Nhận định đúng chức năng để “giảm đợt sóng” cán bộ điều dưỡng nghỉ việc

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL | 14/05/2023, 09:33

Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị khoa học Điều dưỡng - Hộ sinh lần thứ III- 2023 đã góp phần giúp đại biểu nhận định đúng chức năng của điều dưỡng, từ đó tìm phương pháp xây dựng thu nhập phù hợp nhằm “giảm làn sóng” điều dưỡng nghỉ việc hàng loạt tại các bệnh viện công khu vực phía Nam.

Hội nghị có 9 bài báo cáo khoa học về công tác đào tạo, quản lý và thực hành chăm sóc người bệnh trong nhiều lĩnh vực gồm: Công tác điều dưỡng trong việc nâng cao chất lượng điều trị; Các nghiên cứu và áp dụng cải tiến trong các quy trình kỹ thuật thực hành điều dưỡng của các bệnh viện; Giao tiếp của điều dưỡng và sự hài lòng người bệnh;...

Qua phần tham luận, các đại biểu nhận định, ngày nay, hệ điều dưỡng phát triển nhanh và mạnh kể cả số lượng lẫn chất lượng, điều dưỡng đại học dần thay thế cho điều dưỡng trung học; nhiều điều dưỡng, kỹ thuật Y sau đại học như: CKI, Ths, TS, không những nâng cao được về kỹ năng, trình độ kiến thức mà còn chuyên nghiệp trong công tác chăm sóc, được xã hội tôn vinh, nhân dân tin yêu.

Tuy nhiên vai trò, vị trí, chức năng của điều dưỡng nước ta vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa được đánh giá đúng mức, phát huy và tận dụng, do nhiều người vẫn nhầm lẫn chức năng giữa y tá và điều dưỡng, nhất là tuyến y tế quận/huyện.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn là do nước ta mới có điều dưỡng đa khoa chưa có chuyên khoa, trong khi thế giới có đến 20 chuyên khoa điều dưỡng; hệ điều dưỡng chưa phát huy đúng chức năng của điều dưỡng là thực hiện chủ động điều phối trong chăm sóc người bệnh, có tư duy phản biện và độc lập, chủ yếu vẫn phụ thuộc theo chỉ định của bác sĩ.

GS.TSKH.BS Phạm Mạnh Hùng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Tuy chúng ta đã đào tạo điều dưỡng lên Đại học, Thạc sĩ và từ năm 2019 có nhiều Tiến sĩ điều dưỡng, đó là điều đáng mừng. Nhưng chúng ta vẫn có nhược điểm đó là thầy dạy chủ yếu vẫn là bác sỹ y khoa. Vấn đề nữa, đội ngũ điều dưỡng ít được tham gia vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách, kể cả kế hoạch chung của bệnh viện, kế hoạch của sở y tế, ngành y tế cũng coi lực lượng độc tôn trong ngành y tế là bác sĩ – điều này không đúng".

Thông tin từ Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng trên một bác sĩ nước ta cũng rất thấp. Nếu trên thế giới trung bình cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, nhiều nước tỷ lệ cao hơn như Nhật Bản một bác sĩ đến 9-10 điều dưỡng, hay ở một số nước Châu Phi một bác sĩ có khoảng 20 điều dưỡng thì Việt Nam một bác sĩ chưa đến hai điều dưỡng.

Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện công lập tuyến cuối rất áp lực mà thu nhập của họ chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Từ năm 2021 cho đến nay, hơn 2.870 cán bộ điều dưỡng đã xin nghỉ việc và các bệnh viện công lập rơi vào khủng hoảng trong khâu tuyển dụng nhân sự.

Nhiều đại biểu cho rằng, không phải 100% cán bộ điều dưỡng nghỉ việc vì thu nhập thấp nhưng nó vẫn là nguyên nhân chính. Thực tế, sau dịch Covid-19, nhiều cán bộ điều dưỡng lâu năm đã được mời gọi đến các bệnh viện tư nhân với mức lương khá cao. Ngoài ra, 100% sinh viên ngành điều dưỡng ra trường đều có việc làm nhưng phần lớn lại chọn làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân vì nguồn thu nhập hấp dẫn, không bị quá nhiều áp lực, vất vả như công tác ở bệnh viện công lập.

Để ngành điều dưỡng phát triển hơn và cán bộ điều dưỡng an tâm công tác, BS CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện phụ sản TP. Cần Thơ cho rằng cần đổi mới công tác đào tạo nghề điều dưỡng, bắt đầu đào tạo chuyên khoa lấy bằng Thạc sĩ; nâng cao tỷ lệ giáo viên các trường điều dưỡng là điều dưỡng, giảm bớt tỷ lệ bác sĩ làm giáo viên điều dưỡng. Quan trọng hơn cả là xây dựng chức năng và nhiệm vụ của điều dưỡng theo thông lệ quốc tế, đây là một nghề có tính độc lập tương đối với nghề bác sĩ.

"Bây giờ có thể những văn bản pháp lý y tế của mình chưa được hoàn thiện, nhưng chúng ta cũng nên quen dần với nhận thức rằng vai trò, chức năng ngành điều dưỡng rất quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh. Nếu như các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện trong giai đoạn tự chủ rồi không cải thiện được môi trường điều dưỡng, không nâng cao vai trò, chức năng của điều dưỡng thì chắc chắn là không xây dựng được thương hiệu, không làm tốt lĩnh vực chăm sóc", BS CKII Nguyễn Hữu Dự chia sẻ.

Cùng với giải pháp để “giữ chân” cán bộ điều dưỡng, các đại biểu cũng tham luận nhiều vấn đề về sinh sản, đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhiều mô hình chăm sóc người bệnh đang áp dụng tại các Bệnh viện được chia sẻ như: Giảm thiểu yếu tố nguy cơ viêm phổi liên quan thở máy tại Đơn vị chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi Sơ sinh; Thai giáo và yoga bầu – Một hình thức truyền thông tư vấn giáo dục sức khỏe dễ tiếp cận đối tượng thai phụ; Cải tiến biểu mẫu ghi chép của Mẹ và Bé trong 6 giờ đầu sau sanh;... Đây đều là những đề tài có sự tham gia của cán bộ điều dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tình hình mới và giảm bớt áp lực thời gian trong công việc.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 43 trường Đại học đào tạo hơn 5.000 điều dưỡng, 100 trường Cao đẳng đào tạo 30.000 điều dưỡng, 50 trường Trung cấp đào tạo khoảng 15.000 điều dưỡng. Nhằm đảm bảo cân bằng cung – cầu điều dưỡng cho hệ thống bệnh viện công lập, đầu tháng 5/2023, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi người lao động. Cùng với giải pháp tăng thu nhập từ Trung ương và hoạt động hỗ trợ ở mỗi địa phương, hy vọng bài toán cán bộ y tế nghỉ việc hàng loạt sẽ tạm thời được giải quyết để ngành y tế ổn định, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân./.

Bài liên quan
Người xưa được đánh thức vào buổi sáng bằng cách nào?
Thế giới từng phải đợi tới năm 1787 để chiếc đồng hồ báo thức đầu tiên ra đời.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất