Những "vết nứt" lớn dần trong lòng châu Âu về sự ủng hộ cho Ukraine

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Washington Post | 29/10/2024, 09:54

VOVLIVE - Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết ủng hộ Ukraine "lâu nhất có thể" nhưng họ đang đối mặt với sự mệt mỏi của công chúng, một trung tâm chính trị suy yếu và khả năng cựu Tổng thống Trump quay trở lại.

Khi thể hiện sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine vào tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lo lắng về việc họ có thể duy trì điều đó được bao lâu.

Nhà Trắng thông báo hôm 23/10 rằng G7 đã cam kết cho Ukraine vay 50 tỷ USD, được hỗ trợ bởi lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Việc hoàn tất khoản vay lớn trước cuối năm là một phần trong nỗ lực viện trợ trước thềm bầu cử Mỹ nhằm đối phó với sự quay lại của cựu Tổng thống Trump. Ngay cả khi Washington tuyên bố tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn lo ngại rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể làm rạn nứt các liên minh.

Châu Âu cũng đang phải đối mặt với các thế lực nội bộ có thể gây nguy hiểm cho các cam kết an ninh của họ với Ukraine. Hơn 2 năm rưỡi xung đột ở Ukraine nổ ra, sự mệt mỏi của công chúng có nguy cơ xuất hiện ở một số quốc gia. Một số nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang trong tình thế chính trị bấp bênh và bị hạn chế hơn những gì họ có thể làm. Trên khắp châu Âu, các đảng phái từ cực hữu tới cực tả đang thúc đẩy lập trường phản đối việc cung cấp hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev.

"Lâu nhất có thể" vẫn là lập trường thể hiện sự ủng hộ của châu Âu cho Ukraine nhưng nhiều nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách đều thừa nhận rằng cuộc xung đột càng kéo dài thì điều này càng khó duy trì.

Ukraine đang đối mặt với tình hình chiến trường căng thẳng, chuẩn bị cho một mùa đông ảm đạm và cố gắng thuyết phục những người ủng hộ phương Tây về những yêu cầu lớn, trong đó có lời mời gia nhập NATO và bật đèn xanh cho phép tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào trong lãnh thổ Nga. Các đồng minh của Ukraine ở châu Âu đang bị ràng buộc bởi những chia rẽ chính trị và các yếu tố gây xao nhãng cũng như chờ đợi xem ai sẽ vào Nhà Trắng.

"Chúng tôi không biết nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ thực sự mang lại điều gì cho Ukraine, mặc dù có rất nhiều sự lo ngại", ông Adam Thomson, Giám đốc Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu, đồng thời là cựu Đại sứ Anh tại NATO cho hay.

"Chính trị ở các quốc gia châu Âu luôn hỗn loạn nhưng hiện tại ảnh hưởng của phe cực hữu và cực tả đang gây lo ngại lớn hơn. Tại một số quốc gia, công chúng đang cảm thấy chán nản, còn ở phía cực tả hoặc cực hữu là thái độ thù địch với việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine".

Dự đoán khả năng Mỹ thay đổi lập trường về Ukraine

Giữa bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn hơn 1 tuần nữa, lo ngại lớn nhất của NATO cho đến nay là kịch bản Washington xoay trục.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng trở lại của một tổng thống từng chỉ trích NATO và đe dọa sẽ quay lưng lại với các đối tác quân sự và ngoại giao thân cận nhất của Mỹ. Trong khi có một số ít nhà hoạch định chính sách cho rằng ông Trump sẽ rời NATO thì nhiều người lo ngại ông sẽ có một hướng tiếp cận thất thường và khó đoán hơn với liên minh quân sự này.

"Ông ấy không khó hiểu đến vậy. Ông ấy khao khát sự tôn trọng", một nhà ngoại giao NATO giấu tên cho hay. Tuy nhiên, theo ông, "không ai có ý tưởng dù là nhỏ nhất về những gì ông Trump có thể làm, vì vậy bạn phải sẵn sàng cho mọi kịch bản".

Những gì ông Trump có thể làm cho cuộc xung đột ở Ukraine là một trong những câu hỏi còn để ngỏ. Ông Trump từng nói rằng ông muốn giúp đỡ người dân Ukraine, những cùng lúc đó ông cũng đổ lỗi cho Tổng thống Volodymyr Zelensky vì đã gây ra xung đột.

Để thiết lập sự chắc chắn hơn, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã bắt đầu đưa quyền kiểm soát các yếu tố chính của viện trợ quân sự cho Ukraine vào quyền chỉ huy của NATO, ngay cả khi họ thừa nhận rằng ảnh hưởng chi phối của Mỹ trong NATO và phần tài trợ khổng lồ của Washington cho Kiev đồng nghĩa với việc họ không thể làm gì nhiều nếu một tổng thống mới của Mỹ dừng hỗ trợ.

Nathalie Tocci, giám đốc Viện các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Rome và là cựu đại diện của EU, đồng thời là cố vấn chính sách đối ngoại, cho biết các chính phủ châu Âu đã tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng và dần dần có nhiều trọng lượng hơn trong việc tài trợ cho Kiev. Tuy nhiên, họ sẽ gặp rắc rối lớn nếu phần của Mỹ "biến mất đột ngột".

Ngay cả việc bà Kamala Harris trở thành tổng thống Mỹ cũng là một dấu hỏi. Ứng viên đảng Dân chủ đã khẳng định sự ủng hộ "không lay chuyển" của bà với Ukraine và các quan chức châu Âu kỳ vọng bà sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền Tổng thống Biden. Tuy nhiên, để đảm bảo được nguồn tài trợ bổ sung, bà sẽ cần sự ủng hộ của Quốc hội và tùy thuộc vào kết quả bầu cử cũng như lập trường trong nước, điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn so với trước đây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phát biểu tại một hội thảo trong tháng này cho rằng dù bất kỳ ai được bầu, châu Âu sẽ không còn là ưu tiên trong chính sách của Mỹ nữa.

Chia rẽ trong nội bộ châu Âu

Rõ ràng, cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra gần các nước châu Âu hơn nhiều so với bên kia Đại Tây Dương. Đặc biệt, tại Đông Âu, cảm giác cấp bách đã trở nên ngày càng mạnh mẽ.

Có những dấu hiệu cho thấy cam kết của công chúng về sự ủng hộ cho Ukraine có thể đang sụt giảm ở một số khu vực châu Âu. Trong khi phần lớn người dân ở nhiều quốc gia châu Âu vẫn ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine thì sự ủng hộ đó đã suy yếu theo thời gian.

Theo công ty thăm dò ý kiến Infratest Dimap, tại Đức, quốc gia hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, tỷ lệ người dân cho rằng sự ủng hộ tài chính cho Ukraine là quá cao đã tăng gấp đôi, từ 21% trong những tuần đầu của cuộc xung đột lên 41% vào đầu năm nay.

Các chính trị gia cực hữu và cánh tả dân túy đã khai thác sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng về cuộc xung đột ở Ukraine và liên kết nó với sự thất vọng về nền kinh tế châu Âu. Ông Robert Fico, người theo chủ nghĩa dân túy đã giành chiến thắng tại Slovakia vào năm ngoái với lời hứa sẽ chấm dứt việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Một số đảng phái thường kêu gọi cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine cũng đã thể hiện tốt trong cuộc bầu cử vào tháng trước tại 3 bang miền Đông nước Đức.

Ông Tocci cho biết, "sự tê liệt ở Berlin" và "sự mong manh ở Pháp" có thể ngăn cản "việc ra quyết định thực sự mạnh mẽ về Ukraine vốn cần thiết trong kịch bản ông Trump trở thành Tổng thống".

Ông Macron đã bị mắc kẹt trong sự hỗn loạn chính trị kể từ khi đảng của ông chịu thất bại trong các cuộc bầu cử ở trong nước và châu Âu.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, bị ảnh hưởng bởi những thành quả của phe cực hữu và bị bủa vây bởi các cuộc đấu đá nội bộ dường như không dám thực hiện nhiều động thái táo bạo trước cuộc bầu cử liên bang vào năm tới.

Dự thảo ngân sách năm 2025 của Đức đã manh nha các kế hoạch cắt giảm một nửa viện trợ cho Ukraine xuống còn 4 tỷ USD. Các quan chức Đức cho rằng Ukraine không cần nhiều sự hỗ trợ song phương như vậy vì họ sẽ có thể rút được 50 tỷ USD tiền vay đã được G7 chấp thuận.

Theo các nhà ngoại giao NATO, sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine không chỉ đơn thuần là sự cảm thông.

"Chúng tôi không phải là những người quyên góp. Chúng tôi muốn Tổng thống Putin không chiếm ưu thế", một quan chức NATO nhận định. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng: "Xung đột càng kéo dài thì bạn càng phải nỗ lực hơn nữa để duy trì sự hỗ trợ và sẽ càng có nhiều tiếng nói cho rằng: "Tại sao chúng ta lại kéo dài cuộc xung đột này?"

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất