Không chỉ là thứ rau ăn ngon miệng, rau càng cua còn được dùng làm vị thuốc. Dưới đây là những tác dụng của rau càng cua và điều cần lưu ý khi ăn rau càng cua.
Tác dụng của rau càng cua
Ttheo thông tin trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec, rau càng cua là loài rau thuộc họ hồ tiêu Piperaceae, còn được gọi với những cái tên khác như rau tiêu, quỷ châm thảo, thích châm thảo, đơn kim...
Loại rau này có các đặc điểm:
- Mọng nước
- Thường mọc ở chân tường, hay vùng đất ruộng có sự ẩm ướt, và xen vào các loại cây cỏ khác
- Vòng đời 1 năm
- Hạt nhỏ, dễ phát tán đi xa, lên cây và lan rộng khi có điều kiện thuận lợi
- Có thể dùng được ở dạng tươi sống với vị chua nhẹ, ăn mát, giòn ngon, tác dụng thanh nhiệt.
Thành phần dinh dưỡng của rau càng cua thế nào?
Thành phần dinh dưỡng của rau càng cua với 92% nước cùng 8% là các vitamin, khoáng chất như beta caroten (tiền vitamin A), sắt, kali, magiê, vitamin C…
Cụ thể, 100gram rau càng cua cung cấp 24 calo cho cơ thể, gồm:
- 277mg kali
- 224mg canxi
- 62mg magiê
- 5,2 mg vitamin C
Đây là những chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người và cần thiết bổ sung cho cơ thể.
Các tác dụng tuyệt vời của rau càng cua với sức khỏe
Dưới đây là những tác dụng của rau càng cua được đăng trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec:
Chống viêm:
Rau càng cua có tác dụng chống viêm, giảm đau nhờ chất prostaglandin tổng hợp, được dùng để trị sốt, ho, đau đầu, cảm lạnh, viêm khớp. Trong đó, loại rau này tác dụng hạ sốt được so sánh tương đương với thuốc aspirin.
Chống oxy hóa:
Rau càng cua khả năng thu gom cũng như hoạt động tiêu diệt các gốc tự do gây hại đến cơ thể.
Loại rau này tác dụng chống oxy hóa, làm quá trình lão hóa của các tế bào chậm lại một cách hiệu quả với sự xuất hiện của chất beta carotene có trong nó.
Ngăn ngừa ung thư:
Loại rau này cũng có một công dụng khác, đó là ngừa ung thư.
Cụ thể, rau càng cua ngăn chặn một số tế bào ung thư phát triển. Từ đó, có thể dùng nó để bổ sung cho cơ thể với mục đích phòng ngừa, hỗ trợ chống lại căn bệnh này.
Giảm axit uric trong máu:
Chiết xuất từ rau càng cua có khả năng làm giảm đến khoảng 44% nồng độ axit uric trong máu.
Nhờ vậy, ăn rau càng cua có thể hỗ trợ trong việc điều chỉnh và cân bằng loại axit này trong máu cũng như giúp phòng ngừa bệnh gout.
Bảo vệ tim mạch, tốt cho huyết áp:
Với việc chứa nhiều chất xơ cùng các khoáng tố vi lượng như kali, magie, rau càng cua tác dụng tốt cho tim mạch, huyết áp.
Cụ thể, chúng hỗ trợ duy trì các chỉ số huyết áp ở mức an toàn; đồng thời, giúp ổn định nhịp tim, giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa các bệnh về tim và bảo vệ tim mạch.
Ngoài ra, loại rau này cũng tốt cho những người bị thiếu máu với việc chứa nhiều sắt, hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu.
Ngăn ngừa viêm khớp:
Khi kết hợp cùng với thuốc Ibuprofen, chiết xuất của rau càng cua hỗ trợ việc cải thiện triệu chứng viêm khớp, đặc biệt là liên quan khớp gối.
Đi kèm với đó, nó còn có thể giúp việc điều trị các chấn thương gãy xương lành nhanh hơn bình thường.
Ức chế rối loạn cảm xúc:
Rau càng cua còn có công dụng trong việc ức chế rối loạn cảm xúc.
Theo đó, một số hợp chất chứa trong chiết xuất từ loại rau này có tác dụng tốt trong việc điều trị rối loạn cảm xúc quá mức. Đối với phụ nữ đang mang thai, rau càng cua được bổ sung vào thực đơn ăn uống có thể giúp ổn định tinh thần do sự thay đổi hormone.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau càng cua
Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ rau càng cua được đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:
- Viêm họng: Rau càng cua 50 - 100g, rửa sạch nhai ngậm, hoặc xay nước uống hàng ngày. Dùng liền 3-5 ngày.
- Tiểu đường: Rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm (có thể dùng chanh), ếch 1 con (100g), lột da, làm sạch bỏ đầu, lấy thịt tẩm bột, rán chín vàng. Tất cả trộn đều, ăn tuần 2-3 lần.
- Thiếu máu: Rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm, thịt bò 100g, cho gia vị vừa đủ xào chín tới trộn đều ăn, nóng với cơm. Một tuần ăn 3 lần.
- Lợi tiểu: Rau càng cua 150-200g, rửa sạch, cho 300ml nước đun sôi, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền 5 ngày.
- Chữa đau lưng cơ co rút (nhiệt độc nhập kinh thận): Rau càng cua sắc uống mỗi ngày 50 - 100g.
- Chín mé (sưng tấy, chưa vỡ mủ): Rau càng cua 100 - 150g, cho 250ml nước, đun sôi chia 2 lần uống trong ngày. Bã đắp ngoài.
- Mụn nhọt: Rau càng cua 150g, rửa sạch ăn sống, hoặc xay nước uống.
- Chữa ngoài da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành: rau càng cua ăn sống, hoặc xay nước uống, giã đắp ngoài.
Có người còn cho rằng, ăn rau càng cua làm người mát, bớt táo bón, đi tiêu dễ dàng, người khỏe, tim bớt hồi hộp, có thể vì rau này có tính nhuận tràng và giàu vitamin C, kali.
Không dùng rau càng cua trong trường hợp nào?
Theo thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống, rau càng cua là rau ngon giòn, bổ mát, lạ miệng, là nguồn bổ sung nhiều vitamin vi lượng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, rau có tính hàn, người tỳ vị hư hàn đang tiêu chảy không nên dùng.