Những “ngân hàng máu sống” thầm lặng trao yêu thương

Kim Dung - CTV Bảo Trân - Như Thiện/VOV-TP.HCM | 07/04/2024, 15:00

Nhiều năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo được duy trì và phát triển mạnh mẽ, đã góp phần hồi sinh rất nhiều cuộc đời. Đặc biệt, nhiều người mang nhóm máu hiếm có tinh thần thiện nguyện, sẵn sàng cho đi khi có bệnh nhân cần, giúp họ vượt qua ranh giới tử – sinh.

Những “tổng đài máu”

Gần 12 giờ trưa, anh Nguyễn Anh Minh, 40 tuổi, ngụ quận Bình Tân nhận tin nhắn từ Bệnh viện huyết học và Truyền máu TP.HCM thông báo một bệnh nhân cấp cứu, thiếu máu nghiêm trọng, cần truyền tiểu cầu của nhóm máu hiếm B Rh- khẩn cấp.

Anh lập tức không ăn trưa để đảm bảo chất lượng của chế phẩm máu và vội vàng chạy xe giữa trời nắng, vào bệnh viện hiến 250ml tiểu cầu kịp thời cho người bệnh.

Anh Minh không nhớ đây là lần thứ mấy anh bỏ dở công việc kinh doanh và giao hàng, hối hả đến bệnh viện tiếp máu, chế phẩm máu cho “người dưng” đang đứng trước “cửa tử”.

Thậm chí, trước đây, anh từng bắt chuyến xe đêm từ TP.HCM ra Khánh Hòa để tiếp máu cho một nam sinh 17 tuổi bị ung thư tủy giai đoạn cuối, cần tiểu cầu để duy trì sự sống. Lúc đó, chưa có sự kết nối rộng rãi trên mạng xã hội giữa cộng đồng những người máu hiếm, vì vậy sau khi nhận được thông tin, anh hẹn với một người bạn ở Hà Tĩnh cùng gặp nhau tại Khánh Hòa để hiến máu.

Sau này, kết nối được nhiều người có máu hiếm, cùng kịp thời hỗ trợ bệnh nhân, anh Minh thực hiện hiến máu định kỳ tại các điểm tiếp nhận cố định.

Kể từ năm 2006 đi hiến máu tình nguyện và tình cờ biết mình thuộc nhóm máu hiếm, anh Minh tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm TP.HCM (thuộc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM), Đến nay, anh đã hơn 60 lần hiến máu.

Anh Minh còn lập ứng dụng để kết nối thêm nhiều tình nguyện viên, sẵn sàng cho máu trường hợp máu hiếm cần truyền khẩn cấp, vận động, lan tỏa thông điệp hiến máu cứu người.

“Tỉ lệ máu Rh- hiếm trong cộng đồng phần lớn là do nhiều người dân chưa đi hiến máu. Nếu như người dân đi hiến máu nhiều thì sẽ phát hiện ra thêm rất là nhiều người có nhóm máu hiếm. Mình tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm, trước tiên là mình muốn bảo vệ mình phải kết nối những anh chị em cùng nhóm máu với nhau để giúp đỡ nhau. Điều thứ hai là mình đi giúp người khác là mình phải khỏe mạnh”, anh Minh cho biết.

Còn anh Cao Minh Hải mang trong mình nhóm máu AB Rh-, là nhóm máu hiếm nhất tại Việt Nam, đã kết nối được gần 40 người có cùng nhóm máu, mục đích là làm sao cứu được nhiều người nhất. Mỗi người trong nhóm là một “ngân hàng máu sống”, ai cũng từng hơn 20 lần hiến máu, cả ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chi phí đi lại, ăn ở của các chuyến đi tỉnh hiến máu, họ đều tự bỏ tiền túi, không nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ người nhà bệnh nhân.

Bản thân anh Hải không nhớ đã từng hiến bao nhiêu lần khẩn cấp cho người bệnh cấp cứu. Cứ đủ điều kiện sức khỏe và đến được nhanh nhất có thể để cứu người bệnh thì anh luôn sẵn sàng.

Nhớ lại một tình huống đêm giao thừa, nhận thông tin cần máu để truyền cho một thai phụ dự sinh mùng Một Tết 2022, dù làm ăn kinh doanh nhưng không kiêng kị bất kỳ điều gì, anh Hải đã dành trọn ngày đầu năm mới để đợi hiến máu.

“Lúc đó mình chỉ nghĩ rằng đi cứu giúp một người thì quan trọng hơn cả. Với tâm lý đó, mẹ dự sinh 10h nhưng từ 6h tôi đã chờ trực tại Bệnh viện Từ Dũ đề phòng thai phụ sinh sớm. Rất may mắn là hôm đó chỉ cần hiến đúng một đơn vị máu thôi. Ngồi chờ đến 2h chiều thì bệnh viện báo mẹ tròn con vuông. Sau này mình đã kết nối lại với mẹ bé, hiện nay mẹ cũng đang tham gia trong nhóm để đi hỗ trợ giúp đỡ những người khác ở Bà Rịa Vũng Tàu”, anh Hải chia sẻ.

Luôn sẵn sàng cho đi

Cũng với quan điểm sẵn sàng hiến tặng những giọt máu đào, chị Nguyễn Thị Vân Hiền, 42 tuổi cho biết, chị luôn mong đủ sức khoẻ để đủ điều kiện tặng máu cho bệnh nhân.

Trước đó, chị Hiền từng “liều mình” hiến khẩn cấp cho một bệnh nhi 2 tuổi có nhóm máu hiếm, trong khi chị vừa trải qua nhiều ngày thức đêm, và kết quả là máu không đảm bảo chất lượng, chị bị ngất xỉu.

Từ đó, chị ý thức được rằng có rất nhiều người cần nhóm máu hiếm, chị càng phải chú ý sức khoẻ và tập luyện thể thao để có máu chất lượng cho người bệnh khi cần. 

Sau mỗi lần hiến máu, chị Hiền thường đăng lên các trang mạng xã hội, không phải để “khoe”, mà để lan tỏa thông điệp hiến máu cứu người chính là giúp bản thân mình.

“Những bạn bè chơi với mình đều được mình khuyến khích đi hiến máu. Thứ nhất là kiểm tra được sức khỏe của bản thân. Thật sự mình không nghĩ rằng hiến máu là mình đang cho mà chính là mình đang tích lũy, như một quỹ tiết kiệm của mình. Bây giờ mình hiến đi, đến khi mình có việc, gặp một sự cố cần máu thì cũng sẽ có nhiều người cho mình”, chị Hiền bày tỏ.

Theo Trung tâm Truyền máu – Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày kho máu dự trữ trung bình 5.000- 7.000 đơn vị máu, nhưng nguồn Rh– chiếm rất ít, khoảng 20 đơn vị ở tất cả các nhóm máu.

Thạc sĩ Phạm Lê Nhật Minh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi ngày tại đây cung cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy và hơn 62 bệnh viện khác từ 500- 700 đơn vị máu và chế phẩm, trong đó chỉ có 0,1% nhóm máu hiếm Rh-. Có những thời điểm, rất nhiều bệnh nhân cần nhóm máu hiếm cùng lúc, Trung tâm không đủ cung cấp và phải mời gọi người cho máu khẩn cấp.

Tại đây, tỷ lệ người cho máu nhắc lại chiếm 66%, khá cao so với các trung tâm truyền máu trong cả nước. Ông Phạm Lê Nhật Minh đề xuất, cần có những chính sách hỗ trợ riêng cho những người hiến máu trong trường hợp khẩn cấp.

“Những người hiến máu đó rất đáng trân trọng. Họ có kiến thức, họ hiểu biết là họ mang trong mình dòng máu quý hiếm và sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần. Điều đó là rất là đáng trân trọng và khích lệ và khen ngợi. Chúng tôi mong muốn người dân tham gia nhiều hơn nữa công tác hiến máu tình nguyện”, ông Minh cho hay.

Không cần vinh danh, tặng quà hay chờ hồi đáp nào cho hành động hiến máu của mình, những “ngân hàng máu sống” tình nguyện ấy chỉ mong cứu được người. Họ như những viên ngọc sáng lấp lánh, mỗi ngày vẫn đang lan tỏa tinh thần thiện nguyện đến với mọi người. Bởi vì, nếu ngày càng có nhiều người hiến máu, sẽ không còn máu hiếm, sẽ càng có nhiều người được cứu kịp thời hơn.

Bài liên quan
Bác sĩ người Việt hiến máu cứu các nạn nhân khủng bố ở Moskva
Bác sĩ Nguyễn Đình Bảo là một trong nhiều người Việt ở Moskva tham gia hiến máu cứu hơn 100 đang nguy kịch sau vụ tấn công khủng bố tối 22/3.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất