Startup có nên chạy đua với cuộc chơi đốt tiền của “nhà giàu”?

CTV Thanh Thanh/VOV.VN | 12/08/2021, 08:00

Startup cần xác định giá trị cốt lõi và tập trung vào nó, làm vượt trội hơn đối thủ. Như thế, dù thiếu tài chính, kinh nghiệm hay thị trường, các nhà đầu tư của Viet Solutions vẫn có thể hỗ trợ họ.

Nếu như thế hệ doanh nhân thứ nhất ở Việt Nam đều nghĩ khởi nghiệp xây dựng một doanh nghiệp (DN) để sống và chết cùng nó, thì thế hệ startup ngày nay có thêm lựa chọn khác: Xây dựng DN để bán.

Nhiều startup đã chọn mô hình tăng trưởng nóng, gọi vốn nhanh, đốt tiền để mở rộng quy mô vì mục tiêu đó. Nổi tiếng trong thị trường này là câu nói “startup nên gọi vốn nhanh, phát triển nhanh và nếu thất bại thì thất bại nhanh”. Nhưng đây liệu có phải là xu hướng dài hạn cho các startup Việt?

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “HƯỚNG ĐI CHO STARTUP” – Chương trình đặc biệt do Viet Solutions 2021 tổ chức, trước câu hỏi: “Lựa chọn mô hình phát triển giai đoạn đầu nào là phù hợp? Bùng nổ hay bền vững?”, các chuyên gia đã đưa ra ý kiến.

Ông Bùi Thành Đô – CEO Partner & Founder của ThinkZone Venture cho biết, giờ đây, nhiều startup tập trung vào việc tạo ra giá trị cốt lõi rõ ràng thay vì đơn thuần tạo ra một platform kết nối người dùng và đốt tiền của nhà đầu tư để tăng trưởng. Mô hình “đốt tiền” rất khó gọi vốn lúc này bởi vì khẩu vị của nhà đầu tư đã khác.

Theo ông Đô, startup vẫn có thể vừa tăng trưởng nóng vừa tăng trưởng bền vững, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các casestudy để tìm được chìa khóa. Ông Đô khẳng định: Không có doanh nghiệp nào tăng trưởng bền vững lại có thể có siêu lợi nhuận. Vì các nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau, các startup cần xác định rất rõ những vấn đề cần sự hỗ trợ để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Đức – Founder CyRadar, một startup trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin đã giành giải 3 trong cuộc thi Viet Solutions 2020 – cho rằng, tùy đặc điểm của DN và tùy giai đoạn phát triển của DN đó mà đội ngũ lãnh đạo chọn hướng đi “nóng” hay “bền” cho startup của mình. Không có một ví dụ đẹp cho tất cả. Ngày nay, các DNcông nghệ mới thường chọn tăng trưởng nóng trước vì lĩnh vực này đang là xu thế của thời đại.

Một trong những đại diện của các nhà “săn” startup, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó TGĐ Viettel Telecom (Trưởng ban tổ chức Viet Solutions 2021) chia sẻ, đối với startup, Viettel không có tiêu chí lựa chọn “tăng nóng” hay “bền vững”.

Đối tượng hợp tác với Viettel thường là những đơn vị không quá nổi bật trên truyền thông nhưng ghi nhận sự tăng trưởng tốt trong quá trình hoạt động. Có startup hợp tác cùng Viettel từ Viettel Advanced Solution Track 2019 (cuộc thi tiền thân của Viet Solutions) và đến nay đã phát triển thành tên tuổi trong lĩnh vực AI, cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng và các cơ quan Chính phủ (VVN AI – Vì Việt Nam AI).

Ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng, mô hình tăng trưởng nóng nhờ đốt tiền là một mô hình rủi ro. Khi thị trường biến động mạnh và các quỹ đầu tư thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm thì startup nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu tiền.

“Ở góc nhìn của tôi, startup Việt có thế mạnh là linh hoạt, mạnh về cách đánh du kích nên cần tìm hướng đi nhanh nhưng an toàn, hơn là chạy đua với cuộc chơi đốt tiền của người giàu” – Trưởng ban tổ chức Viet Solutions 2021 nêu quan điểm.

Nhìn một cách công bằng, startup hướng tới việc giải những bài toán chưa được giải quyết trong xã hội, nhận những thử thách mà chưa ai làm, họ theo đuổi mô hình mới nên tất nhiên sẽ gặp nhiều rủi ro. Chính vì thế mới có khái niệm đầu tư mạo hiểm vào startup. Ông Bùi Thành Đô tin tưởng rằng, từ những cuộc thi như Viettel Solutions, với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và tập đoàn lớn như Viettel thì tỷ lệ “chết” của các startup sẽ giảm đi.

Qua 2 cuộc thi, Viet Solutions đã cho thấy là một sân chơi hữu ích cho các startup tham gia, dù đoạt giải hay không. Với đặc thù là có ý tưởng hay nhưng thiếu năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm trong quản trị cũng như kinh nghiệm nhận biết nhu cầu của người tiêu dùng và kết nối thị trường, khi có sự hỗ trợ, các startup có thể cất cánh nhanh.

Ông Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh, startup cần xác định giá trị cốt lõi của mình là gì và tập trung vào nó, làm vượt trội hơn đối thủ. Như thế, dù thiếu tài chính, kinh nghiệm hay thị trường, Viettel có thể hỗ trợ họ bù đắp vào những chỗ thiếu hụt.

Ông Minh Đức – Founder CyRadar, cho biết, khi hợp tác cùng Viettel, nhiều người cho rằng Tập đoàn này sẽ không cần đến một startup về an toàn thông tin bởi chính họ đang sở hữu đơn vị trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, CyRada thực tế có thể gia tăng sức mạnh cho các lĩnh vực hiện có của Viettel.

“Đặc biệt, khi hợp tác với nhà mạng trong cuộc thi, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có một mảng thị trường cho sản phẩm của mình và thậm chí tách sản phẩm đã đi thi thành nhánh sản phẩm phù hợp hơn cho tập khách hàng của Viettel”, Founder CyRada chia sẻ./.

Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Tập đoàn Viettel tổ chức, Viet Solutions hướng tới mục tiêu tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia. Tìm hiểu thông tin hoặc đăng ký tham gia cuộc thi tại đây: https://vietsolutions.net.vn/vn

Bài liên quan
Hà Nội cần xây dựng kịch bản đánh giá rủi ro động đất
Như Đài TNVN đã đưa tin, sáng 25/3, tại khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã xảy ra một trận động đất có độ lớn 4.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 16 km. Do ảnh hưởng bởi trận động đất, người dân đang sống tại các tòa nhà cao tầng ở một số khu vực của Hà Nội cảm nhận rõ sự rung lắc.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất