Nhiều tháng nay, anh Trần Sơn (40 tuổi, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục đăng đàn rao bán khu homestay rộng hơn 3 hecta tại Ba Vì trên nhiều kênh thông tin. Khu đất của anh Sơn có hơn 500m2 đất thổ cư, từng được anh mua với giá 20 tỷ đồng. Cuối năm 2021, gia đình anh đầu tư thêm 15 tỷ đồng để xây dựng khu homestay với hơn 5 căn villa khang trang, tiện nghi với hi vọng có thể phát triển mô hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, vừa sử dụng được quỹ đất rộng, vừa có thêm công việc và thu nhập cho cả gia đình. Tuy nhiên, việc kinh doanh homestay không đơn giản, khi vận hành, gia đình anh mới biết phát sinh quá nhiều vấn đề và chi phí.
Do phải vay vốn nhiều để đầu tư, cõng nặng lãi suất, cộng với việc kinh doanh mang lại lợi nhuận thấp, vợ chồng anh Sơn đành bán khu homestay để vớt vát lại vốn. Giá rao bán đã giảm đi rất nhiều nhưng cho đến nay, vẫn chưa có khách mua. Số người hỏi cũng không nhiều, do giá trị khu đất không nhỏ, kèm với việc kinh doanh homestay trong giai đoạn này không còn “nóng” như trước.
"Nếu như nhiều năm trước, homestay nở rộ như một trào lưu mới của giới kinh doanh bất động sản thì nay mô hình này đã bị bão hòa, thậm chí thua lỗ", anh Sơn ngậm ngùi nói.
Cùng ý kiến với anh Sơn, chị Phạm Loan (chủ một homestay tại Lương Sơn – Hòa Bình) thừa nhận, để vận hành một khu homestay không hề đơn giản. “Ngoài việc bỏ tiền ra mua đất, việc thiết kế xây dựng một khu homestay tốn kém rất nhiều vì không chỉ xây nhà, chúng tôi còn phải có đủ hạ tầng đồng bộ để đảm bảo cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, hút mắt. Homestay càng mới, lạ, đầu tư bài bản thì mới thu hút được khách du lịch. Tuy nhiên, so với số tiền bỏ ra, lợi nhuận mang lại hiện không đủ để bù đắp cho các chi phí trong khi hầu hết người kinh doanh đều phải vay vốn ngân hàng. Nhất là trong giai đoạn lãi suất cao như hiện nay thì việc cõng lãi thực sự là một gánh nặng quá lớn”, chị Loan nói.
Vẫn theo chị Loan, khu homestay của chị dù được đầu tư bài bản nhưng lượng khách du lịch không ổn định. “Công ty cũng đã bỏ phí để sales khách trên nhiều kênh du lịch, thậm chí đầu tư chạy quảng cáo, tăng tương tác trên các trang mạng, tuy nhiên lượng khách đến nghỉ dưỡng không đông, rất ít khi lượng phòng được phủ kín. Trong khi đó, chủ homestay vẫn luôn phải duy trì lượng nhân công để đảm bảo vận hành. Kể cả việc kinh doanh thuận lợi cũng phải mất 5 năm, nhà đầu tư homestay mới có thể thu hồi vốn. Vì thế, với những ai đang dùng đòn bẩy tài chính để kinh doanh loại hình này đều đang đối mặt với nhiều nguy cơ phá sản", chị Loan nói thêm.
Chị Nguyễn Hồng Nhung, một nhà đầu tư homestay nhiều năm nay cho biết, thị trường homestay "vỡ trận" một phần do nguyên nhân nhiều người ồ ạt đầu tư theo trào lưu trước đó mà không lường trước được cú chạm đáy của bất động sản từ giữa 2022 đến nay. "Phần lớn những người bạn tôi quen sau này trong giới kinh doanh homestay đều là tay ngang, chạy theo trào lưu khi thị trường tăng nóng ba năm trước. Lúc đó, lãi vay chỉ có 7-8% còn hiện nay mức lãi mà các nhà đầu tư đang phải gánh lên đến 12-13%. Với việc lãi suất vẫn treo cao, thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế khó khăn khiến lượng khách du lịch thấp thì kinh doanh homestay làm sao có thể mang lại lợi nhuận được. Nhiều nhà đầu tư homestay hiện nay, một số đang tìm cách hoạt động cầm chừng, còn phần lớn chủ yếu là tìm cách để bán tháo".
Khảo sát của PV VTC News cũng cho thấy, thông tin rao bán về phân khúc bất động sản homestay trên các diễn đàn hiện nay rất nhiều.
Trên fanpage Homestay Ba Vì, Hà Nội, một khu homestay gần 7000 m2 (đất thổ cư 200m2), vừa mới xây, đang trong quá trình dở dang đã phải rao bán giảm giá với giá 9 tỷ đồng. Theo đánh giá của môi giới bất động sản, giá trị của khu homestay ước tính phải từ 13-15 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chủ nhà đang vướng áp lực về tài chính nên phải cần bán nhanh, chấp nhận hạ giá sâu chưa từng có.
Trên kênh homestay Hòa Bình, một khu homestay tại Lương Sơn, quy mô 6.000 m2, trong đó có 400 m2 đất thổ cư cũng được rao bán với giá hơn 15 tỷ đồng. Một môi giới bất động sản cho biết, con số này chỉ bằng 70% so với giá trị đầu tư ban đầu của chủ kinh doanh homestay.
Tại Ba Vì, chủ một khu đất có diện tích 1,4 ha, được đánh giá có vị trí đắc địa với hồ, suối rất thích hợp để làm du lịch nghỉ dưỡng cũng đang được rao bán với mức giá 26 tỷ đồng.
Một khu homestay nghỉ dưỡng tại Yên Bài, Ba Vì, có diện tích 2.500 m2, thổ cư 500m2 được rao giá 24 tỷ đồng.
Theo anh Phạm Văn Nam, môi giới bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng khu vực ven Hà Nội, một năm nay, số lượng khách hàng gửi bán các khu homestay tăng gấp 2-3 lần so với các năm trước. Dù giá bán đã được giảm xuống, tuy nhiên lượng giao dịch thành công không nhiều. “Thậm chí từ đầu năm đến nay tôi chưa chốt được cuộc giao dịch nào liên quan đến phân khúc homestay. Không chỉ do bất động sản đang bị chạm đáy mà một phần lớn do khuynh hướng đầu tư homestay đã bị bão hòa. Trào lưu ‘"ỏ phố về rừng” đã hết hot. Giờ đây, nếu có tiền, phần lớn giới kinh doanh bất động sản vẫn lựa chọn kênh đầu tư an toàn ở các trung tâm lớn, chủ yếu là nhà trong phố để giữ giá trị bất động sản hơn là lựa chọn mua homestay ở các vùng ven. Hơn nữa, trong bối cảnh ngân hàng đang xiết tín dụng mạnh, lãi suất cao, kinh doanh du lịch ế ẩm, không mấy ai dám xuống tiền đầu tư homestay”.
Nhận định về phân khúc homestay hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - đưa ra cảnh báo về vấn đề dùng đòn bẩy tài chính để kinh doanh. Theo ông Đính, đã có nhiều bài học, thậm chí mất tài sản vì đầu tư bằng dòng tiền vay vốn mà không tính toán được việc cân bằng lãi suất, thu - chi. Đặc biệt, kinh doanh homestay đòi hỏi rất nhiều kiến thức và cả kinh nghiệm thực tws về quản lý dòng tiền, hiệu suất đầu tư, vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng.
"Loại hình bất động sản nào cũng cần tránh hiện tượng đầu tư ồ ạt, làm theo trào lưu, vì lạm dụng điều này dễ dẫn đến tình trạng vỡ trận. Thực tế, hiện nay ở nhiều vùng ven Hà Nội, có tình trạng phổ biến hơn một nửa thôn, xã làm homestay, khu nghỉ dưỡng, trong khi lượng khách du lịch đến trải nghiệm thưa thớt, không đủ mang lại lợi nhuận so với số vốn bỏ ra", ông Đính nói.