Sau sáp nhập, Thái Nguyên phát triển tour vùng trà - chiến khu - hồ trên núi

Hải Nam/VOV.VN | 08/07/2025, 14:32

Ngày 8/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đánh giá tiềm năng, lợi thế, gợi mở những giải pháp để phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên”, nhằm định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập.

Ông Dương Xuân Hùng - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, tỉnh Thái Nguyên (sau sáp nhập) có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, sở hữu lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. 

Thái Nguyên nổi tiếng với các địa danh được du khách biết đến với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn, Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, Di tích lịch sử cấp quốc gia Nà Tu, - nơi Bác Hồ đến thăm Đại đội thanh niên xung phong 312 năm 1951; cùng với đó là vẻ đẹp huyền thoại Hồ Núi Cốc, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng của Vườn Quốc gia Ba Bể với trung tâm là hồ Ba Bể… Mái đá Ngườm - một trong những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng của Việt Nam; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) đưa vào danh mục “Làng du lịch tốt nhất”...

Bên cạnh đó, Thái Nguyên được mệnh danh vùng đất là “Đệ nhất danh Trà" với những sản phẩm trà thơm ngon nức tiếng và thương hiệu Trà đã vang danh cả trong và ngoài nước. Tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng phát huy giá trị văn hóa - kinh tế của cây chè gắn với phát triển du lịch, tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Cùng với đó là các điểm đến du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với những đồi chè hay những hồ nước tuyệt đẹp như hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể.

Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, trước đây Thái Nguyên và Bắc Kạn đã có vị trí liền kề, kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên mới sở hữu hệ sinh thái du lịch rất đa dạng và có thể bổ trợ lẫn nhau để tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn. Thái Nguyên làm điểm đón, điểm dừng còn Bắc Kạn cũ là đích đến với thiên nhiên, cộng đồng.

"Sự kết nối giữa “du lịch sinh thái - cộng đồng” của Bắc Kạn và “du lịch văn hóa - lịch sử - làng nghề” của Thái Nguyên sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cho du khách trong nước và quốc tế. Như vậy, sau khi sáp nhập, phát triển sản phẩm du lịch liên kết có thể tạo ra tuyến - tour - vùng du lịch hấp dẫn hơn thay vì khai thác riêng lẻ, rời rạc... Sau khi sáp nhập, du lịch Thái Nguyên có thể nâng tầm giá trị trải nghiệm, tạo tuyến du lịch hấp dẫn với các trải nghiệm xanh kết hợp văn hóa - lịch sử, tăng lượng khách, kéo dài lưu trú từ 1 ngày lên 2 - 3 ngày, nâng cao năng lực cộng đồng tham gia du lịch và đảm bảo phát triển du lịch bền vững", bà Trần Nữ Ngọc Anh cho biết. 

Phát triển sản phẩm du lịch mới tại Thái Nguyên

Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên đang nghiên cứu phát triển chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, như hành trình “Di sản cách mạng - Thiên nhiên hoang sơ”, “Hành trình xanh Việt Bắc: Từ thủ phủ trà, Chiến khu Việt Bắc đến hồ trên núi”, xây dựng tuyến du lịch xanh - trải nghiệm - văn hóa nối Thái Nguyên (cửa ngõ trung du) với Bắc Kạn cũ (núi rừng hồ sinh thái trên núi hoang sơ).

Cụ thể, tuyến du lịch Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn cũ sẽ đưa du khách qua các điểm đến như vùng trà Tân Cương - ATK Định Hóa - hồ Núi Cốc - Ba Bể - bản Pác Ngòi. Với hành trình tour 2 ngày 1 đêm, du khách được trải nghiệm làm trà, nghe kể chuyện lịch sử cách mạng, sinh thái hồ, rừng, lưu trú cộng đồng dân tộc Tày... Với hành trình tour 3 ngày 2 đêm, du khách được trải nghiệm làm trà, nghe kể chuyện cách mạng, sinh thái sườn đông Tam Đảo, sinh thái Hồ Ba Bể, nghỉ homestay dân tộc Tày. Với tour chuyên biệt như mạo hiểm - sinh thái, du khách có nhiều lựa chọn như trekking rừng Kim Hỷ, khám phá động Puông, chèo kayak hồ Ba Bể...

Một tuyến du lịch Thái Nguyên đang được nghiên cứu phát triển là “Hành trình trà - hồ - cộng đồng Việt Bắc” (2 - 3 ngày), với các sản phẩm thành phần: Du lịch lịch sử ATK Định Hóa, tham quan đồi chè, làm trà cùng người dân (trải nghiệm 4 vùng chè: tứ đại danh trà); đi thuyền, trekking, đạp xe quanh hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể, trekking sườn đông Tam Đảo; lưu trú cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương...

TS. Lê Quang Đăng (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) lưu ý, việc sáp nhập có thể là sự cộng gộp về mặt không gian và tài nguyên nhưng không nên là sự cộng gộp về mặt sản phẩm. Với bối cảnh mới, thời cơ vận hội mới, không gian phát triển mới, Thái Nguyên cần định hướng lại hệ thống sản phẩm, tạo thêm sản phẩm mới và làm mới sản phẩm đang có.

Ngoài các sản phẩm chủ đạo, Thái Nguyên có thể nghiên cứu phát triển loại hình mới như du lịch công nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp gắn với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội quy mô lớn như: Lễ hội trà quốc tế, Đại lễ hội văn hóa - ẩm thực vùng cao Việt Bắc. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng cần đổi mới du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, làm mới sản phẩm du lịch nông nghiệp, tăng giá trị và chi tiêu của khách, chú trọng nông nghiệp thế mạnh là vùng chè; xây dựng mô hình Công viên văn hóa trà xanh (Green Tea Park) tại Tân Cương.

Bài liên quan
Bộ Y tế đề xuất siết quy định công bố sản phẩm, quảng cáo thực phẩm
VOVLIVE - Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP, yêu cầu thực phẩm bổ sung phải đăng ký công bố sản phẩm, kiểm soát nội dung quảng cáo, tăng cường hậu kiểm định kỳ và lấy mẫu giám sát, nhằm ngăn chặn tình trạng khai sai nhóm sản phẩm, phóng đại công dụng, bảo vệ người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Với tầm nhìn chiến lược, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại những di sản lớn lao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước.
  • Bí mật đằng sau gói mì Hảo Hảo
    VOVLIVE - Đằng sau mỗi gói mì Hảo Hảo chỉ vài nghìn đồng là cả một hành trình bền bỉ, một hệ sinh thái sản xuất hiện đại, được đầu tư hàng chục triệu USD và vận hành bởi hàng nghìn con người với sự tâm huyết trong từng công đoạn. Tất cả đều hướng đến lời hứa "Cook happiness" – cống hiến cho xã hội thông qua ẩm thực.
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác tại Brazil
    Vào 20h ngày 7/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thành phố Rio de Janeiro, Cộng hoà Liên bang Brazil về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp các hoạt động dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hoà Liên bang Brazil.
  • Khởi tố cựu Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải liên quan sai phạm ở PJICO
    VOVLIVE - Ông Đào Nam Hải (cựu Tổng Giám đốc Petrolimex, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) bị khởi tố về tội Nhận hối lộ.
Mới nhất