Nếu văn nghệ sĩ biết cách tận dụng AI thì sẽ nhàn hơn rất nhiều

Phương Nhung/VOV.VN | 02/03/2024, 09:24

Bước vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, lĩnh vực đòi hỏi khả năng sáng tạo trước giờ chỉ riêng có ở con người thì hôm nay, chỉ cần sử dụng các thuật toán AI đã cho ra các sản phẩm nghệ thuật một cách nhanh chóng. Không hề vô lý khi có nhiều người tỏ lo ngại, rằng sự phát triển nhanh chóng AI sẽ khiến các văn nghệ sĩ có thể trở nên không cần thiết.

Một công cụ vô cùng tuyệt hảo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI đang đặt ra hàng loạt băn khoăn xen lẫn sự hoài nghi. Tuy nhiên thực tế đang cho thấy, sự phát này đã giúp khoảng cách giữa con người và công nghệ ngày càng thu hẹp.

Theo nhà văn Phùng Văn Khai, đã có nhiều cuộc luận bàn, thậm chí tranh cãi nảy lửa về Chat GPT do hãng công nghệ chuyên về trí tuệ nhân tạo OpenAI kiến thiết khi mà chỉ cần đưa ra yêu cầu, bất luận về vấn đề gì thì chỉ trong khoảng thời gian cực ngắn, Chat GPT đã đưa ra những kết quả khá tốt. Một bài diễn văn, một bản khóa luận, một bài báo… thậm chí một truyện ngắn, bài thơ, chỉ cần nhập dữ liệu vào chatbot, lập tức người dùng sẽ có được văn bản, tác phẩm theo yêu cầu. Những bài báo của AI, truyện ngắn của AI, kịch bản phim của AI… khiến giới văn nghệ sĩ không khỏi sửng sốt.

Trong khi đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định, trí tuệ nhân tạo AI là một công cụ vô cùng tuyệt hảo cho rất nhiều công việc của con người trong điều hành, quản lý, xử lý vấn đề số. Đối với người cầm bút, chúng ta có thể tận dụng tối đa công nghệ của AI.

Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các nhà văn, nhà thơ tìm hiểu về thông tin, tri thức cơ bản, về những vấn đề cần nghiên cứu như các khuynh hướng, chủ nghĩa, trường phái... Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, một nhà văn không chỉ cần biết về ngôn ngữ mà anh ta cần phải biết về khoa học, chính trị, triết học, tôn giáo... Những điều đó sẽ cần thời gian nên AI sẽ giúp việc bằng cách tổng hợp thông tin để họ thấu hiểu một cách cơ bản nhất.

“Nếu nhà văn, nhà thơ biết cách tận dụng AI thì sẽ nhàn nhã hơn rất nhiều, nhưng để không sợ AI thì chỉ có một cách rằng anh phải là một người viết bằng cảm xúc, bằng những trải nghiệm của chính mình. Một con robot có thể chế tạo trong 6 tháng nhưng con người cầm bút cần trải qua hàng chục năm từ trong thai mẹ, cho đến ra đời, bước đi, vui buồn, đau khổ và rất nhiều cảm xúc khác nhau. Anh ta có thể không đủ sức để tổng hợp thông tin như một AI nhưng anh ta có thứ mà tất cả những cái vô cảm của một bộ máy không thể chạm vào được, đó là sự rung cảm”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

…cũng chỉ là sản phẩm do con người tạo ra

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trí tuệ nhân tạo đang đe dọa và làm chúng ta hoảng hốt. Sự thông minh của AI có thể trả lời cho con người tất cả các câu hỏi, có thể thay thế hàng nghìn nhân công, nhưng có một thứ mà nhà thơ tin rằng trí tuệ nhân tạo dù đến thời nào, có phát triển đến đâu cũng không tạo ra được đó là cảm giác như: sự thổn thức, sự dày vò khi đau đớn, niềm vui hân hoan.

Trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là phương tiện tối ưu để phục vụ con người chứ không thể thay thế con người. Trong trường hợp trí tuệ nhân tạo thay thế được con người thì chỉ khi con người đã sụp đổ, thất bại hoàn toàn hoặc thế gian trở thành nơi vô cảm, không còn ý nghĩa. Sự vô cảm luôn tồn tại trong cuộc sống và nó đang thống trị chúng ta từng bước. Chỉ có văn chương và nghệ thuật sẽ cứu giúp con người thoát khỏi sự vô cảm.

“Trong tương lai gần, tôi nghĩ cũng có thể có sự cạnh tranh giữa trí tuệ nhân tạo và con người. Nhưng điều đó chỉ xảy ra ở một mức độ nào đó chứ nó không thể đe dọa. Bởi vì con người vẫn là chủ thể. Trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người sinh ra”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Nhà văn Y Ban, trong bài “AI liệu có thể thay thế nhà văn nhà thơ chúng ta?” đã cho rằng: “Mạng xã hội đang chi phối nhiều đến việc đọc, viết nên dễ quyến rũ những người viết nhanh và muốn nổi tiếng nhanh. Muốn viết nhanh mà chưa kịp sống, chưa kịp trải nghiệm, chưa kịp đào sâu suy nghĩ thì lại lên mạng tra Google hoặc ChatGPT. Với các dữ liệu, những cái đầu thông thái bậc nhất làm AI có thể khiến con người phải phụ thuộc vào nó. Thế nhưng những tâm tư tình cảm, những thứ thuộc về trái tim thì không một AI nào có thể làm thay”.

Còn theo nhà văn Phùng Văn Khai, trí tuệ nhân tạo và sáng tạo văn chương là hai vấn đề riêng biệt, độc lập, dù chúng hoàn toàn có thể tương hỗ nhau, liên thông với nhau.

Trong kỷ nguyên công nghệ, thời kỳ mà AI với vai trò quan trọng của mình, các văn nghệ sĩ với nhiệm vụ sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật hãy nên dành thời gian tìm hiểu ngọn ngành về AI. Nhưng điều quan trọng nhất, làm nên thành công của người nghệ sĩ nhất, chính là hãy dành thời gian và trí tuệ của mình, nhiệt huyết và trái tim của chính mình, sáng tạo nên các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc mà không một AI nào có thể thay thế.

Bài liên quan
Cuộc đua trí tuệ nhân tạo nóng lên ở châu Âu
Thành công vang dội của phần mềm ChatGPT của OpenAI đã tiếp thêm động lực cho các nhà đầu tư tại châu Âu “đổ tiền” vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất