Ông Trump đột ngột "quay xe" chỉ trích ông Putin, Mỹ đã hết kiên nhẫn với Nga?

29/04/2025, 09:31

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã có sự thay đổi lớn trong quan điểm về những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đang làm, sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Zelensky tại lễ tang của Giáo hoàng Francis vào cuối tuần qua.

Ông Trump thay đổi thái độ với ông Putin

Phát biểu với các phóng viên tại New Jersey hôm 27/4, ông Trump cho biết ông "rất thất vọng" về cuộc không kích của Nga vào Kiev tuần trước, đồng thời thể hiện thái độ thân thiện hơn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nói về cuộc trò chuyện với nhà lãnh đạo Ukraine, ông Trump cho biết: "Cuộc gặp đã diễn ra tốt đẹp. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong vài ngày tới. Chúng ta có thể sẽ học được nhiều điều. Tôi rất thất vọng khi Nga vẫn phóng tên lửa”.

Tổng thống Trump sau đó đã đăng tải một số chỉ trích hiếm hoi đối với Tổng thống Putin trên mạng xã hội Truth Social. Ông viết: “Không có lý do gì để Nga bắn tên lửa vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn dừng xung đột, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi, và vấn đề phải được xử lý theo cách khác, thông qua ngân hàng hoặc biện pháp trừng phạt thứ cấp? Quá nhiều người đã thiệt mạng trong cuộc chiến”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng úp mở về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, Tổng thống Trump khiển trách ông Putin. Trước đó hôm 24/4, ông Trump đã công khai hối thúc nhà lãnh đạo Nga “dừng lại” sau khi Moscow tiến hành một loạt cuộc tấn công vào thủ đô Kiev.

Động thái mới này diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và các trợ lý hàng đầu tăng cường thúc đẩy Nga-Ukraine tiến tới thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến hiện đã bước sang năm thứ tư. Những bình luận trên cũng trái ngược hoàn toàn với đánh giá tích cực của ông Trump cho rằng hai bên "tiến rất gần tới một thỏa thuận" sau cuộc của đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Tổng thống Putin tại Moscow vào ngày 25/4.

Cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Zelensky bên lề lễ tang của Giáo hoàng Francis là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ lần tranh cãi nảy lửa và đầy căng thẳng tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào cuối tháng 2. Cuộc tranh cãi đó đã khiến Mỹ tạm dừng hỗ trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine trong thời gian ngắn trước khi nối lại các hoạt động này. Vài ngày sau khi đưa ra quyết định trên với Ukraine, Tổng thống Trump cũng tuyên bố ông đang "cân nhắc mạnh mẽ" áp đặt các lệnh trừng phạt và thuế quan mới đối với Nga để gây sức ép buộc Moscow tiến tới bàn đàm phán đàm phán.

Lý do Mỹ chưa trừng phạt Nga

Tuy vậy, ông Trump vẫn chưa biến lời đe dọa với Nga thành hiện thực bất chấp việc một số đồng minh đảng Cộng hòa trung thành với tổng thống mong muốn ông thực hiện. Trên thực tế, khi công bố mức thuế quan mới với nhiều quốc gia trong tháng 4 này, nhà lãnh đạo Mỹ đã loại trừ Nga.

Giải thích về lý do Mỹ chưa áp thêm lệnh trừng phạt với Nga, Ngoại trưởng Marco Rubio cho rằng, động thái như vậy có thể khiến cuộc chiến ở Ukraine bị kéo dài.

"Chúng tôi vẫn hy vọng các nỗ lực ngoại giao có hiệu quả và chúng tôi có thể đưa hai bên lại gần nhau hơn. Nếu áp dụng các biện pháp mạnh tay, việc tiến tới một thỏa thuận hòa bình sẽ rất xa vời và xung đột có thể diễn ra thêm 2 năm nữa. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra", ông Rubio cho biết.

Ngoại trưởng Marco Rubio nhấn mạnh rằng không có quốc gia, thể chế hay tổ chức nào khác trên thế giới có khả năng hòa giải cả hai bên. Chỉ có Mỹ đang đàm phán với cả Kiev và Moscow.

"Không ai khác trên thế giới có thể làm được điều như thế này ngoài Tổng thống Trump. Đây là một trách nhiệm rất quan trọng và là một cơ hội thực sự quan trọng, và chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ thực hiện đến cùng, không bỏ lỡ bất cứ điều gì có thể dẫn đến hòa bình, nhưng chúng tôi cũng không muốn tiếp tục dành thời gian cho những nỗ lực vô ích", ông Rubio giải thích.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm trong suốt quá trình này, Mỹ đang đánh giá liệu cả hai bên có thực sự muốn hòa bình hay không và quan điểm của họ như thế nào sau 90 ngày nỗ lực và làm việc.

"Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng xác định trong tuần này. Có lý do để lạc quan và cũng có lý do để lo ngại. Thật phức tạp. Nếu đây là một cuộc chiến dễ dàng kết thúc, thì nó đã kết thúc nó từ lâu rồi. Nhưng ngay bây giờ, người duy nhất có thể đưa hai bên này lại với nhau để chấm dứt cuộc chiến này là Tổng thống Trump", ông Rubio nói.

Ukraine chấp nhận thực tế

Mỹ đã gây thêm áp lực với Nga và Ukraine sau khi cảnh báo có thể rút khỏi các cuộc đàm phán "trong vòng vài ngày tới" nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận.

Trước đó hôm 25/4, Tổng thống Trump cho biết Nga và Ukraine đang "rất gần với một thỏa thuận" sẽ chấm dứt cuộc xung đột. Trước khi rời Kiev đến Rome hồi cùng ngày, Tổng thống Zelensky cũng đề xuất một số thỏa hiệp với mục tiêu thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

"Trong những ngày tới, các cuộc họp rất quan trọng có thể diễn ra, đưa chúng ta đến gần hơn với sự im tiếng súng đối với Ukraine", ông nói.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại ở bất kỳ hình thức nào, với bất kỳ ai nhưng chỉ sau khi có tín hiệu thực sự cho thấy Nga đã sẵn sàng chấm dứt xung đột. Tín hiệu như vậy sẽ đưa tới một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa các bên cũng có thể đòi hỏi sự nhượng bộ và hoạt động ngoại giao mà chính quyền ông Trump hy vọng mang lại kết quả trong vài ngày trên thực tế có thể sẽ diễn ra rất chậm chạp.

Chấp nhận rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong tương lai gần, ông Zelensky nói: “Tôi nghĩ chúng ta phải thực tế. Chúng ta phải hiểu Ukraine cần những đảm bảo an ninh nào”. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, những đảm bảo đó có thể bao gồm việc triển khai lực lượng quân sự từ châu Âu và điều ông cho là “biện pháp dự phòng” từ Mỹ.

“Đối với chúng tôi, biện pháp dự phòng không nhất thiết đòi hỏi phương Tây triển khai bộ binh trên bộ ở Ukraine, mà có thể là phòng thủ mạng và trên hết là cung cấp hệ thống phòng không Patriot”.

CNN đưa tin tuần này rằng Trump đang thất vọng với các cuộc đàm phán đang trì trệ và đã nói riêng với các cố vấn rằng việc làm trung gian cho một thỏa thuận khó khăn hơn ông dự đoán.

John Lough, người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại tại Trung tâm Chiến lược Á-Âu Mới, nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London và Washington, cho rằng: "Tổng thống Putin đang chơi trò chờ đợi vì ông tin rằng thời gian đang đứng về phía mình và rằng ông có thể đẩy Ukraine rơi vào một vị thế bất lợi hơn. Mục tiêu của ông Putin có thể là khiến Ukraine và các đối tác Mỹ, châu Âu tin rằng không gì có thể thay thế cho một giải pháp hòa bình theo các điều khoản của Nga".

Bài liên quan
Binh lính Ukraine tiết lộ chiến trường khốc liệt phía sau các cuộc đàm phán
VOVLIVE - Các binh lính Ukraine đã tiết lộ thực tế chiến trường khốc liệt giữa bối cảnh các cuộc trao đổi giữa giới lãnh đạo Mỹ với Kiev và Moscow đang diễn ra nhằm chấm dứt xung đột.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thông điệp 'Nước Việt Nam là một' vang vọng truyền thông Mỹ Latinh
VOVLIVE - Bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã trở thành tâm điểm trong loạt bài đặc biệt của Thông tấn xã Mỹ Latinh.
Mới nhất