Hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt phía Bắc, ngày 11/9, đoàn thiện nguyện tỉnh Đắk Lắk đã khởi hành và đã có mặt tại tỉnh Cao Bằng sau 3 ngày di chuyển. Đoàn gồm 6 xe tải, mỗi xe chở từ 15-17 tấn hàng nhu yếu phẩm, bao gồm sữa, thuốc, gạo, quần áo, mỳ và các vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày.
Đây là những phần quà do đồng bào, nhân dân của vùng đất Tây Nguyên xa xôi chung tay đóng góp nhằm sẻ chia với nhân dân các tỉnh miền Bắc trong cơn bão số 3. Trong chuyến hành trình ngày 14/9, 02 trong số 06 xe đã đến xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh và thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng trực tiếp trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân.
Các xe còn lại đã tiếp tục di chuyển đến hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất như các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Hoàn lưu bão số 3 đã khiến Cao Bằng chịu thiệt hại nặng nề với 53 người chết, 16 người bị thương và 5 người mất tích. Ngoài ra, còn có hơn 1.700 căn nhà, gần 1.900ha hoa màu thiệt hại cùng hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế bị ngập úng và sạt lở.
Hiện các địa phương trong tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra với sự quan tâm, chung tay hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ, chức đoàn thể và các nhà hảo tâm nhằm sớm ổn định đời sống người dân.
Ông Vũ Văn Đệ, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, Bảo Lạc cũng là địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề với 528 căn nhà hư hại, trong đó có nhiều căn sập đổ hoàn toàn, hơn 220ha hoa màu hư hỏng nặng và hiện còn nhiều thôn, xóm, điểm dân cư vẫn chia cắt do sạt lở, ngập úng. Đây là tổn thất quá lớn cho một trong những huyện khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Do đó, những sự chung tay ủng hộ của cộng đồng sẽ là một nguồn lực quan trọng.
“Hiện nay chúng tôi đang huy động toàn lực cả hệ thống chính trị cũng như sự chung tay giúp sức của cộng đồng, các cấp ngành địa phương bạn… trước mắt tiếp nhận lương thực thực phẩm hỗ trợ nhân dân. Lâu dài thì sẽ huy động nguồn lực dựng lại nhà cho hộ có nhà bị sập đổ, nhà phải di dời, rồi tiếp đó là khôi phục ổn định trường lớp học cho học sinh, chuẩn bị cây con giống và khôi phục đất sản xuất, tạo sinh kế lâu dài, ổn định cho người dân”, ông Đệ nói.