Phát thanh tiếng Lào: 70 năm góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Lào

Nhóm PV Chương trình tiếng Lào/VOV | 06/10/2024, 15:28

Trong những trang viết về lịch sử của phát thanh đối ngoại, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, trong hành trang phát thanh Đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có thêm buổi phát thanh tiếng Lào.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam, ngày 12/10/1954, Chương trình phát thanh tiếng Lào chính thức được thành lập, với vỏn vẹn 3 người vừa là biên dịch viên, vừa là phát thanh viên cho một chương trình 30 phút phát sóng hằng ngày.

Sau khi chương trình được phát sóng một thời gian, dần dần, đội ngũ những người làm phát thanh tiếng Lào được bổ sung thêm các cô chú là Việt kiều. Trong thời chiến, các cán bộ trong Chương trình phát thanh tiếng Lào luôn giữ vững làn sóng, ngày đêm kịp thời đưa tin chiến thắng của hai miền Nam-Bắc Việt Nam, của cách mạng Lào, cũng như dư luận nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng của hai nước. Nhớ lại những buổi phát sóng đầu tiên, ông Phạm Đình Quế - Nguyên trưởng Phòng tiếng Lào chia sẻ: Ông là người đầu tiên đọc thẳng của tiếng Lào, đọc tất cả các tin tức về máy bay rơi, có có tin tức mới là vào đọc luôn. 

Ông Phạm Đình Quế nói: "Trước đây thính giả Lào hay theo dõi đài lắm. Vì thời điểm đó không còn đài nào hơn đài Việt Nam hết, cả đài pathet Lào cũng do Việt nam đào tạo. Mà sóng của họ phát cũng phát từ Việt Nam, nhưng sóng yếu không đi xa được. Sóng Việt Nam đi xa hơn, và rõ hơn. Vào thời điểm đó thì chương trình phát thanh tiếng Lào về thông tin máy bay rơi là rất cần thiết cho người Lào. Vì nó là một chiến trường, tin vui của Việt Nam cũng là tin vui của Lào. Điều đó là nguồn rất động viên cho Lào, giúp khơi dậy cái tinh thần đấu tranh của cả hai dân tộc".

Ông Vũ Hải - nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV - nguyên Trưởng Ban Đối ngoại cho biết, chương trình Tiếng Lào là một trong những chương trình ra đời sớm ở VOV sau các chương trình tiếng Anh, tiếng Pháp thời kì đầu.

Ông Vũ Hải nhấn mạnh sự cần thiết về sự ra đời của chương trình: "Lý do là theo tôi, quan hệ giữa Việt Nam và Lào là quan hệ hữu nghị đặc biệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvong và Chủ tịch Kaysone Phomvihan cùng các thế hệ sau này đã dày công vun đắp và quan hệ đó không những là quan hệ đối tác, chiến lược toàn diện mà còn thể hiện là hai dân tộc Lào – Việt sống với nhau như là anh em, như nhiều đồng chí lãnh đạo nói “việc giúp đỡ bạn như là giúp đỡ chính mình”.

Truyền thống đoàn kết thủy chung gắn bó này được duy trì qua nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên, khi cách mạng hai nước đã bước sang một giai đoạn mới. Kế tục truyền thống của các thế hệ đi trước, cán bộ, phóng viên Chương trình phát thanh tiếng Lào hiện nay ngày càng năng động, sáng tạo. Hiện, tất cả các thành viên trong Chương trình đều được đào tạo tại Đại học Quốc gia Lào. Nhiều người còn tốt nghiệp chuyên ngành báo chí và được bồi dưỡng về nghiệp vụ phát thanh hiện đại, tiếp cận nhanh công nghệ mới. Nhờ vậy, trình độ biên tập, biên dịch được nâng cao.

Bùi Thành Nam, một phóng viên trẻ của chương trình cho biết: "Từ khi làm việc tại chương trình tiếng Lào cho đến nay, tôi đã học được rất nhiều, không chỉ về kỹ năng chuyên môn như: dịch thuật, phát thanh, biên tập, viết bài…mà còn hiểu thêm nhiều về mối quan hệ giữa hai nước, hiểu được giá trị của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào mà những thế hệ đi trước đã vun đắp. Bây giờ, tôi cảm thấy rất tự hào khi có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam".

Từ tháng 9/2011, cùng với 12 ngôn ngữ của Ban Đối ngoại, Chương trình phát thanh tiếng Lào được đăng tải trên trang vovworld.vn. Tại trang thông tin này, ngoài phần tin tức được cập nhật liên tục, các chuyên mục hấp dẫn, các độc giả, thính giả còn được tiếp cận với các phóng sự ảnh, video clip sinh động, giới thiệu danh lam, thắng cảnh đất nước, con người Việt Nam một cách chân thực, đa sắc màu. Trên sóng phát thanh và trên trang web, nội dung chương trình phát thanh tiếng Lào luôn được đổi mới, cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thính giả, độc giả.

Bác Trần Văn Nam và bạn Nunu Mekdala, những thính giả rất gắn bó với chương trình tiếng Lào đã chia sẻ những cảm nhận của mình: "Mỗi lần mà nghe chương trình phát thanh tiếng Lào bao giờ tôi cũng cảm tưởng như gần với Lào hơn, thậm chí như đang ở trên nước Lào. Đặc biệt là, những lúc nhớ các bạn Lào, lâu rồi không được sang Lào thì tất nhiên là rất muốn nghe tiếng nói, bây giờ không còn được ở gần nhau nữa thì qua Đài để nghe tiếng Lào, coi như được gặp bạn Lào.

Sự đa dạng của chương trình thực sự đã mở rộng tầm nhìn của tôi. Chương trình tiếng Lào của VOV5 đề cập đến nhiều chủ đề - từ văn hóa, chính trị và kinh tế đến giáo dục và phong trào thanh niên ở cả Lào và Việt Nam. Việc tiếp xúc này đã làm sâu sắc thêm hiểu biết của tôi về mối liên kết chặt chẽ giữa hai nước chúng ta, và nó đã cho tôi một cái nhìn toàn diện hơn về quan hệ quốc tế. Đối với một người như tôi, điều này vô cùng quý giá vì nó đã nâng cao kỹ năng tư duy phản biện và giao tiếp".

Ông Văn Xay Tạ Vin Nhan, Phó Trưởng Ban Tuyên Huấn Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Phó Tổng giám đốc đài Phát Thanh Quốc Gia Lào chia sẻ: "Ông luôn theo dõi tin tức trên website cũng như nghe đài của VOV. Ông cho biết, hiện Báo Paxaxon của Lào vẫn sử dụng nhưng tin tức của VOV để thông tin đến người dân về các đường lối, chính sách của Đảng nhà nước Việt Nam, đặc biệt là những đường lối đổi mới, các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam Lào qua từng giai đoạn.

Ngoài ra tôi còn rất thích một điểm tại chương trình tiếng Lào đó là có rất nhiều kiến thức bổ ích về sức khỏe, về sản xuất đổi mới sáng tạo, những bài viết về du lịch của Việt Nam. Tôi cũng cảm thấy rất vui khi thấy các bạn đã có sự phát triển tốt trong công việc chuyên môn về việc biên dịch cũng như giọng đọc. Thời gian vừa qua, Đài Phát thanh Quốc gia Lào và VOV đã có sự trao đổi về chuyên môn, trao đổi về đào tạo các phát thanh viên khiến cho việc đọc phát thanh, ngữ điệu ngày càng tốt hơn".

Hiện tại, Chương trình phát thanh tiếng Lào phát sóng 3 buổi/ngày trên sóng AM và FM. Ngoài bản tin trong nước, quốc tế, còn có nhiều chuyên mục giới thiệu Việt Nam được các bạn Lào yêu thích, như: “Việt Nam đất nước con người”, “Khám phá Việt Nam”, “Chuyện của làng”…  đặc biệt là chuyên mục “Thư thính giả”, Chương trình ca nhạc theo yêu cầu”…  

Bà Võ Tuyết Mai, nguyên phó phòng tiếng Lào chia sẻ: "Đội ngũ các phóng viên, biên tập viên  tiếng Lào rất cố gắng, chúng tôi ngày càng làm cho các chương trình phong phú hơn, phát triển hơn. Ngoài chương trình bình thường thì chúng tôi cũng có những chương trình riêng biệt cho thính giả Lào đó là chương trình nói chuyện với bạn Lào. Chương trình này nhận được sự quan tâm rất nhiều của thính giả. Có những thính giả tuần nào cũng gọi điện như anh Phetsavan, là một người rất tâm huyết. Họ quan tâm đến tình hình chính trị của Việt Nam và những điểm mới của chương trình".

Làn sóng của VOV5 hiện đã phát trên sóng FM ở các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, nơi có rất nhiều lưu học sinh của Lào đang sinh sống, học tập,  góp phần giúp thính giả hiểu hơn về tình hình ở Việt Nam về mối quan hệ Việt Nam - Lào, cũng như tình hình quốc tế nổi bật. Đây là những điều thiết yếu mà chương trình tiếng Lào của VOV đã góp phần vào thông tin đối ngoại hiện nay.

Bà Phó Cẩm Hoa, Trưởng Ban Đối ngoại VOV5 cho rằng, thời gian tới,  Chương trình cần mở rộng các quan hệ đối tác, để tăng cường hơn nữa những tin bài đối tượng. Nâng cao chất lượng chương trình thông qua phóng sự phát sóng hằng ngày, đồng thời tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về các dịp kỷ niệm năm chẵn của mối quan hệ, các sự kiện lớn của Lào và Việt Nam.

"Về định hướng sắp tới của chương trình,các thứ tiếng của khối ASEAN vẫn luôn luôn được đánh giá  vì vị trí địa lý rất là gần gũi với Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng là một thành viên tích cực trong khối ASEAN. Chính vì thế mà Chương trình tiếng Lào vẫn sẽ giữ một vai trò quan trọng trong 13 thứ tiếng của Ban Đối ngoại. Bên cạnh công tác chuyên môn, chương trình tiếng Lào cần đảm bảo giữ vững được những dịch thuật rất tốt,để đưa được quan điểm, tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với nước bạn Lào, cũng như trên thế giới, khu vực Đông Nam Á".

Còn Ông Văn Xay Tạ Vin Nhan, Phó Trưởng Ban Tuyên Huấn Đảng NDCM Lào thì cho rằng: "Để thu hút được người nghe người xem thì theo tôi thứ nhất là nên tập trung phát nhiều tin tức về Lào hơn nữa, để cho người Lào tại Việt Nam được biết về tình hình, đường lối chính sách của Lào hiện nay như thế nào? Thứ 2 cần có những bài phỏng vấn, bài viết về người tốt việc tốt của người Lào tại Việt Nam, để người Lào biết được rằng con mình hiện tại ơ Việt Nam như thế nào, tập trung học tập ra sao, vẫn sinh sống hòa thuận đoàn kết với người Việt Nam, theo luật pháp của Việt Nam, theo quy định của trường học. Thứ 3 là có thêm nhiều kiến thức bổ ích dành cho người nghe người đọc".

Qua nhiều thế hệ, những người làm chương trình phát thanh tiếng Lào hôm nay  luôn khắc ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việt-Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà- Cửu Long”, tiếp tục nỗ lực xây đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào. Chương trình tiếng Lào xác định đã và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của VOV nói chung, cũng như VOV5 nói riêng, trong truyền thông đối ngoại, tiếp tục nối dài nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Lào.

* Ngày 7/9/1945, Ban Đối ngoại (VOV5) được thành lập cùng lúc với Đài TNVN với việc phát sóng 3 chương trình đầu tiên bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông.

 * Ngày 12/10/1954, Chương trình phát thanh tiếng Lào được chính thức phát sóng.

 * Từ tháng 09/2011, Chương trình phát thanh tiếng Lào chuyển tải các nội dung lên trang web: vovworld.vn.

* Hiện nay, Chương trình phát thanh tiếng Lào được phát trên  sóng FM tần số 105.5 MHz tại Hà Nội và Đà Nẵng và sóng FM tần số 105.7 tại Quảng Ninh và TpHCM vào 16h30 (giờ Hà Nội);  phát trên sóng AM tần số 7285 KHz- và  1242 KHz- hướng sang Lào vào 17h30 và 20h00 hằng ngày (giờ UTC) với các nội dung được cập nhật liên tục như bản tin trong nước và quốc tế, thời sự, bình luận về các vấn đề được quan tâm.

Bài liên quan
Vì sao không cố định lịch nghỉ Tết mỗi năm?
Đại diện Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, phương án nghỉ Tết Nguyên đán mỗi năm cần linh hoạt nhưng vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc sắp xếp ngày nghỉ cuối tuần liền kề với ngày nghỉ Tết là phù hợp. Nếu nghỉ dài quá thì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị có thể bị ảnh hưởng, nhưng nếu ngắn quá thì người lao động cũng khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội văn hóa vì hòa bình tại Hà Nội
Sáng nay (6/10), Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999 - 16/7/2024), UBND TP. Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm - biểu tượng văn hóa lịch sử của Thủ đô. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Mới nhất