Những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

08/07/2025, 10:24

Với tầm nhìn chiến lược, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại những di sản lớn lao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước.

Tròn 1 năm sau ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thành kính tưởng nhớ một nhà lãnh đạo kiên trung, một người cộng sản mẫu mực, đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn nữa, nhưng di sản tư tưởng, đạo đức và những dấu ấn lãnh đạo của ông tiếp tục soi đường cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2022). (Ảnh: quochoi.vn)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2022). (Ảnh: quochoi.vn)

Giải đáp 4 câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội

Một trong những di sản đặc biệt nhất của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những đóng góp lý luận sâu sắc, có tính nền tảng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn coi trọng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, nhấn mạnh vai trò của tổng kết thực tiễn để làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện đất nước. Di sản lý luận của ông được kết tinh qua 35 đầu sách, cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới về đầy đủ các lĩnh vực: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, phòng chống tham nhũng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, ngoại giao, văn hóa...

Nổi bật trong số đó là cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", trong đó cố Tổng Bí thư đặt ra và trả lời 4 câu hỏi có tính nền tảng: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?

Cố Tổng Bí thư nhìn nhận: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người... Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi".

Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định những nội dung lý luận mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra là những vấn đề rất lớn làm rường cột và tính chỉnh thể của hệ thống lý luận Nguyễn Phú Trọng, trực tiếp xây dựng lý luận đổi mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

nha bao nhi le.jpg

Nhà báo Nhị Lê

Toàn bộ hệ thống nhận thức luận về chủ nghĩa xã hội được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện thực hóa bằng những quyết sách chính trị của Đảng.

Theo ông Nhị Lê, ngay từ những năm 1980, khi còn là Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thời điểm đó, Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng giao nhiệm vụ cho Tạp chí phối hợp với giới lý luận tập trung nghiên cứu sâu vấn đề này.

Ở trong nước, giai đoạn 1989-1990, một vấn đề bức xúc đặt ra là sự thành bại của đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa trong sự khủng hoảng chung của "trận động đất" lịch sử thế giới - hệ thống xã hội chủ nghĩa lung lay, khủng hoảng và một số nước chế độ xã hội chủ nghĩa tan rã.

"Nhắc lại để thấy rằng, những vấn đề về chủ nghĩa xã hội luôn là câu hỏi lớn, không chỉ những năm 90 của thế kỷ XX đặt ra mà bây giờ vẫn đang nóng bỏng", ông Nhị Lê nhấn mạnh.

Ông Nhị Lê cho rằng, toàn bộ hệ thống nhận thức luận về chủ nghĩa xã hội được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện thực hóa bằng những quyết sách chính trị của Đảng.

Và, trong hệ thống chính trị của chúng ta, Nhà nước phải thể chế hóa bằng pháp luật trên tất cả các phương diện về chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại và an ninh - quốc phòng để hiện thực hóa những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và tổ chức công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.

"Trước kia, chúng ta nhấn mạnh trước hết nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn rồi mới phát triển lý luận. Nhưng 2 nhiệm kỳ gần đây (XII và XIII) với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì gần như đảo lại trật tự. Đó là ưu tiên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để tiếp tục đẩy tới công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới vì chủ nghĩa trong tầm nhìn 2030-2045", nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nói.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận, là cán bộ trưởng thành và bắt đầu giữ cương vị lãnh đạo trong giai đoạn đổi mới (sau năm 1986) nên trong công trình nghiên cứu đồ sộ của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi bật vấn đề chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.

Cố Tổng Bí thư khái quát được nhận thức đúng đắn, khoa học và tính hiện thực của chủ nghĩa xã hội Việt Nam; mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam không giống với mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới.

Theo ông Phúc, nền tảng lý luận này không chỉ trong Đảng Cộng sản Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới khẳng định những phát biểu về chủ nghĩa xã hội của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tính thuyết phục về mặt khoa học, có tính thực tiễn, có thể hiện thực hóa được.

"Lý luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng không những phản ánh quy luật chung của xã hội loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội mà còn phản ánh thực tiễn Việt Nam với con đường chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mở. Cố Tổng Bí thư đã kế thừa và phát triển tư tưởng đó lên con đường đổi mới", ông Phúc nói.

Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh là điều mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đeo đuổi suốt gần ba nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu Đảng.

Bước tiến trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng ở nước ta chính là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban vào tháng 2/2013. Điều này là chưa có tiền lệ, bởi trước đó công tác phòng, chống tham nhũng thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu.

9 năm sau, theo chủ trương từ Trung ương, mỗi tỉnh thành lập một Ban chỉ đạo riêng, phong trào phòng, chống tham nhũng đi đến tận cấp cơ sở.

Những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo hồi tháng 8/2023. (Ảnh: Ban Nội chính Trung ương)

Là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, khó khăn, do đó phải kiên trì, kiên quyết, thống nhất, trên dưới một lòng, đồng tâm nhất trí, lấy "xây" là cơ bản, "chống" phải quyết liệt và rất quan trọng.

Tại họp báo bế mạc Đại hội XIII của Đảng ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian để nói về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng: "Xử lý tham nhũng là hoàn toàn nhân văn, nhân đạo. Tôi vẫn nhớ lời Bác Hồ: "Phải cắt bỏ một vài cành sâu, mọt để cứu cả cái cây". Xử lý một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác không vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng".

Cố Tổng Bí thư cũng từng chia sẻ, đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn, do vậy nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí, không có tình cảm chân chính thì sẽ không làm được. "Ai cũng thích của, thích tiền. Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ".

Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất đổi tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay cho tên cũ. Việc bổ sung từ "tiêu cực" để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Từ đây, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo gọi tên và đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, như: Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh, đại án đăng kiểm, Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An...

Và đi kèm với đó là nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành "dính chàm" đã bị xử lý kỷ luật về đảng, bị xử lý hình sự...; một số lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải thôi giữ chức vụ vì liên quan đến quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu...

Khẳng định chiến dịch "đốt lò" kéo dài hơn một thập kỷ cho thấy sự kiên định, bền bỉ trong đường lối lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, song PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng nêu thực tế, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, nhiều người lo ngại công cuộc này sẽ bị chững lại.

"Nhưng ngay cuộc họp báo sau khi được bầu làm Tổng Bí thư (ngày 3/8/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ - cảnh tỉnh cả vùng. Và lời cam kết này được thể hiện rõ nét thời gian qua", ông Phúc nói.

Ông Phúc dẫn thực tế, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật 2 cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước do vi phạm quy định trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong phòng chống tham nhũng tiêu cực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương.

Điều này khẳng định rõ sự nghiêm minh, quyết tâm cao của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sự tiếp nối một trong những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Văn hóa là hồn cốt dân tộc

Trong các vấn đề được đề cập, văn hóa và con người Việt Nam được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết, sự thấu hiểu và trân trọng.

Suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, từ khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho đến sau này trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, cố Tổng Bí thư luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Khi tổng kết từ thực tiễn hàng nghìn năm văn hóa của dân tộc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ viết rất gọn: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", tức là nói đến vị trí, vai trò sâu thẳm nhất của văn hóa, tạo nên phẩm giá, bản lĩnh, vẻ đẹp, sức sống vĩnh hằng của dân tộc ta.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng"; "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…".

Những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê cũ, tỉnh Gia Lai, tháng 4/2017. (Ảnh: TTXVN)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa.

Ông Sơn nêu rõ, là một học giả có sự hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị và văn hóa, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết nhiều bài báo, tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và văn hóa dân tộc.

Những tác phẩm này không chỉ thể hiện kiến thức uyên thâm mà còn cho thấy sự trăn trở về con đường phát triển đất nước, làm sao để vừa giữ gìn được truyền thống dân tộc, vừa hội nhập, phát triển hiện đại.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị. Tình yêu dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói của ông.

Tinh thần "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", hay "văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn" thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của cố Tổng Bí thư về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc.

"Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Cố Tổng Bí thư thực sự là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam, người đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của đất nước, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội", ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Nghệ thuật ngoại giao "cây tre Việt Nam"

Nếu trong nước, hình ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhớ đến với quyết tâm cải tổ bộ máy và những đổi mới trong chính sách kinh tế - văn hoá, thì ở quốc tế, tên tuổi của ông gắn liền với đường lối "ngoại giao cây tre" - vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam đã xây dựng và củng cố một bản sắc ngoại giao rất độc đáo và hiệu quả trong thời kỳ mới. Những giá trị di sản của ông đối với công tác đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là qua ngoại giao cây tre Việt Nam thể hiện qua mấy điểm lớn, tiêu biểu nhất là tôn trọng, bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn với lãnh thổ.

Dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam luôn kiên định trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế để đảm bảo độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng với quyền tự quyết của các dân tộc.

Chính sách ngoại giao này đã tạo cho đất nước Việt Nam sự độc lập, tự chủ và đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của đất nước, duy trì tốt mối quan hệ với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, có đóng góp rất tích cực cho thúc đẩy hòa bình, hợp tác trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong quan hệ song phương, chúng ta đã phát triển nhiều mối quan hệ, hợp tác chiến lược với các quốc gia, nhất là những nước lớn giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính sách ngoại giao trong suốt thời gian qua luôn gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội cũng như đối phó với các thách thức toàn cầu.

Những di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 5

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà sau buổi hội đàm hồi tháng 12/2023. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Gần hai thập kỷ qua, trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều chuyến công du và đón tiếp nguyên thủ các nước, qua đó thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế.

Ông 4 lần thăm Trung Quốc, và 3 lần đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam. Năm 2022, ông Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào lần thứ 4 ông thăm Trung Quốc.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Mỹ đón tiếp tại Nhà Trắng vào năm 2015.

Nghị quyết 18 - tiền đề xây dựng bộ máy tinh gọn

Trong tiến trình đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược và cấp bách được Đảng xác định là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Công cuộc cải cách này được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt với việc thực hiện sắp xếp các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ; hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện...

Và những chủ trương lớn này đều bắt nguồn từ một dấu mốc có tính bước ngoặt - Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo xây dựng và ban hành.

pgs ts nguyen trong phuc.jpg

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Nghị quyết 18 không chỉ là một văn kiện mang tính định hướng chiến lược mà còn là kết tinh tư duy chính trị sâu sắc, quyết liệt và nhất quán của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng và đất nước.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, Nghị quyết 18 không chỉ là một văn kiện mang tính định hướng chiến lược mà còn là kết tinh tư duy chính trị sâu sắc, quyết liệt và nhất quán của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng và đất nước.

"Trong bối cảnh bộ máy hệ thống chính trị còn nhiều tầng nấc trung gian, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực sử dụng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng kiên định quan điểm: Phải sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, vì dân, vì nước.

Theo đó, nghị quyết đã đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng...", ông Phúc nhấn mạnh.

Là người trực tiếp tham gia quá trình xây dựng đề án Nghị quyết 18 để trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII ban hành, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho hay, sau 7 năm thực hiện nghị quyết, chúng ta đạt được một số kết quả khá tích cực và tạo ra chuyển biến bước đầu như: Giảm được đầu mối, giảm được số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm được tầng lớp trung gian, giảm được biên chế và cuối cùng giảm được chi thường xuyên.

"Chúng ta có thể nhắc đến Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó là Bộ trưởng Tô Lâm đã gương mẫu đi đầu trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", ông Hà nêu.

Song, nếu xem xét nghiêm túc, việc thực hiện nghị quyết chưa đạt được kết quả như mong muốn, bởi tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều giao thoa giữa các cơ quan với nhau.

Ông Hà cũng nhắc đến quan điểm của Đảng là phải làm từng bước thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, "vừa chạy vừa xếp hàng", trên cơ sở rút kinh nghiệm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, tinh gọn bộ máy là việc khó, phức tạp, thậm chí còn rất nhạy cảm. Nói đến tinh gọn tổ chức bộ máy là đụng đến con người, nói đến tinh giản đội ngũ cán bộ là liên quan đến con người. Mà con người thì rất nhiều vấn đề tác động vào như tâm tư, tình cảm, quyền lợi, lợi ích, uy tín, danh dự, chức vụ, thu nhập…

"Vào cuối năm 2024, khi cơ hội chín muồi, chúng ta thấy rõ sự quyết tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công cuộc này", ông Hà nói và nhấn mạnh công cuộc sắp xếp bộ máy vừa qua được tạo ra với tiền đề là Nghị quyết 18.

Tư tưởng, lý luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức lan tỏa sâu rộng và có giá trị soi đường cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng và dân tộc ta.

Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khi đọc lời điếu tại lễ tang: "Di sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh".

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Không để lọt vào cấp ủy khóa mới cán bộ tham nhũng, lãng phí
Tổng Bí thư yêu cầu phấn đấu không để kéo dài những vụ, việc cũ sang nhiệm kỳ mới, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
  • Bí mật đằng sau gói mì Hảo Hảo
    VOVLIVE - Đằng sau mỗi gói mì Hảo Hảo chỉ vài nghìn đồng là cả một hành trình bền bỉ, một hệ sinh thái sản xuất hiện đại, được đầu tư hàng chục triệu USD và vận hành bởi hàng nghìn con người với sự tâm huyết trong từng công đoạn. Tất cả đều hướng đến lời hứa "Cook happiness" – cống hiến cho xã hội thông qua ẩm thực.
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác tại Brazil
    Vào 20h ngày 7/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thành phố Rio de Janeiro, Cộng hoà Liên bang Brazil về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp các hoạt động dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hoà Liên bang Brazil.
  • Khởi tố cựu Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải liên quan sai phạm ở PJICO
    VOVLIVE - Ông Đào Nam Hải (cựu Tổng Giám đốc Petrolimex, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) bị khởi tố về tội Nhận hối lộ.
Mới nhất