Lệnh ngừng bắn Israel-Iran: Khoảng lặng trước “cuộc chiến cuối cùng”?

04/07/2025, 07:39

Cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran trong tháng 6 vừa qua đã tạm lắng sau lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian, nhưng bất đồng sâu sắc về hạt nhân, an ninh và niềm tin chiến lược khiến khu vực vẫn có nguy cơ đứng bên bờ một cơn địa chấn mới.

Hơn một tuần sau khi Mỹ thúc đẩy Israel và Iran đạt được thỏa thuận ngừng bắn, những nghi ngờ lớn vẫn bao trùm về độ bền vững của lệnh ngừng bắn cũng như triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân với Tehran.

Cuộc không kích bắt đầu ngày 13/6 khi Israel tấn công vào hàng ngũ chỉ huy cấp cao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và kho tên lửa đạn đạo của nước này. Israel cũng nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, cho rằng Tehran đã tiến rất gần đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Đáp trả, Iran đã phóng hàng loạt tên lửa vào các căn cứ quân sự, hạ tầng và thành phố của Israel.

Ngày 24/6, Washington đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn, sau khi Mỹ không kích 3 cơ sở hạt nhân trọng yếu của Iran.

Tuy nhiên, khả năng nối lại đàm phán giữa Mỹ và Iran hiện đang bỏ ngỏ. Hai bên đã bắt đầu các cuộc trao đổi liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran trước khi xung đột nổ ra, song hiện không rõ liệu tiến trình này có thể tiếp tục.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh CBS ngày 2/7, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố không thể nối lại đàm phán nếu Mỹ vẫn tiếp tục đe dọa quân sự. “Chấm dứt các đe dọa quân sự từ phía Mỹ là điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại giữa Tehran và Washington”, ông Araghchi nhấn mạnh.

Tehran “khép cửa” với IAEA

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết ông sẽ cân nhắc tiến hành thêm các đợt không kích nếu Iran bị phát hiện đang tiếp tục làm giàu urani ở mức độ đáng lo ngại.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi xác nhận các đòn không kích của Mỹ nhằm vào 3 cơ sở hạt nhân Fordow, Natanz và Isfahan đã khiến năng lực làm giàu urani của Iran bị “suy giảm nghiêm trọng”. Tuy vậy, ông cũng cảnh báo Tehran hoàn toàn có thể nối lại hoạt động làm giàu “trong vòng vài tháng”.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 2/7 đã chính thức phê chuẩn đạo luật đình chỉ mọi hình thức hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đạo luật này đã được Quốc hội Iran thông qua một ngày trước đó. Theo văn bản ban hành, Iran sẽ ngừng cấp quyền tiếp cận cho các thanh sát viên quốc tế, cắt giảm trao đổi kỹ thuật, đồng thời yêu cầu chính phủ đệ trình kế hoạch cụ thể để “giảm dần sự phụ thuộc vào các cơ chế giám sát quốc tế”.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/6, ông Pezeshkian nói rằng “lòng tin của Iran với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã bị phá vỡ”.

Ảnh vệ tinh do Maxar Technologies (Mỹ) công bố cùng ngày ghi lại cảnh máy xúc và công nhân xuất hiện quanh khu vực thông gió tại cơ sở Fordow – nơi được coi là một trong các trung tâm làm giàu urani chủ chốt của Iran, bất chấp thiệt hại sau các cuộc không kích.

Trước khi xung đột nổ ra, IAEA được phép tiếp cận thường xuyên các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, theo luật mới được Tehran ban hành ngày 3/7, bất kỳ chuyến thanh sát nào trong tương lai đều phải được Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran phê duyệt.

“Một khi các cơ sở hạt nhân dân sự của chúng tôi bị tấn công, làm sao có thể đảm bảo an toàn cho thanh sát viên quốc tế?”, một nguồn tin ngoại giao Iran nói với Euronews.

Khoảng lặng trước cơn bão mới?

Trong khi Israel và Mỹ coi cuộc chiến 12 ngày là một cuộc xung đột ngắn ngủi, thì giới lãnh đạo Tehran cho rằng đó là một cuộc chiến chưa kết thúc. Iran công bố con số thương vong là 935 người thiệt mạng, trong đó có 38 trẻ em và 132 phụ nữ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng khu vực đang đứng trước “nhiều cơ hội ổn định mới” sau cuộc chiến. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn còn nhiều nghi vấn.

Giáo sư Raffaele Marchetti, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Luiss (Rome) nhận định Tehran phản đối mạnh mẽ mục tiêu chiến lược của Mỹ và Israel, vốn không chỉ dừng ở việc phi hạt nhân hóa Iran.

Trong khi ông Netanyahu coi việc phá hủy chương trình hạt nhân của Iran là vấn đề sống còn với an ninh quốc gia, thì Tehran lại hướng tới một cán cân quyền lực khu vực dựa trên sự răn đe hạt nhân lẫn nhau.

“Việc Iran phát triển năng lực hạt nhân không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, cần lưu ý là về mặt hình thức, Iran – không giống Israel – vẫn là một bên ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)”, ông Marchetti nhận định.

Cùng lúc đó, giới lãnh đạo Iran cảnh báo nếu Israel tiếp tục tấn công các cơ sở hạt nhân của họ, cuộc xung đột kế tiếp sẽ không giống bất kỳ cuộc đối đầu nào trước đây. Một cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Pezeshkian được dẫn lời nói rằng “cuộc chiến kế tiếp có thể là cuộc chiến cuối cùng của khu vực nếu Israel vượt qua lằn ranh đỏ một lần nữa”.

Do đó, ông Marchetti cho rằng khả năng đạt được một thỏa thuận giữa các bên là rất thấp nếu không có bên nào chịu nhượng bộ. “Việc thay đổi chế độ tại Iran có thể là giải pháp lâu dài, và đó dường như là điều Mỹ và Israel đang tính tới”, ông nói thêm.

Răn đe hạt nhân và sự ám ảnh về cán cân khu vực

Israel chưa bao giờ chính thức thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân và cũng không ký NPT, trong khi Iran đã ký từ năm 1970 dưới thời Shah Mohammad Reza Pahlavi – khi Tehran còn là một trong 3 trụ cột thân phương Tây trong cán cân đối trọng Liên Xô tại khu vực, bên cạnh Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời điểm đó, 3 nước này có quan hệ chính trị và quân sự chặt chẽ, dựa trên các lợi ích chiến lược tương đồng. Nhưng hiện nay, giới lãnh đạo Iran công khai tuyên bố mong muốn “xóa sổ Israel”.

Cả Iran và Israel đều không công bố học thuyết hạt nhân chính thức. Trong khi Iran tuyên bố chương trình hạt nhân chỉ phục vụ mục đích hòa bình, thì Israel duy trì chính sách “mập mờ chiến lược” – không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm giữ đối thủ trong tình trạng mơ hồ.

Theo ước tính từ các tổ chức quốc tế và giới học giả, Israel có thể đang nắm giữ từ 90 đến 400 đầu đạn hạt nhân.

“Israel chưa từng sử dụng vũ khí hạt nhân – kể cả trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, khi nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ quân sự trước Syria và Ai Cập. Nhưng đối với Israel, vũ khí hạt nhân là ‘vũ khí tối hậu’ để răn đe”, chuyên gia David Rigoulet-Roze thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) nhận định.

Theo ông Rigoulet-Roze, dù duy trì chính sách mập mờ, lập trường của Israel là rõ ràng: nước này không chấp nhận bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác sở hữu vũ khí hạt nhân, kể cả khi phải sử dụng vũ lực.

Năm 1981, Israel tấn công lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq - được cho là do Pháp giúp xây dựng cho mục đích dân sự. Năm 2007, máy bay Israel tiếp tục không kích khu vực Deir ez-Zor (Syria), nơi mà Mossad cho là chính quyền lúc bấy giờ của Tổng thống Bashar al-Assad đang xây dựng một nhà máy hạt nhân với sự hỗ trợ của Triều Tiên.

Hiện tại, cục diện khu vực đang nghiêng về phía Israel: Ai Cập và Jordan đã bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv, Syria suy yếu sau nhiều năm xung đột, Lebanon không còn đủ sức gây áp lực, trong khi Iraq cũng không còn là một nhân tố đáng lo ngại.

Tuy nhiên, nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, điều này sẽ phá vỡ thế cân bằng trong một khu vực vốn bất ổn. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman từng tuyên bố nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân, Riyadh cũng sẽ theo đuổi con đường tương tự. Điều này có thể kích hoạt hiệu ứng domino với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

“Đó chính là điều mà thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức) muốn ngăn chặn. Nhưng Tổng thống Trump (trong nhiệm kỳ đầu tiên) đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2018”, ông Rigoulet-Roze nhấn mạnh.

Bài liên quan
Ukraine bị gạt khỏi tâm điểm NATO, phương Tây chia rẽ trong lập trường về Nga
VOVLIVE - Xét trên nhiều phương diện, hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay tại The Hague được coi là thành công. Tuy nhiên, “sự yên bình” đó phải trả giá khi các cuộc thảo luận thực chất về Ukraine và Nga gần như vắng bóng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Ổn định bộ máy chính quyền các cấp, tập trung phát triển KT-XH
VOVLIVE - Ngày 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với địa phương tháng 6/2025. Hội nghị được thực hiện trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và kết nối đến 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
  • Thanh tra NHNN phát hiện nhiều sai phạm tại 3 chi nhánh Vietcombank
    VOVLIVE - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Khu vực 12 mới đây đã công bố kết luận thanh tra tại ba chi nhánh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) gồm: Bình Dương, Vũng Tàu và Tây Ninh.
  • Những thách thức khi triển khai chính quyền 2 cấp
    VOVLIVE - Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tác động tích cực đến việc tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ phát triển bền vững... Tuy nhiên khi triển khai cũng đối mặt nhiều thách thức.
  • VOVLive Đọc Truyện chính thức đạt Nút Vàng YouTube với 1 triệu người đăng ký
    VOVLIVE- Hôm nay (3/7/2025), kênh VOVLive Đọc Truyện của Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức đạt cột mốc ấn tượng: 1 triệu lượt đăng ký trên YouTube, vinh dự nhận Nút Vàng từ nền tảng này. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ của những giá trị văn hóa, tri thức mà Đài Tiếng nói Việt Nam kiên trì gìn giữ và phát triển suốt nhiều thập kỷ.
Mới nhất