Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội; năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình và năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Năm 2025, lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 tại TP.HCM nhân dịp đất nước ta kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2025).

Đại lễ Vesak diễn ra từ ngày 6 - 8/5/2025. Địa điểm chính diễn ra lễ khai mạc, hội thảo, bế mạc là tại Hội trường Học viện Phật giáo Việt Nam- Cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Dự kiến Đại lễ sẽ có 1.200 đại biểu quốc tế, đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các lãnh đạo cơ quan của Liên Hợp Quốc, Nguyên thủ một số quốc gia, các vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao Tăng, tiêu biểu các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn giới thiệu với cộng đồng Phật giáo thế giới và bạn bè quốc tế về truyền thống Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài 2000 năm lịch sử.
Đồng thời đây là chuỗi sự kiện mà Giáo hội Phật giáo muốn đóng góp để kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thể hiện sự đóng góp của tăng ni Phật tử trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đây cũng là cơ hội giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết và hòa hợp đến với bạn bè quốc tế. Cho bạn bè quốc tế chứng kiến một TP.HCM năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng sau 50 năm giải phóng. Đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới.
Trước, trong và sau Vesak sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa độc đáo như lễ hội văn hóa Phật giáo, biểu diễn nghệ thuật Phật giáo, hội chợ văn hóa Phật giáo.
Điểm đặc biệt của Đại lễ lần thứ Tư này tại TP.HCM so với 3 lần trước đó là Đại lễ có sự cung rước xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni là bảo vật quốc gia Ấn Độ và Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thêm: “Điểm đặc biệt nữa là lần đầu tiên chúng ta tôn trí tháp đồng Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức mà trước kia chúng ta gửi trong ngân hàng nhà nước. Lần đầu tiên chúng ta sẽ đưa ra tôn trí để các tăng ni đồng bào Phật tử, bà con nhân dân và bạn bè quốc tế được đỉnh lễ chiêm bái, để thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.