Phủ xanh thêm đất trống đồi núi trọc được huyện xác định là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế rừng, tạo sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số Xơ Đăng, vốn chiếm tới hơn 95% dân số của huyện.
Thôn Ti Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông có 80 hộ với gần 500 nhân khẩu. 4 năm qua, từ nguồn giống hỗ trợ của chính quyền và tự mua, người dân trong thôn đã trồng mới được hơn 30 héc-ta rừng với chủ yếu là cây thông ba lá. Đi đầu trong việc trồng rừng trên diện tích đất canh tác lâu năm bạc mầu ở thôn Ti Tu là anh Vi Văn Chồm, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn. Năm 2021 anh Chồm tự bỏ tiền mua giống trồng 1,5 héc-ta thông ba lá. Trong 2 năm 2022, 2023, từ nguồn hỗ trợ giống của chính quyền và gia đình anh trồng thêm gần 1.500 cây sơn tra cùng mắc ca.
Anh Vi Văn Chồm, cho biết, gia đình anh cũng như các hộ dân thôn Ti Tu đã hiểu được lợi ích của việc trồng rừng: “Bà con nhận thức được lợi ích của việc trồng rừng. Trồng rừng là vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa ngăn chặn xói mòn giữ được nguồn nước để bà con canh tác lúa nước, hạn chế được tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét. Thứ hai nữa hiện tại thấy giá nhựa thông cũng cao, cây thông cũng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở đây nên bà con rất thích trồng cây thông”.
Cùng với quản lý bảo vệ tốt hơn 2.000 héc-ta rừng tự nhiên, 4 năm qua người dân 9 thôn của xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cũng trồng mới được gần 200 héc-ta rừng. Trong đó hơn 100 héc-ta do ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền mua giống với định mức 10 triệu đồng một héc ta và diện tích còn lại do người dân tự đầu tư cùng sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hoá.
Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết, cũng không dễ để người dân chuyển từ canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất là quyết liệt thì ý thức của người dân đã dần dần nâng lên. Đặc biệt đó là người có uy tín, cán bộ của thôn gương mẫu đi đầu, đi trước trồng rừng bà con thấy được hiệu quả dần dần bà con đi theo. Tất nhiên trong số đó cũng có một số hộ gia đình chưa biết cách chăm sóc. Từng bước, từng bước chính quyền địa phương cũng đang cố gắng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc này”.
Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trả lại màu xanh cho rừng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đang ngày càng lan toả mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh. Trong số đó, có các nghệ sỹ Khoa Thanh nhạc-Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các nghệ sỹ đã đến tận huyện, trao tặng 200 hộ Xơ Đăng nghèo ở 4 xã: Măng Ri, Tê Xăng, Đăk Hà và Tu Mơ Rông 100.000 cây thông giống 2 năm tuổi.
Tiến sĩ âm nhạc- Nghệ sỹ Nhân dân Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho biết: “Bằng tấm lòng và tình cảm vô cùng đặc biệt của anh chị em nghệ sỹ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ những cây thông này để cho bà con một nguồn vốn để mà thoát nghèo”.
Quyết tâm phủ xanh đất trống đồi núi trọc để tạo sinh kế bền vững cho người dân, từ năm 2021 đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã trồng được hơn 2.000 héc-ta rừng tập trung cùng hơn 1,2 triệu cây phân tán, chủ yếu là thông, sơn tra, mắc ca... Riêng trong năm nay, huyện Tu Mơ Rông được UBND tỉnh Kon Tum giao trồng mới 270 héc-ta rừng. Tính đến hết tháng 9 vừa qua, huyện đã trồng được hơn 325 héc-ta, vượt 55 héc ta so với chỉ tiêu.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, để thay đổi được tập quán từ phá rừng làm nương rẫy chuyển sang trồng rừng, bảo vệ rừng, thì phải giúp người dân đảm bảo được sinh kế: “Quan điểm của huyện việc phát triển rừng phải đảm bảo gắn liền với an sinh cho nên huyện đã chỉ đạo các xã, các tổ chức doanh nghiệp hỗ trợ cho nhân dân trồng rừng đồng thời phải hỗ trợ phát triển dưới rừng mới trồng. Ví dụ như trồng cây dứa, trồng sâm dây, các loại dược liệu để đảm bảo trong thời gian chưa có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng và thu lại lợi ích từ trồng cây rừng thì người dân vẫn đảm bảo sinh kế để nuôi cây rừng phát triển lâu dài”.
Với định hướng trồng lại rừng để trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng gắn với phát triển du lịch, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cùng với nỗ lực quản lý, bảo vệ tốt hơn 58.000 héc-ta rừng tự nhiên hiện có cũng đang tiếp tục trồng thêm rừng. Bên cạnh việc vận động người dân tích cực trồng rừng trên diện tích đất canh tác nương rẫy lâu năm đã bạc mầu, chính quyền huyện cũng huy động nhiều nguồn lực để tiếp tục phủ xanh diện tích đồi núi trọc còn lại. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Tu Mơ Rông mở rộng thêm diện tích gần 4.000 héc-ta cây dược liệu hiện có, đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, tạo sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số Xơ Đăng, vốn chiếm tới hơn 95% dân số của huyện.