Nhiều dự án tại TP.HCM “vượt nắng”, tăng tốc ngay từ đầu năm

Hà Khánh/VOV-TPHCM | 01/03/2024, 09:18

Năm 2024, bức tranh về giao thông đô thị TP.HCM được đánh giá là sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ khi đây là năm bản lề, năm tăng tốc của nhiều dự án lớn. Ngay từ đầu năm, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng các chủ đầu tư cũng đã bắt tay ngay vào guồng quay hối hả của công việc để đảm bảo tiến độ chung.

Càng nắng gắt, càng khẩn trương thi công

Giữa buổi trưa nắng gay gắt như thiêu đốt của một ngày cuối tháng 2, trên công trường của gói thầu XL-9, dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, Phường 13, quận Gò Vấp, chúng tôi thấy cảnh hối hả thi công của nhóm chừng hơn 10 công nhân. Người thì điều khiển máy xúc để xúc đất, người thì đo đạc, người thì cắt sắt thép, hàn xì…Tiếng động cơ, tiến hàn, tiếng va chạm của sắt thép kim loại vang lên liên hồi. Nhiệt độ ngoài trời có cảm giác lên đến 40 độ nhưng nhịp điệu thi công rất khẩn trương.

Theo anh Huỳnh Xuân Đạo, đại diện nhà thầu đang thi công, mặc dù thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân nhưng trời nắng là điều kiện thuận lợi để thi công. Hiện nhà thầu đang triển khai đổ sàn giảm tải. Dự kiến việc thi công hơn 300m sàn giảm tải sẽ mất khoảng 3 tháng. Do đó, nhà thầu tranh thủ tăng ca, tận dụng thời gian khô ráo để đáp ứng tiến độ chung.

"Anh em mất sức nhưng vẫn tranh thủ tăng ca. Ngược lại chạy tiến độ hơn mùa mưa. Thi công chỉ mong thời tiết thuận lợi chứ mưa rất khó. Tranh thủ con nước vừa theo tiến độ cam kết với chủ đầu tư, có thể là nhanh hơn", anh Đạo nói.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban Hạ tầng đô thị - chủ đầu tư), năm 2024, dự án đã triển khai đồng loạt 10 gói thầu từ XL-01 đến XL-10 với các hạng mục như xây dựng bờ kè bờ kênh, xử lý nền, đường giao thông, cầu giao thông, các cống cấp 2, hệ thống thoát nước, hào kỹ thuật…Đến nay, tổng khối lượng đạt khoảng 35%. Trên khắp công trường các gói thầu, hơn 600 công nhân vẫn đang miệt mài “đội nắng” để tăng tốc.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, để đảm bảo tiến độ là đưa vào sử dụng vào sử dụng vào tháng 4/2025 (rút ngắn 8 tháng so với kế hoạch ban đầu), Ban cũng đề xuất các nhà thầu thay đổi biện pháp, không chờ nhau, không để thời gian chết.

 Về vấn đề này, tại buổi đi kiểm tra thực tế công trình mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị, cần tìm các giải pháp, phối hợp đồng bộ, lập lại tiến độ mới cho phù hợp: "Làm lại tiến độ mới và theo đó phối hợp chứ còn kè xong mới thi công trên vỉa hè thì mất thời gian. Cái gì chúng ta đồng thời được, song song được thì nên tập trung nhưng không vì tiến độ mà làm chất lượng bị ảnh hưởng. Cho nên phải tổ chức lại để rút ngắn chứ không phải làm ẩu, kém chất lượng".

Tăng tốc các dự án trọng điểm

Tương tự như dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, trên địa bàn TP.HCM còn có nhiều đại công trường khác trải dài ở khắp địa phương như dự án xây dựng nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Vành đai 3 TP.HCM, nút giao An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa…Các nhà thầu cũng đang đẩy nhanh các phần việc ngay từ đầu năm để đảm bảo tiến độ chung. 

Năm 2024, nguồn vốn đầu tư công của TP.HCM tiếp tục ở một mốc mới với gần 79.000 tỷ đồng, trong đó có 50% là dành cho giao thông. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề cho ngành mà nếu như không có những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm thì sẽ không thể nào kham nổi.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, năm 2024, Thành phố sẽ phấn đấu khởi công 16 công trình và gói thầu lớn. Trong đó có nhiều công trình trọng điểm mà người dân mong đợi từ rất lâu như Vành đai 2 đoạn 1 và 2, cầu đường Nguyễn Khoái…

Đặc biệt, các dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM cũng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, TP.HCM mà tiêu biểu là hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi thăm, động viên cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc xuyên Tết trên các công trường.

"Ngay từ đầu năm chúng ta đã xây dựng kế hoạch triển khai. Đặc biệt là Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo các dự án trọng điểm cũng đã họp và chỉ đạo tất cả các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ theo sơ đồ Gantt hiển thị rõ khoảng thời gian hoàn thành của mỗi nhiệm vụ trong một dự án – để các sở, ngành, địa phương phối hợp đảm bảo hoàn thành các công trình hạ tầng, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân cũng như việc phát triển kinh tế", ông Lâm cho biết.

Năm 2024 là năm bản lề trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ có “về đích” hay không chính là nhờ vào nỗ lực “tăng tốc” trong năm 2024. Với những quyết tâm chính trị lớn cùng với sự chủ động vào cuộc ngay từ đầu năm, người dân được kỳ vọng sẽ sớm được thụ hưởng các thành quả mà ngành giao thông mang lại.

Bài liên quan
Pháo hoa rực sáng bầu trời TP.HCM mừng kỷ niệm 49 năm ngày thống nhất đất nước
Đúng 21h ngày 30/4, bầu trời TP.HCM rực rỡ pháo hoa mừng kỷ niệm 49 năm ngày thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Nhân chứng nổ lò hơi ở Đồng Nai: Ám ảnh cảnh đồng nghiệp nằm bất động khắp nơi
Nhiều nhân chứng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc lò hơi của công ty gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) phát nổ, thổi bay tất cả mọi thứ.
Mới nhất