Người dân nói gì khi trụ sở UBND, HĐND TP.HCM đón khách tham quan dịp 30/4 và 1/5?

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM | 25/04/2023, 22:26

Nhiều người dân cho rằng đây là dịp để người dân có cơ hội chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc độc đáo, giúp gần gũi hơn giữa người dân với cán bộ, công chức Nhà nước.

Từ nay đến hết ngày 26/4, Sở Du lịch TP.HCM tiếp nhận đăng ký đoàn du khách và người dân có nhu cầu tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND, UBND TP.HCM (tại số 86 Lê Thánh Tôn (Quận 1). Đây là công trình kiến trúc cổ, mang tính biểu tượng văn hóa, lịch sử của TP.HCM.       

Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở UBND TP.HCM chỉ mở cửa phục vụ trong 2 ngày (từ ngày 29 - 30/4). Thời gian buổi sáng từ 8 - 12h, buổi chiểu từ 14 – 17h. Mỗi lượt tham quan tối đa 60 phút và 2 đoàn khách, mỗi đoàn tối đa 30 người. Du khách sẽ có 15 phút tham quan trước trụ sở, 35 phút bên trong trụ sở và 10 phút chụp hình trong khu vực tham quan.

Trong suốt quá trình tham quan, sẽ có hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành công trình kiến trúc mang tên Hotel de ville – Dinh xã Tây; tổng quan kiến trúc bên ngoài và các chi tiết hoa văn, phù điêu điểm nhấn của tòa nhà; được chiêm ngưỡng bản đồ TP.HCM được chế tác từ thời Pháp.

Bà Lê Thị Xuân (ngụ quận Tân Phú) bày tỏ, nghe tin TP.HCM cho phép tham quan trụ sở HĐND, UBND thành phố bà thấy vui, vì mỗi lần đi ngang qua ai cũng rất tò mò. “Đây cũng là một cách hay để người dân gần gũi hơn với cán bộ, công chức Nhà nước”, bà Xuân nói.

Ung hộ chủ trương này, anh Trần Ngọc Minh (ngụ Quận 12) cho rằng việc tổ chức tham quan là tốt, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về  lịch sử các công trình tại quốc gia mà mình đang sống.

Ông Phạm Hữu Huy (ngụ TP Thủ Đức) bày tỏ, trụ sở cơ quan công quyền không phải ai cũng có cơ hội để được vào bên trong. Do đó, việc mở cửa trụ sở UBND TP.HCM sẽ giúp mọi người được tìm hiểu. Ngoài ra việc cho phép tham quan sẽ góp phần tăng nguồn thu kinh tế, có thể sử dụng để duy tu, sửa chữa những công trình đó.

Còn anh Nguyễn Tứ Quý (ngụ Quận 7) khẳng định chắc chắn sẽ có nhiều người hưởng ứng điều này, vì đây là lần đầu tiên người dân được vào thăm trụ sở cơ quan công quyền có lịch sử từ thời Pháp. “Chắc chắn kiến trúc bên trong của tòa nhà rất ít người nhìn thấy. Việc làm này của UBND TP.HCM trở nên rất ý nghĩa trong dịp lễ kỷ niệm 30/4 sắp tới”, anh Quý nói.

Được tin UBND TP.HCM sẽ mở cửa cho nhân dân vào tham quan, bà Lê Thị Cẩm (ngụ quận Tân Phú) nói, điều này thể hiện sự thân thiện, sự gần gũi của giữa chính quyền với nhân dân. Khi người dân được vào đó thăm quan sẽ hiểu được nguồn gốc công trình gắn với lịch sử của thành phố.

Cho rằng TP.HCM hiện nay còn rất nhiều công trình kiến trúc lâu đời còn hiện diện, có kiến trúc độc đáo, anh Nguyễn Tứ Quý (ngụ Quận 7) cho rằng, các cơ quan công quyền nên mở cửa cho người dân tham quan, để người dân hiểu hơn về lịch sử, văn hóa.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị nên giới hạn khu vực tham quan, nơi cần bảo vệ và cần có biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn../.

Bài liên quan
Cận cảnh biệt thự Pháp cổ trên đất vàng Hà Nội sau 1 năm bảo tồn
Biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp cổ có 2 mặt tiền số 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài rộng 993m2 giữa trung tâm Thủ đô sau đúng 1 năm cải tạo đã cơ bản hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất