Trực tiêm xuyên lễ
Theo thông báo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong hôm nay và ngày mai (2 và 3/5), có 49 điểm tiêm vaccine COVID-19 ở 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức. Trong đó, hầu hết các điểm tiêm đều thực hiện tiêm chủng buổi sáng, có 5 đơn vị triển khai tiêm cả ngày.
Tại một số điểm tiêm, các bệnh viện bố trí lực lượng tiêm vaccine là kíp trực cấp cứu (được tăng cường thêm bác sĩ để khám sàng lọc trước tiêm). Còn các trạm y tế cũng có lực lượng túc trực tiêm ngừa. Tuy nhiên, số lượng người dân đến tiêm vaccine COVID-19 rải rác từ 1-3 trường hợp ở mỗi điểm tiêm.
Anh Bùi Văn Hùng, 40 tuổi, tạm trú tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đi chơi cùng bạn ở thành phố Thủ Đức, TP.HCM, đến Bệnh viện Lê Văn Việt tiêm vaccine COVID-19. Anh Hùng có cơ địa nặng đến 90kg, được cảnh báo nguy cơ bị tim mạch và huyết áp. Do đó, nhân tiện đi chơi, anh Hùng rủ thêm bạn đi tiêm ngừa.
“Tôi xem trên đài báo thời gian này có nguy cơ bùng dịch lên, mà mình cũng tiêm 3 mũi rồi, nhưng mà sợ là dịp lễ này sẽ bùng phát lên nhiều nên mình cứ chủ động đi tiêm cho chắc. Phòng mà, chứ nhiều lúc dịch nhiều, lúc đấy đi tiêm sẽ đông người", ông Bùi Văn Hùng chia sẻ.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Đức Vượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Lê Văn Việt, thành phố Thủ Đức cho biết, trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1/5, trung bình mỗi ngày phòng tiêm chủng tiếp nhận khoảng 20 trường hợp đến tiêm phòng COVID-19. Tuy nhiên, trong dịp lễ, chỉ có lác đác từ 2-3 ca đến tiêm. Nguyên nhân là do người dân nghỉ lễ nên về quê hoặc đi du lịch, chỉ có các trường hợp ở địa phương có nhu cầu đến tiêm.
Bác sĩ Vượng cũng cho biết, đối với tất cả các bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây, ngoài khai thác các triệu chứng liên quan đến COVID như hắt hơi, sổ mũi thì bác sĩ đều hỏi thêm vấn đề tiêm phòng đủ 4 mũi vaccine COVID-19. Nếu chưa tiêm sẽ được tư vấn và tổ chức tiêm ngừa luôn cho bệnh nhân, kể cả thân nhân người bệnh.
Bác sĩ Bùi Đức Vượng nói: “Các bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện thì cũng khai thác xem là bệnh nhân đã tiêm đủ mũi chưa và thời gian tiêm là bao lâu, nếu đủ điều kiện thì vẫn đưa bệnh nhân sang tiêm. Đặc biệt là những bệnh nhân đến chạy thận nhân tạo, các bệnh nhân trên 50 tuổi và có bệnh nền là đều ưu tiên tư vấn thêm và tiêm vaccine”.
Bảo vệ nhóm “nguy cơ” - bài học xương máu
Tính từ 16h ngày 30/4 đến 16h ngày 1/5, TP.HCM xác định được 31 ca mắc mới. Riêng số ca nhập viện do COVID-19 trong ngày là 93 trường hợp, số ca xuất viện là 42. Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho 476 ca COVID-19, trong đó có 158 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết, từ đầu tháng 4/2023, TP.HCM bắt đầu ghi nhận sự gia tăng hằng ngày một số ca mắc COVID-19 mới, kéo theo số ca nhập viện điều trị tăng theo.
Theo bà Nga, hệ thống giám sát ngành y tế đã phát hiện một loạt biến thể phụ mới của biến chủng Omicron như XBB, XBB1.5 và biến thể mới nhất là XBB1.16, đây là biến thể đang gây ra làn sóng ca mắc nhiều nhất trên thế giới.
Sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của Omicron đã làm số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, nhưng theo các báo cáo của nhiều quốc gia trên thế giới về tình hình dịch bệnh thì chưa ghi nhận việc tăng nặng thêm tình trạng lâm sàng của bệnh.
Trước bối cảnh này, UBND TP.HCM đã kích hoạt “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”. Trong đó, UBND xã, phường, thị trấn cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai...). Ngành y tế sẽ tổ chức những điểm tiêm thuận lợi nhất để người dân đi tiêm chủng.
Bà Lê Hồng Nga nói: “Nếu như lập danh sách mà có những người không thể đi đến điểm tiêm được thì sẽ tổ chức tiêm chủng tại nhà. Về chỉ định của vaccine tiêm chủng đối với nhóm nguy cơ này thì đó là theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế là phải tiêm đầy đủ 4 mũi vaccine phòng COVID-19”.
Để phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp V2K (khử khuẩn, khẩu trang và tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ)./.