Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM là nơi phát thải cao, thách thức phát triển bền vững

21/10/2024, 19:31

TP.HCM thu hút FDI lớn nhất nước, nhưng đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của biến đổi khí hậu nên đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế.

Thông tin được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 do Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại TP.HCM với chủ đề kiến tạo tương lai xanh, sáng 21/10.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM là địa phương đóng góp đến 16% GDP, thu hút đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam, nhưng đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

TP.HCM cũng là khu vực có phát thải cao, thách thức mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm. Do vậy, thành phố đang tái cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Cũng theo ông Mãi, TP.HCM là địa phương tiên phong thực hiện cam kết của Thủ tướng tại COP26. Trước mắt, thành phố thực hiện mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030. Để thực hiện cam kết này, tháng 9 vừa qua, TP.HCM ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030, với 14 nhóm nhiệm vụ cụ thể, rất gần với các chủ đề mà GEFE 2024 tập trung thảo luận.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ với đại biểu tại GEFE 2024 khai mạc ngày 21/10. (Ảnh: H. L)
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ với đại biểu tại GEFE 2024 khai mạc ngày 21/10. (Ảnh: H. L)

Hiện nay, TP.HCM tích cực tìm kiếm sự hợp tác quốc tế, hợp tác công tư để nâng cao các kế hoạch, nhận thức tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng như xây dựng chính sách hộ trợ doanh nghiệp ngành xây dựng, sản xuất, thương mại…

Bên cạnh đó, thành phố cũng tìm kiếm các nguồn vốn xanh để xây dựng hạ tầng xanh bền vững, nhất là hạ tầng năng lượng, cấp nước, hành động chống biến đổi khi hậu, kiểm soát khí thải, rác thải…

Do vậy, GEFE 2024 sẽ giúp thành phố có thêm thông tin, kinh nghiệm và kết nối nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

“Tôi tin rằng chúng ta đều chia sẻ nhận thức chung: con đường phía trước phải là con đường cân bằng giữa thịnh vượng và bảo tồn; giữa tăng trưởng và bền vững. TP.HCM cam kết hành động mạnh mẽ với tăng trưởng bền vững trên con đường tiến về phía trước”, Chỉ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Ông Alain Cany - đồng trưởng ban tổ chức GEFE kiêm Chủ tịch ban cố vấn EuroCham Việt Nam, cho biết GEFE 2024 thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy bền vững. Liên minh châu Âu (EU) luôn xác định Việt Nam là thị trường quan trọng đối với đầu tư, cũng là thị trường nhập khẩu chủ chốt nhiều sản phẩm quan trọng. Cộng đồng doanh nghiệp 2 bên đang tích cực hợp tác để đạt các mục tiêu phát triển bền vững chung.

Còn Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Margaritis Schinas sử dụng thành ngữ của Việt Nam “cái khó ló cái khôn” để khẳng định rằng người Việt Nam trong nghịch cảnh luôn tạo ra sự sáng tạo. Biến đổi khí hậu, với những tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhiều địa phương tại Việt Nam như cơn bão Yagi vừa qua khiến chúng ta không thể chậm trễ chuyển đổi xanh dù còn nhiều thách thức. 

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và đại diện các nước ký tên lên bức tường Cam kết chia sẻ thông điệp hướng tới tương lai xanh. (Ảnh: GEFE 2024)
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và đại diện các nước ký tên lên bức tường Cam kết chia sẻ thông điệp hướng tới tương lai xanh. (Ảnh: GEFE 2024)

Ông cũng khẳng định EU cam kết rất mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh. Đây cũng là khu vực kinh tế cam kết trung hòa carbon đầu tiên vào 2050.

“Chúng tôi sẽ giúp mang lại nững nguồn đầu tư chất lượng, giao thông, hạ tầng chất lượng… để Việt Nam sớm đạt mục tiêu Net zero năm 2050”, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết.

Ông thông tin thêm sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ mạnh mẽ hơn vào năm sau, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu có chuyến thăm đến Việt Nam vào tháng 4/2025.

Một trong những điểm nhấn của GEFE là khả năng tạo ra mạng lưới kết nối hiệu quả giữa hơn 1.500 CEO và các nhà hoạch định chiến lược. Sự kiện giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác trong các dự án đổi mới xanh, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư.

GEFE 2024 quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu, doanh nhân, và chuyên gia hoạch định chính sách cùng cam kết kiến tạo tương lai xanh. Khoảng 8.000 người tham dự chuỗi chương trình kéo dài 3 ngày gồm các phiên thảo luận cấp cao, triển lãm công nghệ xanh và các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam – châu Âu…

Đây không chỉ là một diễn đàn đối thoại mà còn là một nền tảng kết nối giữa chính sách, doanh nghiệp và công nghệ. Sự kiện quy tụ hơn 200 gian hàng, bao gồm 13 gian hàng quốc tế, giới thiệu các công nghệ và sáng kiến xanh hiện đại, tiên tiến nhất từ các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý … và Việt Nam.

Các doanh nghiệp châu Âu quan tâm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh xanh tại Việt Nam. (Ảnh: H.L)
Các doanh nghiệp châu Âu quan tâm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh xanh tại Việt Nam. (Ảnh: H.L)

GEFE 2024 diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đang phát triển mạnh mẽ nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Hiệp định này đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy các khoản đầu tư xanh. Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) đang trong quá trình đàm phán, hai bên có tiềm năng lớn để thu hút thêm nhiều dự án phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có sự tham gia của 2.000 sinh viên từ hơn 10 trường đại học, với nhiều hoạt động như talkshow hướng nghiệp, Hội chợ Giáo dục và Nghề nghiệp, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào hành trình phát triển bền vững.

50 công ty Hà Lan tìm cơ hội kinh doanh xanh với doanh nghiệp Việt

Tại gian hàng quốc gia lớn nhất tại GEFE 2024, hơn 50 công ty Hà Lan thuộc nhóm nông nghiệp, nước, năng lượng, hậu cần và quản lý chất thải cùng thể hiện mong muốn hợp tác, tìm kiếm đối tác kinh doanh xanh tại Việt Nam.

Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hà Lan cũng tổ chức một loạt hội thảo chuyên đề như giải pháp công nghệ số cho ngành hậu cần bền vững và kết nối xanh, công nghệ nước, canh tác nông nghiệp trên đất nhiễm mặn, các giải pháp thuận thiên, giải pháp phát triển năng lượng bền vững... Trong đó, 2 chủ đề được quan tâm nhất là "Sản xuất giảm thiểu carbon" và "Nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi xanh”.

Cũng tại đây, Ngân hàng phát triển Hà Lan (FMO) và Công ty cổ phần Tài chính Điện lực (EVN Finance) đã ký kết thỏa thuận cho vay kỳ hạn 30 triệu USD với thời hạn 5 năm. Khoản vay này để hỗ trợ tăng danh mục cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ và các dự án phát triển xanh.

Hà Linh
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Chính sách đối ngoại của chúng tôi là độc lập tự chủ"
VOVLIVE - Phát biểu chính sách quan trọng tại trường Đại học Malaya (Malaysia), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chính sách đối ngoại của chúng tôi là độc lập tự chủ, muốn làm bạn với tất cả thế giới vì hoà bình, ổn định vì lợi ích  chung của toàn nhân loại".
Mới nhất