Là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Sơn La đã làm thế nào để có kết quả này? Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Bắc đã phỏng vấn ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La về nội dung này.

PV: Thưa ông, hưởng ứng phong trào thi đua nước rút thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động vào cuối năm 2024, tỉnh miền núi Sơn La đã triển khai thực hiện chương trình đạt kết quả cơ bản như thế nào?
Bí thư Hoàng Quốc Khánh: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Sơn La đã chủ động triển khai từ năm 2020 và theo như tính toán trong tại thời điểm đó thì giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Sơn La phải xóa xong trên 11.000 nhà và đến hết năm 2023 thì tỉnh Sơn La đã xóa xong trên 8.000 nhà. Năm 2024, khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào xóa nhà tạm trên toàn quốc, lúc đó tỉnh Sơn La còn trên 3.100 nhà tạm cần xoá. Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La thì 3.100 nhà không phải là ít, nhưng với sự vào cuộc rất quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ cao của toàn thể nhân dân, đến nay phong trào xóa nhà tạm của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025 cơ bản đã hoàn thành và Sơn La dự kiến sẽ tổng kết chương trình vào ngày 15/ 5 tới.

PV: Là tỉnh miền núi khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thế nhưng trong hơn 4 năm, Sơn La đã xóa được tới hơn 11.000 nhà tạm, nhà dột nát; nhiều huyện đã về đích trước kế hoạch. Sơn La đã làm thế nào để có được kết quả như vậy?
Bí thư Hoàng Quốc Khánh: Để xóa xong nhà tạm thì việc đầu tiên là phải rà soát chuẩn về số lượng và chuẩn về đối tượng. Tất cả các xã, các huyện phải cùng nhau rà soát. Phải thực sự là nhà dột nát, đồng thời là đối tượng nghèo, đối tượng yếu thế, bởi thực tế cũng có những hộ nhà dột nát thật, nhưng vợ chồng còn trẻ, sức dài, vai rộng, khả năng lao động còn dồi dào. Việc xoá nhà tạm, nhà dột nát còn dành cho các gia đình có công, vì vậy phải rà soát cho kỹ để tránh nhầm lẫn. Sau khi có số liệu chuẩn xác thì tổng hợp báo cáo về tỉnh để triển khai, khi đó tỉnh sẽ nghiên cứu các nguồn kinh phí để làm. Nguồn kinh phí triển khai từ nguồn ngân sách của tỉnh (nguồn tiết kiệm chi); thứ hai là nguồn hỗ trợ từ Trung ương, trong đó có nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia; thứ ba là nguồn xã hội hóa và Mặt trận Tổ quốc là cơ quan được giao làm đầu mối kêu gọi vận động để có nguồn này.

Trước khi triển khai việc xoá nhà tạm, tỉnh Sơn La thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) và phân công mỗi một thành viên phụ trách một huyện để theo dõi, giúp đỡ và phải báo cáo hàng tuần để BCĐ cùng nắm những khó khăn, vướng mắc để cùng bàn bạc tháo gỡ. BCĐ tỉnh cũng thành lập một nhóm zalo, ngoài báo cáo hàng tuần thì hằng ngày đều thông tin xem trong quá trình triển khai có gì vướng mắc thì phải triển khai tháo gỡ kịp thời. Huyện cũng vậy, cũng phải thành lập BCĐ để triển khai.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành: Ví dụ Sở Tài chính thì phải cân đối nguồn vốn để làm; Sở Xây dựng thì thiết kế mẫu nhà; Đoàn thanh niên, cựu chiến binh và các lực lượng công an, quân đội thì chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, khi có yêu cầu thì vào cuộc ngay để chung tay xoá nhà tạm cho các hộ. Với các huyện ngoài triển khai quyết liệt, còn có sự thi đua. Ví dụ hôm nay huyện này làm được 100 nhà, huyện khác chưa làm được thì cũng phải cố gắng; hay huyện này làm xong rồi thì động viên, khích lệ huyện khác cùng phấn đấu… Bằng các cách làm như vậy, nên tất cả các huyện đều triển khai việc xoá nhà tạm vượt kế hoạch đề ra.

PV: Ngày 15/5 này tỉnh Sơn La sẽ tổng kết chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Với đặc thù tỉnh miền núi khó khăn, nguy cơ tái nghèo của người dân cũng còn hiện hữu. Vậy tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như nào để các hộ khi có nhà ở ổn định rồi thì tiếp tục có sinh kế, có cuộc sống tốt đẹp để giảm nghèo bền vững?
Bí thư Hoàng Quốc Khánh: Kinh nghiệm từ việc xóa nhà tạm cho thấy việc này phải là quá trình liên tục. Không thể nói chúng tôi hoàn thành xoá nhà tạm rồi thì sẽ không phát sinh nữa. Bởi vì nhiều hộ gia đình vẫn có nguy cơ tái nghèo; mặt khác có thể ảnh hưởng khách quan như bão, lũ, thiên tai hoặc không may ốm đau bệnh tật…. thì việc tái nghèo, ở nhà tạm chắc chắn sẽ có phát sinh.
Chính vì vậy, chúng tôi giữ nguyên BCĐ và cũng vẫn yêu cầu hàng tháng, hàng quý các huyện phải thường xuyên rà soát, báo cáo về để không bỏ sót, liên tục cập nhật số nhà phát sinh để có sự hỗ trợ kịp thời.
Sắp tới hoạt động chính quyền 2 cấp, không còn cấp huyện nữa. Tuy nhiên, những đồng chí là bí thư huyện uỷ hiện nay chúng tôi bố trí sẽ là bí thư ở các xã trung tâm. Theo đó, có giao nhiệm vụ là những người này sẽ tiếp tục phụ trách cụm xã trên địa bàn huyện mà trước đây mình là bí thư để nắm bắt tình hình kịp thời. Đối với những hộ đã được xóa xong nhà tạm thì sẽ tiếp tục được tạo điều kiện bằng nhiều nguồn vốn, bằng nhiều kênh, giúp đỡ họ để họ có cuộc sống ổn định và sớm thoát nghèo.

PV: Được biết chương trình xóa nhà tạm ở tỉnh Sơn La có sự chung tay rất lớn từ các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân. Có thể nói đây là yếu tố then chốt để làm nên thành công của chương trình xóa nhà tạm. Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc như thế nào để tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế xã hội, đưa Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra?
Bí thư Hoàng Quốc Khánh: Có thể nói phong trào xóa nhà tạm thành công là bởi có sự ủng hộ, đồng lòng cao trong nhân dân. Ngoài hỗ trợ bằng kinh phí thì mỗi một ngôi nhà mới được sửa chữa, xây nên còn có sự hỗ trợ của bà con hàng xóm láng giềng, sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, của các cơ quan đoàn thể… tất cả đã thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, tinh thần đoàn kết như vậy đã từng bước xây dựng Sơn La trở thành tỉnh giàu và đẹp; trong thực hiện phong trào xóa nhà tạm cũng vậy.
Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Và để có được sự đoàn kết thì trước tiên là phải có hoạch định đúng, phải hợp ý Đảng, lòng dân, đấy chính là mấu chốt của sự đoàn kết và là người lãnh đạo thì chúng tôi cũng luôn phát động, gương mẫu để làm sao phải đoàn kết, nhất trí trong Đảng; cùng với đó là kêu gọi nhân dân phát huy những gì đã làm được và khắc phục những tồn tại, hạn chế để cùng nhau vươn lên. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao như vậy, tôi tin rằng Sơn La sẽ đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.