Nhà văn Vũ Hùng - Người cần mẫn “gieo hạt mầm cái đẹp khắp nơi”

Lê Anh - Bảo Linh/VOV.VN | 04/11/2022, 21:29

Những trang văn của Vũ Hùng về thiên nhiên lúc nào cũng rung cảm, đẹp đẽ, thấu hiểu và ngập tràn tình yêu thương.

Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và là cựu học sinh trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An), cựu sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1950, ông nhập ngũ, sau đó phụ trách Đài Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ông cũng từng là phóng viên Khoa học kỹ thuật của báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của Nhà xuất bản Ngoại văn và nhà xuất bản Văn học. Năm 1989, nhà văn sang Pháp định cư và trở về Việt Nam sinh sống tháng 5/2014.

Nhà văn được biết đến là một cây bút dành tình cảm đặc biệt cho thiếu nhi, con người với thú rừng, thiên nhiên. Chính tình yêu ấy đã khiến cố nhà văn lấy đó làm đề tài xuyên suốt các sáng tác của mình. Ông đưa độc giả thăm thú và đắm chìm trong thế giới thiên nhiên đầy màu sắc, cảm xúc. Những loài muông thú trong tác phẩm của ông có tâm hồn và tính cách riêng biệt, nhưng chúng đều mang theo một tình yêu cuộc sống và tình thương dành cho đồng loại. Trong kho tàng văn học đồ sộ của mình, những tác phẩm nổi bật của ông bao gồm "Mùa săn trên núi", "Sống giữa bầy voi", "Giữ lấy bầu mật", "Sao sao", "Chú ngựa đồng cỏ", "Người quản tượng và con voi chiến sĩ", "Bầy voi đen", "Con voi xa đàn", "Vườn chim",... Trong đó nhiều cuốn được ông tự mình dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp.

Sinh thời, nhà văn Vũ Hùng đã từng chia sẻ: “Tôi mong một ngày nào đó thiên nhiên sẽ được khôi phục và những con thú sẽ có nơi để chúng thuộc về. Đó cũng là một trong những lý do, tôi say mê viết về thiên nhiên, tôi muốn truyền đạt cho độc giả nhỏ tuổi là hãy bảo vệ thiên nhiên, đó cũng là cách để bảo vệ bản thân mình”. "Qua tác phẩm của mình, tôi muốn độc giả thiếu nhi hiểu về một thời chưa xa lắm, thiên nhiên đất nước ta tươi đẹp, trong lành như thế, muông thú phong phú như thế và con người hiền hòa như thế”, ông nói thêm. 

Có thể thấy, văn chương là nguồn năng lượng khiến nhà văn cảm thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Với mục đích viết sách cho thiếu nhi, nhà văn Vũ Hùng không lựa chọn viết những tác phẩm thể hiện quan điểm phơi bày cái xấu hay lên án những điều ác. Thay vào đó, ông chọn cho mình cách viết đẹp và tôn vinh cái đẹp, thể hiện sự tinh tế trong cách giáo dục nhân văn với tâm hồn con người, đặc biệt là tâm hồn con trẻ.

Những tác phẩm do nhà văn Vũ Hùng sáng tác đều nhận được nhiều lời khen ngợi, trong đó hai tác phẩm "Sao Sao và Sống giữa bầy voi đã được Hội Nhà văn Việt Nam lần lượt trao giải vào năm 1982 và 1986. Cuối năm 2014, NXB Kim Đồng đã ký độc quyền phát hành 18 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng ngay sau khi ông quay trở về nước. Năm 2016, ông được trao giải Vàng hạng mục Sách Hay của giải thưởng Sách Việt Nam cho 12 cuốn sách viết về thiên nhiên và động vật dành cho thiếu nhi. Năm 2018, nhà văn Vũ Hùng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải “Sự nghiệp Văn học”.

Năm 2015 tại buổi tọa đàm Thiên nhiên bí ẩn và kỳ thú trong tác phẩm Vũ Hùng, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã cho rằng thiên nhiên trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng mang vẻ đẹp nam tính, khỏe mạnh, con người khi hiểu được thiên nhiên sẽ thấy gắn bó và như được tiếp thêm sức mạnh. “Nhà văn Vũ Hùng là một trong những tác giả quan trọng nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với một lối văn chương chuẩn mực. Tác phẩm của ông không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn hướng đến cả những người lớn đang có nguy cơ đánh mất tuổi thơ, đánh mất ký ức của mình”, ông nói.

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, nếu chỉ hiểu rõ tập tính của mỗi loài, hẳn nhiên Vũ Hùng không thể có những trang văn rất đẹp, từng lời êm nhẹ thấm sâu vào lòng người. Còn với nhà với nhà thơ Cao Xuân Sơn, những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng giống như một mỏ vàng, đó là nơi đầy ắp thông tin, cảm xúc, tràn ngập vẻ đẹp của thiên nhiên, xứng đáng là thế giới để trẻ em bước vào. 

Còn với Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, nhà văn Vũ Hùng là người đã cần mẫn “gieo hạt mầm cái đẹp khắp nơi” qua 40 đầu sách trong suốt chặng đường cầm bút của mình: "Đọc Vũ Hùng, những câu chuyện kì diệu về rừng Trường Sơn, bầy voi, muông thú khiến người đọc ngợp đi trong cảm giác thăng hoa của vẻ đẹp tâm hồn khi đến với một vùng thiên nhiên lộng lẫy. Vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp có thật đã từng và đang tồn tại đâu đó trên đời này, nhưng cũng có thể là vẻ đẹp hồn nhiên đầy hương sắc trong tâm trí mà mỗi người thuở thiếu thời vẫn thường hướng tới.

Mỗi nhà văn có một lựa chọn riêng cho mình về cách thể hiện quan điểm với thế giới. Có những tác phẩm phơi bày cái xấu, lên án cái ác, khiến người đọc day dứt, trăn trở, muốn thay đổi bản thân, góp phần thay đổi cuộc sống. Còn Vũ Hùng, ông chọn viết về cái đẹp, và chọn cách viết đẹp" 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Cả đời nhà văn Vũ Hùng theo đuổi đề tài dành cho thiếu nhi. Văn chương của ông xuất sắc, chân thực về thiên nhiên và những con vật. Tất cả truyền đi bài học giáo dục gần gũi mà sâu sắc đến thế hệ tương lai. 

Ngày 2/11, nhà văn Vũ Hùng đã qua đời vào lúc 7h40 phút ở Viện dưỡng lão tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống trên văn đàn Việt Nam, đặc biệt ở mảng văn học thiếu nhi. Nhưng những trang văn của ông sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ niềm tiếc thương: "Lâu lắm rồi văn đàn Việt Nam không xuất hiện những nhà văn viết về thiên nhiên hoang dã nhiều và với một tình yêu tha thiết như ông. Đấy chính là một thiếu hụt của văn học thiếu nhi trong mấy chục năm qua. Cuộc đời nhà văn Vũ Hùng có những thăng trầm không thể quên. Nhưng những trang văn của ông về thiên nhiên lúc nào cũng rung cảm, đẹp đẽ, thấu hiểu và ngập tràn tình yêu thương"./.

Bài liên quan
Đặt tên mới cho làng, xã kiểu lắp ghép: Sẽ đánh mất ký ức, lịch sử và văn hoá
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ việc sáp nhập, đặt tên mới cho làng, xã nếu không cân nhắc yếu tố lịch sử, văn hoá sẽ gây hậu quả khôn lường

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất