Tái hiện không gian Hà Nội xưa trong trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm”

Hải Nam/VOV.VN | 04/10/2024, 15:13

Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, sáng nay (4/10) trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” đã được khai mạc, tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn Toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày Tiếp quản Thủ đô (1947 - 1954).

Trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô do UBND quận Hoàn Kiếm giao Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức, phối hợp với với các hoạ sĩ, nhà nghiên cứu sử học.

Tại không gian bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trưng bày lần này tái hiện lại không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày Tiếp quản Thủ đô (1946 - 1954). Tháng 2/1947, sau 60 ngày đêm khói lửa kiên cường, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành Hà Nội với lời hẹn chiến thắng trở về. Nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng đã trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ để có được ngày Giải phóng Thủ đô vào 10/10/1954.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết trưng bày nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước về một trong những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử lớn của dân tộc tới người dân, du khách; qua đó, giúp mỗi công dân thêm tự hào dân tộc, có những hành động thiết thực, ý nghĩa, đóng góp cho việc xây dựng Thủ đô và đất nước.

Từ nay đến ngày 13/10/2024, tại Trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động trải nghiệm, tương tác tìm hiểu văn hóa lịch sử dành cho người dân và du khách. Các không gian trang trí, sắp đặt mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu và triển lãm ảnh chủ đề “Quận Hoàn Kiếm - Những hình ảnh lịch sử” hứa hẹn là địa điểm check-in thú vị cho người dân và du khách đến với Hà Nội.

Tại không gian bích họa Phùng Hưng, du khách có dịp tìm hiểu về một số nghề truyền thống, sản phẩm quà tặng du lịch hay các món ẩm thực đặc trưng của Hà Nội.

Chia sẻ câu chuyện về chiếc dép lốp, ông Nguyễn Tiến Cường - chủ nhãn hiệu Vua Dép Lốp cho biết sản phẩm độc đáo này không chỉ gợi nhắc về người lính bộ đội Cụ Hồ mà còn gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Thủ đô: "Đôi dép lốp đầu tiên ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là năm 1947, khi bộ đội ta cắt chiếc lốp xe quân sự đã hư hỏng làm thành 1 đôi dép bền bỉ, đi được trên mọi địa hình, mọi thời tiết. Sau này khi hòa bình được lập lại, chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì nghề làm dép lốp đến nay, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để không chỉ gìn giữ một nét văn hóa, câu chuyện lịch sử mà còn tạo ra món quà lưu niệm độc đáo phục vụ khách du lịch".

Bài liên quan
Thưởng Tết ở Hà Nội cao nhất 331 triệu đồng
Đơn vị ở Hà Nội có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 311 triệu đồng/người thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Sứ mệnh cao cả của đội ngũ văn nghệ sỹ là kiến tạo nhân cách văn hóa
Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt lưu ý đến sứ mệnh cao cả nhất của đội ngũ văn nghệ sỹ cách mạng là kiến tạo nhân cách văn hóa, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
Mới nhất