Bà Phan Thị Bạch Cúc (quận Tân Phú, TP.HCM) đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) BHYT hộ gia đình (HGĐ) tại Bệnh viện Thống Nhất được 4 năm nay. Bà cho biết, thẻ BHYT của bà đến tháng 7/2021 mới hết hạn, nhưng đến 25/3 bà phải chuyển qua đơn vị khác.
Theo bà Cúc, thông tin người có BHYT HGĐ phải chuyển đi nơi khác, bà mới biết và cảm thấy rất lo lắng và có phần bức xúc. "Hạn BHYT của tôi đến tháng 7, nhưng giờ phải chuyển đi, rất buồn, không thoải mái chút nào, bức xúc tự nhiên bị cắt ngang. Khám lâu ngày ở đây mà giờ chuyển đi rất bất cập, lo chứ, xa xôi nữa. Lúc hết hợp đồng, không cho chỗ này thì đi chỗ khác cũng được, đằng này vẫn còn hợp đồng", bà Cúc bày tỏ.
Đăng ký BHYT HGĐ tại Bệnh viện Thống Nhất được 3 năm nay, chị Phạm Thị Hà (Quận 12, TP.HCM) cho biết, hai ngày trước, đến khám tại Bệnh viện, quét mã GD (mã BHYT HGĐ) chị mới biết nơi đăng ký KCB của mình đã bị chuyển sang Bệnh viện Quận 12. Chị hoàn toàn bất ngờ và búc xúc.
“Tôi biết BHYT hộ gia đình phải chuyển qua nơi khác nhưng không nghĩ bất cập như vậy, bảo hiểm của tôi đến tháng 4 mới hết hạn hợp đồng mà đầu tháng 3 đã bị chuyển đi. Tôi cũng không được biết, đến khi quét mã GD mới “té ngửa” bên Bảo hiểm đã chuyển tôi qua Quận 12 rồi, quá là bất cập”, chị Hà nói.
Cùng tâm tư với 2 khách hàng trên, tại khoa Khám bệnh - Bệnh viện Thống Nhất, chị Nguyễn Thị Hồng (Quận 12, TP.HCM) cho biết đã đăng ký khám BHYT hộ gia đình ở đây cũng mấy năm rồi, giờ cắt ngang, không thoải mái nhưng phải chuyển, "ai cũng vậy không phải một mình mình, lo cũng phải chịu, chứ biết sao".
Chiều 15/3, trả lời VTC News, PGS TS BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, hiện Bệnh viện tiếp nhận KCB BHYT cho tất cả đối tượng. Đến 31/3/2021, đối tượng BHYT HGĐ phải chuyển đi nơi khác.
Việc điều tiết, phân bố đối tượng BHYT hoàn toàn do Bảo hiểm xã hội (BHXH) và cơ quan chức năng thực hiện, Bệnh viện không được phép chuyển và không có ý kiến. Bệnh viện được phân đối tượng nào sẽ phục vụ đối tượng đó.
Tuy nhiên, theo BS Thanh, nhiều người khám BHYT tại Bệnh viện nhiều năm nay, nếu chuyển ngay từ cuối tháng 3/2021 sẽ gặp không ít khó khăn về chọn nơi khám bệnh cho phù hợp nơi cư trú, công việc và tình trạng bệnh… Do đó, Bệnh viện đề xuất với BHXH để những đối tượng BHYT HGĐ được tiếp tục KCB tại Bệnh viện cho đến hết thời hạn đăng ký ban đầu. Ngoài ra, người dân khi KCB tại các cơ sở khác, nếu được phép chuyển tuyến lên Bệnh viện Thống Nhất thì Bệnh viện vẫn tiếp nhận bình thường.
“Để thuận lợi, giúp đỡ người đăng ký BHYT HGĐ tại Bệnh viện, BHXH nên để cho họ hết thời hạn đăng ký trên thẻ BHYT thì hãy chuyển họ đi. Đang KCB tại Bệnh viện giờ chuyển đi cũng bị xáo trộn. Để đảm bảo quyền lợi cho họ thì nên đưa họ đến những cơ sở có đủ trình độ điều trị về người lớn tuổi và đa bệnh lý”, BS Thanh nói.
Cũng theo BS Thanh, hiện BHXH chưa có ý kiến về đề xuất của Bệnh viện. Việc điều chuyển đối tượng BHYT HGĐ vẫn do BHXH thực hiện.
Trước đó, BHXH Việt Nam có công văn gửi BHXH TP.HCM yêu cầu đối tượng BHYT HGĐ đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Bệnh viện Thống Nhất phải đổi sang cơ sở khác theo thông tư 40/2015/TT-BYT.
Theo đó, 31.337 người phải đổi sang nơi đăng ký KCB BHYT khác trước 25/3. Sau 25/3, những trường hợp chưa đổi cơ sở khác, BHXH sẽ đổi về cơ sở KCB BHYT tuyến quận, huyện - nơi cư trú của người tham gia.
MAI THÚY