Theo số liệu thống kê do công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Databank (TDB) vừa cung cấp, chỉ riêng trong nửa đầu của năm tài chính 2024 (tính từ 1/4~30/9), đã có tới 4.990 doanh nghiệp Nhật Bản bị phá sản, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Các công ty này đang phải gánh một số nợ khổng lồ lên tới gần 1.587 tỷ Yên (tương đương khoảng 269.000 tỷ đồng).
Trong số các công ty bị phá sản có nhiều doanh nghiệp sở hữu thương hiệu uy tín ở tầm quốc tế và bề dầy lịch sử sản xuất - kinh doanh gần 100 năm, được coi là biểu tượng của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Ông Inaba Ikune – nhà nghiên cứu hoạt động kinh doanh Nhật Bản phân tích: “Theo tôi, có 10 nguyên nhân khiến doanh nghiệp phá sản trong giai đoạn hiện nay. Nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chính như: sự bảo thủ trong tư duy kinh doanh dẫn đến chậm thích nghi với biến động của thị trường, vật giá leo thang khiến giá thành sản xuất - kinh doanh bị đội lên vượt ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp, và quan trọng nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực khiến giá nhân công tăng cao, trong khi chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng sản phẩm giảm sút”.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, chừng nào vấn đề vật giá leo thang và thiếu hụt nguồn nhân lực chưa được giải quyết, chừng đó số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế đứng thứ tư thế giới này.