Silicon Valley Bank sụp đổ: Chuyên gia chứng khoán nói gì?

13/03/2023, 19:51

Các chuyên gia chứng khoán đánh giá những tác động của sự việc Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tới thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chiều 13/3, thông tin đến VTC News, các chuyên gia Trần Khánh Hiền và Đinh Quang Hinh thuộc Khối phân tích Chứng khoán VNDirect, cho rằng khủng hoảng SVB hiện nay ít có tác động đến rủi ro hệ thống của các thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Điều này một phần lớn nhờ sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản – tín dụng Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi doanh số bán nhà bắt đầu tăng trưởng dương từ 2/2023.

"Nhìn chung thị trường chứng khoán Châu Á phản ứng tương đối “bình tĩnh” trong phiên hôm nay. Mặt khác, đồng USD dự kiến sẽ yếu hơn sau sự kiện SVB cũng là yếu tố tích cực đối các nước mới nổi", chuyên gia đến từ Chứng khoán VNDirect bình luận.

Silicon Valley Bank sụp đổ: Chuyên gia chứng khoán nói gì? - 1

Silicon Valley Bank sụp đổ không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vẫn theo các chuyên gia, Nghị quyết 33 vừa được ban hành ngày 11/3, trong đó lưu ý về vấn đề tái cấu trúc các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản, là một trong những thông tin thị trường khá mong chờ trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETFs (ước khoảng 4.000 tỷ VND) dự kiến vào Việt Nam cũng sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường trong nước. Tuy vậy, trong nửa đầu năm 2023, đà tăng của VN-Index sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho tráu phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.

"Vì vậy nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy, quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới, cũng như nên ưu tiên “mục tiêu phòng thủ” trong ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu giá trị hoặc cổ tức hấp dẫn", chuyên gia nhấn mạnh.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng cho rằng xét về cả thanh khoản lẫn quy mô, sự kiện SVB đều chưa đủ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính. Tuy không có rủi ro hệ thống nào xảy ra nhưng khó khăn của SVB là một lời nhắc nhở rằng các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận ngay cả trong môi trường lãi suất tăng.

Theo ông Minh, khả năng áp lực tâm lý khiến thị trường có thể rung lắc mạnh trong những phiên đầu tuần, song xu hướng sẽ tích cực hơn vào cuối tuần. Bởi dòng tiền đã có sự hồi phục tốt trong những phiên gần đây, cộng thêm nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ các quỹ ngoại cũng là lực đỡ quan trọng. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường cũng có chiều hướng tốt hơn, nhiều cổ phiếu chiết khấu tương đối thấp. 

Từ đó, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao tận dụng nhịp chỉnh có thể mua thăm dò tỷ trọng thấp vì dò ở vùng đáy không nên mua lượng lớn, không dùng margin, chủ yếu để thăm dò xu hướng thị trường. Trong kịch bản tích cực, thị trường giảm đầu tuần và cuối tuần sẽ hồi lại.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính TS Bùi Kiến Thành cho rằng, việc ngân hàng SVB (Mỹ) đóng cửa không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cũng như các hoạt động kinh tế tài chính khác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, sự việc này có thể tạo ra tâm lý lo lắng cho một số người có tiền gửi ở các ngân hàng chưa thực sự vững chắc. "Người gửi sẽ đi rút tiền ở các ngân hàng và ngân hàng đó phải đối mặt với khó khăn về tiền mặt khi thanh khoản", TS Bùi Kiến Thành bày tỏ.

Theo ông Thành, từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước quản lý tốt hoạt động của các ngân hàng, trong đó cả những ngân hàng chưa thật sự bền vững. Các ngân hàng này chưa có sự quản lý chặt chẽ cho nên có thể dẫn đến nợ xấu và đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng dư luận, từ đó việc quản lý trở nên khó hơn. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và đưa vào danh sách các ngân hàng cần được theo dõi, kiểm soát. 

Tương tự, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng khẳng định, ngân hàng SVB (Mỹ) đóng cửa không ảnh hưởng đến Việt Nam, mà chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý.

“Lỗi của ngân hàng này là cho vay quá nhiều, trong khi tiền vốn và tiền người dân gửi tiết kiệm qua kỳ dịch COVID-19 vừa rồi giảm sút. Vì thế họ không có tiền trả lại cho khách. Theo Luật phá sản của Mỹ, khi đơn vị không chi trả được các khoản nợ tới hạn ở một thời gian nhất định thì đơn vị đó phải làm thủ tục phá sản”, chuyên gia Lê Đăng Doanh phân tích.

Thuật ngữ phá sản có vẻ nặng nề, kinh khủng, nhưng trong Kinh tế học được cho đó là sự “tàn phá sáng tạo”, tức là đơn vị hỏng thì đơn vị giải thể, sau đó nhà đầu tư khác vào đầu tư và vực dậy. Như vậy là "từ đống tro tàn sẽ có một ngôi nhà mới được dựng lên". Vì vậy, vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, mà nó chỉ là ảnh hưởng về tâm lý.

Tuy nhiên, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đây cũng là một bài học cho Việt Nam, chứ không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tỷ giá, đến hoạt động tài chính ngân hàng. 

Hòa Bình - Phạm Duy

Bài liên quan
Chứng khoán hôm nay 17/4: VN-Index thêm nhịp rơi mạnh, mất mốc 1.200 điểm
Trước áp lực bán ròng, thị trường chứng khoán lại chứng kiến phiên giảm sâu khi VN-Index mất gần 23 điểm và rơi khỏi mốc 1.200 điểm trước khi nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 18/4 (tức mùng 10/3 âm lịch).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất