Ông Trump và bà Harris đối đầu chớp nhoáng

Hoa Vũ(Nguồn: SCMP) | 22/10/2024, 18:10

Bà Harris và ông Trump đều nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ tại các bang đối thủ trong bối cảnh cuộc đua tổng thống Mỹ vẫn rất cân bằng khi ngày bầu cử đến gần.

Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là đến Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang trong cuộc đua quyết liệt tại các chiến trường có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử. Các cuộc thăm dò cho thấy chặng đua vào Nhà Trắng năm nay quá sít sao để có thể dự đoán trước.

Ngày 21/10 (giờ địa phương), Phó tổng thống Harris xuất hiện tại Pennsylvania cùng với bà Liz Cheney – đảng viên Cộng hòa nổi tiếng – người kêu gọi những cử tri còn do dự “bác bỏ những lời chỉ trích nặng nề từ ông Donald Trump”.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump đến thăm Asheville, nơi thiệt hại do bão Helene, chỉ trích phản ứng của chính phủ đối với thảm họa. Sau đó, tại cuộc mít-tinh ở Greenville, ông nhấn mạnh thông điệp chiến dịch của mình rằng những người nhập cư trái phép đang “phá hoại” đất nước.

Phó tổng thống Harris xuất hiện tại Pennsylvania cùng với đảng viên Cộng hòa Liz Cheney. (Ảnh: SCMP)
 Phó tổng thống Harris xuất hiện tại Pennsylvania cùng với đảng viên Cộng hòa Liz Cheney. (Ảnh: SCMP)

Tìm sự ủng hộ trên sân khách

Chỉ riêng ngày 21/10, Phó tổng thống Harris lên lịch các sự kiện ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, các tiểu bang "Vành đai rỉ sét" ủng hộ ông Trump vào năm 2016 nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Tổng thống Joe Biden bốn năm sau đó.

Liz Cheney và cha bà, cựu Phó tổng thống Dick Cheney, từng được coi là những nhân vật chủ chốt trong đảng Cộng hòa nhưng bị cô lập bởi tầm ảnh hưởng của ông Trump.

Bà Cheney tuyên bố ủng hộ Phó tổng thống Harris vào tháng trước, cho biết đây không phải là quyết định khó khăn đối với một chính trị gia hay một người mẹ.

Bà nói: "Nếu bạn không thuê ai đó trông con mình, thì bạn không nên bầu người đó làm Tổng thống Mỹ".

Bà Harris cho rằng tầm ảnh hưởng chính trị của ông Trump kể từ cuộc bầu cử gây sốc năm 2016 khiến người Mỹ “chỉ trích lẫn nhau” và làm đất nước “kiệt sức”.

Bà nói: “Ông Donald Trump là người không nghiêm túc, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng nếu ông ấy một lần nữa trở thành Tổng thống Mỹ”.

Phát biểu tại Michigan, bà Harris kêu gọi cử tri gạt bỏ chính trị đảng phái sang một bên khi họ đi bỏ phiếu. Bà nói: "Trong một số vấn đề, tất cả chúng ta đều phải là người Mỹ".

Cả hai ứng cử viên Dân chủ và Cộng hoà đều giành được sự ủng hộ của cử tri từ các khối trước đây từng ủng hộ đối thủ của họ, dấu hiệu cho thấy cuộc đua rất quyết liệt.

Cũng trong ngày 21/10, cựu Tổng thống Trump kêu gọi sự ủng hộ của người Mỹ gốc Ả Rập qua bài đăng trên mạng xã hội, gọi bà Harris là “hiếu chiến” vì cách Nhà Trắng xử lý cuộc xung đột của Israel với các nhóm Hamas và Hezbollah.

Ở Greenville, ông Trump vẽ nên bức tranh về một nước Mỹ “bị tàn phá và hủy hoại” bởi nạn nhập cư, tội phạm và lạm phát.

Trước đó, tại thành phố Asheville, Bắc Carolina, cựu tổng thống lặp lại các thuyết âm mưu, cáo buộc chính quyền chuyển hướng quỹ cứu trợ thảm họa để tài trợ cho việc đưa những người nhập cư không giấy tờ vào nước Mỹ, nhằm củng cố phiếu bầu cho đảng Dân chủ.

Các viên chức trong tiểu bang buộc phải ban hành thông tin kiểm tra về phản ứng với bão sau khi ông Trump và những người ủng hộ ông đưa ra những gì mà Tổng thống Biden gọi là "một loạt lời nói dối".

Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump giành được chiến thắng sít sao tại Bắc Carolina.

Ông Donald Trump đến thăm khu vực bị bão Helene tàn phá ở Swannanoa, Bắc Carolina. (Ảnh: Reuters)
Ông Donald Trump đến thăm khu vực bị bão Helene tàn phá ở Swannanoa, Bắc Carolina. (Ảnh: Reuters)

Cả bà Harris và ông Trump đều nỗ lực giành lấy sự ủng hộ của vài nghìn cử tri dao động ở các khu vực quan trọng nhằm vượt lên trong cuộc đua.

Chiến dịch của bà Harris huy động và chi hơn 200 triệu USD trong tháng 9, gấp hơn 3 lần so với ông Trump. Bất chấp việc phó tổng thống chi tiêu mạnh tay, các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua duy trì thế cân bằng kể từ cuối tháng 8.

Cuộc thăm dò mới nhất của Washington Post-Schar School với các cử tri đã đăng ký tại 7 bang chiến trường cho thấy sự ủng hộ với cả hai ứng viên ngang nhau ở mức 47%.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk ủng hộ ông Trump, đã tác động rất lớn đến cuộc bầu cử khi rót 75 triệu USD vào Ủy ban hành động chính trị do ông thành lập, biến công ty truyền thông xã hội X thành loa phát thanh và vận động cho ông Trump ở Pennsylvania.

Tuy nhiên, ông Josh Shapiro, Thống đốc bang Pennsylvania thuộc Đảng Dân chủ, gợi ý  các cơ quan chức năng có thể điều tra tuyên bố của tỷ phú Musk hôm 19/10 rằng sẽ trao giải thưởng 1 triệu USD mỗi ngày (đến Ngày Bầu cử) cho một người ký vào bản kiến nghị của Ủy ban hành động chính trị.

Hoa Vũ(Nguồn: SCMP)
Bài liên quan
Bầu cử Mỹ: Số cử tri đi bỏ phiếu sớm ở bang chiến địa Georgia lập kỷ lục
Tiểu bang Georgia báo cáo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lập kỷ lục vào ngày đầu tiên bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhậm chức: Giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
  • Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư và phát triển điện hạt nhân
    Theo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
  • Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
    Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. VOV xin trân trọng giới thiệu tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường.
Mới nhất