xuống cấp về đạo đức của nhiều ngôi sao như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự hỗn loạn của giới giải trí, buộc các cơ quan quản lý phải ra tay.

Ra tay dọn dẹp sự hỗn loạn của giới giải trí

Trước những bê bối liên tiếp của nghệ sĩ, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) và các cơ quan ngôn luận chính thống của nước này thực hiện một chiến dịch làm trong sạch giới giải trí được gọi tắt là "thanh lãng".

Chiến dịch này bao gồm việc cấm sóng các nghệ sĩ có vết nhơ, điều tra nhiều công ty giải trí, các đơn vị sản xuất phim ảnh, kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động của nghệ sĩ, ban bố loạt yêu cầu buộc những người hoạt động trong ngành phải thực hiện.

Đối với các ngôi sao vướng bê bối về đạo đức và pháp luật, hành vi trực tiếp nhất là xóa mọi dữ liệu về họ trên mạng xã hội hay nền tảng xem phim, ở các giải thưởng. "Danh tiếng là điều quan trọng nhất với nghệ sĩ, nên đòn trừng phạt đầu tiên là khiến cho họ biến mất trước mắt công chúng", Tân Hoa Xã bình luận.

Tại sao Trung Quốc quyết cấm sóng nghệ sĩ có scandal đạo đức? - 4

Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc nhấn mạnh sẽ kiên quyết tẩy chay những nghệ sĩ vướng scandal, không cho họ có cơ hội xuất hiện trở lại.

Nguồn tin này cho biết thêm, trong thời kỳ "thanh lãng", yêu cầu nghệ sĩ không chỉ phải kiểm soát hành vi của chính mình mà còn phải chịu trách nhiệm cho hành động của người hâm mộ. Nghệ sĩ phải là tấm gương đạo đức, lối sống cho công chúng, có trách nhiệm truyền bá sự tích cực cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc loại bỏ những nghệ sĩ đùa giỡn với pháp luật, đạo đức xã hội, cũng góp phần tạo cơ hội cho các ngôi sao trẻ hội tự đủ đức và tài phát triển.

Theo Sina, khán giả luôn cho rằng nghệ sĩ là những người được hưởng nhiều đặc quyền. Họ kiếm tiền dễ dàng, làm việc một tháng có thể bằng nhiều người kiếm sống cả đời, mức thu nhập chênh lệch quá lớn khiến dư luận luôn bức xúc.

NRTA và các cơ quan quản lý nghệ thuật nghiêm khắc với nghệ sĩ, để cho công chúng thấy được ngôi sao dù kiếm nhiều tiền hơn, nhưng cũng phải mang nhiều trách nhiệm hơn và có tiêu chuẩn cao hơn cả về đạo đức lẫn hành động. Điều này phần nào xoa dịu những bức xúc công chúng, phủ nhận việc nghệ sĩ được hưởng quá nhiều đặc quyền, nằm ngoài vòng pháp luật.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bài liên quan
Trung Quốc cân nhắc bán nền tảng TikTok ở Mỹ cho tỷ phú Elon Musk
Theo Reuters, Trung Quốc đang cân nhắc phương án bán lại nền tảng TikTok tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk nếu thua kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất