Tuyên bố của nhà văn Mạc Ngôn được đưa ra trong phát biểu tại một sự kiện về văn học tổ chức tại Bắc Kinh hôm 11/3, nơi ông và nhà văn đoạt giải Nobel văn học khác là Abdulrazak Gurnah (một tiểu thuyết gia người Anh gốc Tanzania) đã có cuộc đối thoại. Nhận xét của ông được cho là nhằm đáp lại mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng về việc liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có chiếm lĩnh thế giới văn học khi công nghệ không ngừng phát triển hay không.
Theo nhà văn, văn học là một hiện tượng chỉ xuất hiện sau khi loài người đã đạt tới một giai đoạn rất cao trong lịch sử nhân loại. Ông cho biết, từ khi bắt đầu viết vào những năm 1980, ông đã từng được nghe nhiều lời cảnh tỉnh đối với văn học sau khi truyền hình và internet ra đời, rằng tương lai của văn học đang bị đe dọa và số phận của văn học có thể kết thúc.
“Nhưng hóa ra văn học không hề mất đi cùng với sự tiến bộ của khoa học, mỗi tiến bộ khoa học đều mang lại cho văn học những đôi cánh mới. Vì vậy, tôi cũng tin rằng, sự xuất hiện của AI sẽ không gây ra nguy cơ lớn gì cho văn học và nghề nhà văn sẽ không dừng lại tại đây. Tôi tin rằng, trong một khoảng thời gian rất dài, tư duy hình tượng độc đáo của người viết sẽ không thể bị thay thế bởi AI. Tôi và ông Gurnah đều sẽ không thất nghiệp trong suốt cuộc đời mình”, nhà văn Mạc Ngôn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “không nên khinh địch”, bởi AI thực sự rất mạnh mẽ. Điều này buộc các nhà văn phải tư duy theo cách cá nhân hóa và giàu trí tưởng tượng hơn, đồng thời cần tìm kiếm nguồn tài nguyên không thể thay thế từ di sản truyền thống của đất nước mình, dân tộc mình, cũng như tiếp thu những thành quả sáng tạo văn học của nhà văn các quốc gia khác.
Hồi tháng 10/2023, một tác phẩm do AI tạo ra trong vòng 3 giờ đã đoạt giải Nhì về sáng tác văn học tại Trung Quốc. Đây là điều lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử văn học và AI.
Nhà văn Mạc Ngôn, sinh năm 1955, là tác giả khá gần gũi với độc giả Việt Nam. Ông là cha đẻ của hàng loạt tiểu thuyết đồ sộ, chứa đựng tư tưởng lớn và có tầm ảnh hưởng rộng rãi đến Trung Quốc và cả thế giới như: "Báu vật của đời", "Cao lương đỏ", "Đàn hương hình", "Củ tỏi nổi giận", "Rừng xanh lá đỏ"... Phần lớn các tác phẩm của ông đều đã được dịch ra tiếng Việt.
Ông giành giải Nobel Văn học năm 2012. Sau Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn là nhà văn gốc Trung Quốc thứ hai và là công dân Trung Quốc đầu tiên giành giải thưởng này.