Nữ bác sĩ kể lại giây phút tận hiến với nghề trong dịch COVID-19

Thiên Bình/VOV.VN | 08/03/2023, 07:51

Đã lựa chọn ngành y, bất cứ ai cũng có một ngọn lửa nghề. Điều quan trọng là không để gió làm tắt mà phải để nó cháy rực lên” - PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai chia sẻ.

Với PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai, bệnh viện là ngôi thứ hai của mình. Vừa là bác sĩ vừa là giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Phan Thu Phương cho rằng, nếu ngành y đi làm chỉ hoàn thành việc được phân công mà không dồn tâm huyết với trách nhiệm cao nhất, nếu dễ dàng thỏa hiệp với sai sót sẽ rất khó làm được những điều tốt nhất cho người bệnh, bởi đây là nghề liên quan đến tính mạng con người.

Làm việc trong chuyên ngành hô hấp, PGS.TS Phan Thu Phương cùng các đồng nghiệp của mình đều thấy rằng, tham gia cuộc chiến chống COVID-19 là những giây phút quý và đặc biệt nhất trong cuộc đời làm ngành y, khi tất cả được tận hiến với nghề.

PV:Khối lượng công việc đối với các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm hô hấp rất lớn, cường độ làm việc rất cao, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chị có thể chia sẻ về những cảm xúc đặc biệt, những nỗ lực không thể quên trong những ngày tháng tham gia chống dịch?

PGS.TS Phan Thu Phương: Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng cao cả trong cuộc đời làm ngành y của mình. Như các bạn đã biết, trong đại dịch COVID-19 ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân ở tại bệnh viện thì BV Bạch Mai cũng tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở thời điểm cam go nhất ở Bệnh viện Dã chiến số 16, TP.HCM. Thời điểm đó, tại Trung tâm của tôi, 100% cán bộ nhân viên đều tình nguyên lên đường vào Nam. Thực tâm lúc đầu lựa chọn nhóm đầu tiên, tôi cũng có nhiều trăn trở. Bởi lẽ ai cũng có gia đình, ai cũng có công việc cá nhân, tôi không hiểu họ có suy nghĩ gì, họ đã thực sự sẵn sàng? Nhưng rồi điều hạnh phúc đối với tôi đó là tất cả mọi người đều sẵn sàng lên đường, sẵn sàng gạt bỏ những cái cá nhân để hướng tới mục tiêu chung là chống dịch và giành giật sự sống cho người bệnh.

Tôi rất yêu các bác sĩ của tôi. Khi tôi chỉ cần 1 tin nhắn: “16h lên đường nhé!”. Ngay lập tức tôi nhận được sự đồng ý, tôi chưa từng nhận được cuộc gọi, tin nhắn hay cuộc gặp riêng nào từ chối. Tôi nhận ra, các bạn đồng nghiệp của mình, các bác sĩ trẻ đã trải qua quãng thời gian có cường độ làm việc rất cao, tinh thần làm việc rất đoàn kết vì bệnh nhân. Khi được tin tưởng và giao nhiệm vụ, các bạn sẵn sàng cống hiến và có động lực để vượt qua mọi khó khăn.

Tôi đặc biệt nhớ những cuộc gọi Zalo giữa hai đầu Nam - Bắc trong khoảng thời gian tháng 8-9/2021. Bạn không thể tưởng tượng nổi đâu. Thương lắm! Khi ấy chúng tôi đã không thể cầm được nước mắt vì thấy đồng nghiệp của mình đang chống dịch trong miền Nam vô cùng vất vả và áp lực. Khi ấy họ phải điều trị cho quá nhiều bệnh nhân nặng, chứng kiến quá nhiều đau thương, mất mát và cả sự ám ảnh chưa từng có tiền lệ.

Tôi cũng đã có khoảng thời gian trực tiếp vào công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 16, và quả thực đó là quãng thời gian không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời làm nghề y. Có những câu chuyện cười ra nước mắt. Một đồng nghiệp trẻ của tôi cao to lực lưỡng nhưng cứ đứng liên tục 8 tiếng không dám ngồi vì sợ bục quần bảo hộ. Những gương mặt chằng chịt vết hằn bởi mấy lớp khẩu trang chồng lên nhau khiến chúng tôi chỉ nhận ra nhau qua ánh mắt, dáng người. Những lần vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình của nữ bác sĩ trẻ để trực tiếp đặt nội khí quản cho bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn. Những lần phải chứng kiến sự ra đi trong lạnh lẽo, buồn tủi và đơn độc của bệnh nhân COVID-19…

Tất cả những ký ức ấy, mỗi khi nhớ về đều khiến tôi vẫn nổi da gà… Có lẽ đại dịch Covid-19 cũng là giây phút quý đặc biệt nhất trong cuộc đời làm ngành y khi tất cả chúng tôi được tận hiến với nghề.

PV:Sau những nỗ lực, những hy sinh đó, chị cảm thấy thế nào khi đôi khi đọc trên báo lại có những bài viết “chê” y đức của người bác sĩ hay những vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung sau những điều trị thất bại?

PGS.TS Phan Thu Phương: Thực tế là lúc đó chúng tôi không thể tránh khỏi tâm trạng buồn và chạnh lòng. Nhưng người làm nghề y chúng tôi thấu hiểu tâm lý của bệnh nhân và người nhà có những lo lắng, bất an khi phải đến bệnh viện. Khi đó chúng tôi tự nhắc mình phải cố gắng làm thật tốt công việc chuyên môn và giữ bình tĩnh. Bên cạnh đó cũng tự dặn lòng mình không suy nghĩ quá nhiều thì nó sẽ giúp cuộc sống của mình dễ dàng hơn.

Chúng tôi cũng mong lãnh đạo các bệnh viện cũng quan tâm đến sự an toàn đặc biệt là ở phòng khám và khoa cấp cứu. Và chúng tôi cũng mong rằng bệnh nhân và người nhà cũng thấu hiểu hơn với người làm nghề y và cùng cố gắng để không làm cho nhau buồn.

PV:Đã có những câu chuyện buồn của ngành y trong thời gian gần đây, và đã có nhiều y bác sĩ đã lựa chọn rời khỏi bệnh viện công thậm chí rời khỏi ngành để tìm hướng đi khác. Chị có suy nghĩ gì về điều này?

PGS.TS Phan Thu Phương: Nói thật với bạn, bình thường tôi là người hài hước, vui vẻ và nhiệt thành, tuy nhiên trong lúc làm việc tôi rất nghiêm túc, thậm chí nghiêm khắc. Tôi không hề là “hoa hậu thân thiện” với kỳ ai và luôn đưa ra thông điệp rõ ràng. Trong cuộc họp tôi luôn thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế để tất cả cùng rút kinh nghiệm. Nếu ngành y đi làm chỉ hoàn thành việc được phân công mà không dồn tâm huyết với trách nhiệm cao nhất, nếu dễ dàng thỏa hiệp với sai sót sẽ rất khó làm được những điều tốt nhất cho người bệnh, bởi đây là nghề liên quan đến tính mạng con người. Có thể có người hiểu, có người không hiểu hết nhưng tôi chấp nhận điều đó. Tất cả những gì tôi làm đều hướng về cái chung, đều mong muốn cái điều tốt nhất cho người bệnh. Vì thế tôi cảm thấy cái tâm của mình luôn an yên.

Có nhiều lý do để mỗi người quyết định chọn vào ngành y. Có người vì truyền thống dòng họ, có người vì sự gửi gắm của gia đình, có người vì đam mê, nhưng tôi chắc chắn khi họ thi đỗ được vào ngành này, ai cũng muốn làm nghề được cho là cống hiến nhiều nhất cho người khác. Phần lớn người thầy thuốc đều muốn mình xứng đáng với nghề, được thể hiện giá trị của bản thân.

Ngành y và BV Bạch Mai có những nốt thăng nốt trầm, nhưng thực sự chúng tôi hiểu rằng nếu không cố gắng nỗ lực thì người chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là bệnh nhân. Và hiện tại chúng tôi vẫn luôn được sự đồng hành từ lãnh đạo bệnh viện, được lắng nghe và chia sẻ những tâm tư. Đó là chính điều khiến chúng tôi không nản trí. Chúng tôi cũng hy vọng tới đây với sự thay đổi từ Chính phủ và phía lãnh đạo bệnh viện thì tương lai sẽ tốt hơn.

PV:Theo chị điều gì là đáng sợ nhất đối với một người thầy thuốc?

PGS.TS Phan Thu Phương: Đối với người thầy thuốc điều đáng sợ nhất là nhiệm vụ chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mà mình không làm được. Có những trường hợp bệnh nhân nặng quá, hiểm nghèo quá dù người thầy thuốc đã nỗ lực hết sức mà vẫn không cứu được bệnh nhân. Bên cạnh đó, với cá nhân tôi may mắn không bị gánh nặng kinh tế, nhưng tôi biết nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn còn nhiều trăn trở để mang lại cuộc sống tốt cho gia đình thì đó cũng là một rào cản làm cho người thầy thuốc bị phân tâm.

Tôi nghĩ rằng khi đã lựa chọn ngành y, bất cứ ai cũng có một ngọn lửa nghề. Điều quan trọng là không để gió làm tắt mà phải để nó cháy rực lên. Đừng bao giờ chán nản, hãy tìm hướng giải quyết tốt nhất trong mọi tình huống.

PV:Tiếp tục gắn bó với nghề y cao cả, điều chị mong muốn chia sẻ nhất với các đồng nghiệp của mình là gì?

PGS.TS Phan Thu Phương: Với cương vị là một người thầy thuốc thì tôi mong các đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc sẽ cố gắng làm thật tốt công việc của mình, chẩn đoán và cứu được nhiều bệnh nhân. Mọi người sẽ cân bằng được giữa công việc và cuộc sống, tăng cường rèn luyện sức khỏe và luôn có tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tôi mong rằng trong hoàn cảnh nào mọi người cùng bình tĩnh, tránh nóng giận và có những hành động động tay, động chân gây nguy hiểm. Còn chúng tôi với lương tâm người thầy thuốc chắc chắn sẽ không làm gì có hại cho bệnh nhân.

PV:Xin cám ơn bác sĩ!./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất