
Trong số các bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường sau sáp nhập có nhiều người dưới 40 tuổi. Đơn cử như Hà Nội, trong 126 xã, phường mới của Thủ đô, có 2 bí thư xã 38 tuổi, cùng sinh năm 1987; ngoài ra còn có các phó chủ tịch xã trẻ sinh năm 1990 (năm nay 35 tuổi).

PV: Vừa qua, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt công bố các quyết định nhân sự lãnh đạo xã, phường mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ 8X, 9X, mới 35-40 tuổi. Ông bình luận thế nào về “làn gió” mới mẻ này?
Ông Vũ Văn Phúc: Từ 1/7, toàn quốc chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP Hà Nội đã chỉ định nhiều cán bộ trẻ làm lãnh đạo xã, phường.
Thực tiễn 10 ngày qua khi triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, chúng ta thấy nhân dân, doanh nghiệp rất hài lòng với mô hình chính quyền mới, đặc biệt là hài lòng với đội ngũ cán bộ trẻ ở xã, phường nói chung và trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng. Bởi đội ngũ cán bộ trẻ này đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ số - được xác định là nền tảng để thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, qua đó đã cải thiện chất lượng phục vụ người dân.
Với quy mô xã, phường lớn hơn và dân số đông hơn nên nhu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp cần khẩn trương hơn, chuyên nghiệp hơn. Trước những đòi hỏi đó, đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, đã trải qua thực tiễn cùng với ưu thế về kỹ thuật công nghệ số tốt nên có thể phục vụ người dân nhanh hơn, kịp thời và hiệu quả.
Người dân cũng kỳ vọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ sẽ đáp ứng được yêu cầu của phát triển đất nước nói chung và của địa phương nói riêng.
Tôi cũng mong rằng những bí thư 8X không chỉ trẻ về độ tuổi, sức lực, trí tuệ, mà còn phải trẻ trong tư duy hành động; quyết liệt, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
PV: Theo ông, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã độ tuổi 35-40 có phải quá trẻ?
Ông Vũ Văn Phúc: Trong số những cán bộ chủ chốt ở xã, phường, có những người mới 35-40 tuổi, theo tôi cũng không phải là quá trẻ. Bởi nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình phấn đấu cũng từng giữ các vị trí chủ chốt khi còn trẻ. Hiện nay trên thế giới cũng có rất nhiều nhà lãnh đạo trẻ nắm giữ các vị trí quan trọng.
Hơn nữa, 35-40 cũng là độ tuổi chín chắn, có đủ năng lực, trình độ để điều hành một xã, phường mới với quy mô diện tích lớn hơn, số dân đông hơn và yêu cầu của người dân và doanh nghiệp nhiều hơn. Tôi tin rằng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ sẽ đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong môi trường số cũng như dẫn dắt địa phương bước vào giai đoạn cải cách mới của đất nước.

PV: Thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, trong hơn 600 nhiệm vụ do cấp huyện thực hiện, có trên 90 nhiệm vụ đã được chuyển giao cho tỉnh, còn lại hơn 500 nhiệm vụ được giao về cho cấp xã. Điều này cho thấy trọng trách chính quyền cấp xã phải đảm trách rất lớn, thưa ông?
Ông Vũ Văn Phúc: Cấp xã, phường mới hiện nay có chức năng, nhiệm vụ rất nặng nề. Về cơ bản, những chức năng, nhiệm vụ của cấp quận, huyện trước đây được chuyển phần lớn xuống xã, phường. Để đáp ứng yêu cầu nặng nề trong giai đoạn phát triển hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp xã, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, ngoài phẩm chất chính trị vững vàng, ngoài đạo đức, lối sống trong sạch thì yêu cầu về trình độ, năng lực phải cao thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Năng lực trình độ này phải đáp ứng được những tình huống nhanh nhạy, thường xuyên biến động trên địa bàn xã, phường và phải thường xuyên cập nhật thông tin, cập nhật những tư liệu mới trên nền tảng dữ liệu quốc gia để đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, các thủ tục hành chính phải được xử lý một cách nhanh gọn, công khai, minh bạch trên nền tảng công nghệ số.
Do đó, yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ lãnh đạo trẻ ngoài năng lực, chuyên môn như trước đây, còn đòi hỏi năng lực xử lý công việc nhanh, công tâm, khách quan, minh bạch, làm thế nào giải quyết các thủ tục hành chính, nhu cầu của người dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Bên cạnh yêu cầu công khai, minh bạch, cần phải có trách nhiệm giải trình. Vì thời hạn giải quyết thủ tục hành chính công quy định trong thời gian rất ngắn, đòi hỏi cán bộ trẻ với cường độ cao hơn, trình độ xử lý công việc khoa học hơn thì mới giải quyết tốt được. Hơn nữa, phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc của cán bộ.
PV: Luật Cán bộ, công chức đã được Quốc hội thông qua, ông có đánh giá như thế nào về những chính sách mới dành cho đội ngũ cán bộ, công chức?
Ông Vũ Văn Phúc: Luật cán bộ, công chức đã được Quốc hội thông qua với rất nhiều điểm mới như xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI). Sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy….
Theo tinh thần “có vào có ra, có lên có xuống”, đây là đòi hỏi rất cao, đồng thời cũng là áp lực rất lớn đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt ở xã, phường – nơi rất gần dân, doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, thủ tục hàng ngày.
Do đó, những quy định mới trong luật vừa là áp lực, vừa thúc đẩy cán bộ, nhất là cán bộ trẻ cần làm việc hiệu quả hơn, năng động hơn, làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội rất tốt để lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ trong bộ máy, đồng thời xóa được tình trạng cán bộ lâu nay chúng ta vẫn hay nói là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, làm việc cầm chừng, được chăng hay chớ
Tôi cũng tin rằng, những điều khoản mới trong Luật cán bộ, công chức được ban hành sẽ kích thích, thúc đẩy cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức xã, phường làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
PV: Xin cảm ơn ông./.