Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, nên từ lâu được coi là vùng dịch tễ của sỏi thận. Khoảng 10-14% người Việt có sỏi trong thận. Nam giới cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải như nữ giới.
Người mắc bệnh sỏi thận thường do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn quá mặn, nhiều thức ăn chứa axit oxalic, uống quá ít nước…Từ đó khiến thận lọc quá tải dẫn đến tích tụ nhiều chất khoáng, cặn bã, hình thành sỏi ở thận.
Bên cạnh trị liệu đặc hiệu như thuốc và phẫu thuật, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân sỏi thận. Một chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân chống lại bệnh tật. Khi mắc bệnh, nhiều người bị mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém, mất khẩu vị nên càng cần hiểu rõ về chế độ dinh dưỡng để bổ sung các chất cho bệnh nhân một cách khoa học. Thế nên, quan trọng nhất xây dựng lại chế độ ăn uống cho bệnh nhân dựa theo các nguyên tắc dinh dưỡng sau:
- Hạn chế ăn quá mặn, nhiều muối hay ăn nhiều đường, đồ ngọt.
- Hạn chế thực phẩm giàu chất đạm, kali.
- Cân bằng dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin.
- Uống nhiều nước hơn, đặc biệt vào trời nắng nóng hoặc sau khi tập thể dục.
Người bị sỏi thận hạn chế ăn gì?
Bệnh sỏi thận bắt nguồn từ thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn quá mặn, uống ít nước, ăn nhiều thực phẩm chứa acid oxalic,... khiến thận lọc quá tải, tích tụ nhiều chất khoáng và cặn bã, hình thành sỏi. Vì vậy, cân bằng lại chế độ ăn uống là nguyên tắc quan trọng khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng.
Đồ ngọt
Người bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn bánh kẹo, đồ ngọt vì chúng có chứa lượng lớn đường fructose và sucrose. Đây là các yếu tố gây sỏi thận và tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2.
Muối
Muối là nguyên nhân hàng đầu gây sỏi thận, gây tích tụ các gốc oxalate - tiền đề tạo ra sỏi thận, dễ dẫn đến suy thận. Do vậy, bệnh nhân chỉ nên ăn tối đa 3g muối/ngày. Việc theo một chế độ ăn nhạt, ít muối giúp bệnh nhân đạt hiệu quả tốt trong điều trị sỏi thận, tránh các biến chứng sau này.
Đạm động vật
Protein (đạm) có thể gây tăng tích tụ acid uric và hình thành tinh thể muối urat, lắng đọng tại thận và tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy, bệnh nhân sỏi thận được khuyên chỉ nên ăn tối đa 200g thịt/ngày, ưu tiên các loại thịt nạc, ức gà, hạn chế sử dụng hải sản, tôm, cua,...
Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Đồ ăn nhanh hoặc đồ chiên xào chứa nhiều protein, nhiều dầu,... làm gia tăng lượng muối đưa vào cơ thể và làm tình trạng bệnh sỏi thận tiến triển xấu hơn. Đồng thời, thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2,... Vì vậy, bệnh nhân sỏi thận nên ưu tiên chế biến thức ăn theo dạng hấp, luộc,... vừa tốt cho sức khỏe vừa giảm gánh nặng cho thận.
Đồ uống có chất kích thích
Bệnh nhân sỏi thận không nên uống nhiều nước ngọt, cà phê hay trà đặc,... vì chúng dễ gây kết tủa các tinh thể, hình thành sỏi thận. Bên cạnh đó, người bị sỏi thận cũng cần tránh sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn vì khiến thận phải làm việc quá tải để thải độc, dễ làm bệnh tình càng nặng hơn.
Thực phẩm chứa nhiều kali
Kali máu cao sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy, bệnh nhân sỏi thận nên hạn chế những thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, khoai tây,...
BS Đặng Xuân Thắng