Người Ba Na giữ lửa truyền thống, xây dựng nông thôn mới vững bền

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên | 27/01/2024, 19:00

Với hơn 95%  hộ đồng bào dân tộc Ba Na  sinh sống từ nhiều năm nay, nông thôn mới ở Đăk Mông không chỉ là sản xuất được hiện đại hóa, đời sống kinh tế đi lên, mà văn hóa truyền thống cũng được phục hồi, gìn giữ và phát huy.


Trở thành làng nông thôn mới từ năm 2021, cũng như nhiều địa phương khác, làng Đăk Mông, xã Đăk Rong, huyện Đăk Đoa  có thêm con đường bê tông hóa kiên cố dài và rộng rãi do nhà nước và nhân dân cùng làm. Cuộc sống từng này phát triển, nhưng với Già Phách, 90 tuổi, một trong nhưng bảo tàng sống của làng Đak Mông, thì điều hạnh phúc nhất là thấy những chính sách bảo tồn văn hóa được thực hiện có hiệu quả.

Già Phách cho biết, đã từng nhiều năm những người già trong làng luôn cảm thấy buồn vì mỗi mùa gặt lúa, không còn ai quan tâm đến tổ chức lễ mừng mùa. Gặt lúa xong, bà con lại đi hái cà phê, nhiều người bỏ làng đi làm xa, không có thời gian đoàn tụ vui vầy, ôn lại truyền thống. Nhưng từ khi xây dựng nông thôn mới thì lễ mừng mùa và những ngày đoàn tụ của bà con đã trở lại. Nhà nước hỗ trợ kinh phí để bà con tổ chức lễ hàng năm. Nhiều nghề truyền thống khác cũng có cơ may được phát huy.

“Trước thì cứ vào dịp cuối năm tháng 11 là lại có lễ cúng mừng lúa mới để tạ ơn thần linh cho mưa thuận gió hòa, cho một năm lúa được thu tốt,  đầu năm thì lại có lễ sửa nước giọt, tôi tham gia là vì đã gắn bó với công việc này lâu rồi, mà cũng  để truyền đạt cho con cháu học hỏi để thường xuyên tổ chức, để chúng nhớ về nét văn hóa của cha ông mà sau này làm theo. Còn cái nghề đan lát thì ngày xưa ở nhà rông ai muốn học thì có cha ông hướng dẫn, học dần dần thì thành thạo, cả đan lát, chỉnh chiêng, và diễn ở những lúc đám ma, bỏ mả, bọn trẻ muốn học là sẽ học được nếu chịu khó”, Già Phách chia sẻ.

Kinh tế phát triển bà con làng Đak Mông càng có điều kiện quan tâm đến phát huy văn hóa truyền thống. Và theo ông Crăm, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn của làng, văn hóa truyền thống được phục hồi, cũng giúp cho làng phát triển bền vững.   Thấy rõ nhất là tất cả các nguồn vốn vay của người dân đều được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả rõ nét; các lớp tập huấn kỹ thuật luôn thu hút đông bà con, thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường; hợp tác liên kết với doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay chỉ còn 10/215 hộ nghèo.

Ông Crăm nói: “Mình giúp đỡ, gắn kết bà con để phát triển kinh tế từ việc trồng cà phê, hướng tới cà phê có chất lượng cao khi hợp tác với doanh nghiệp. Bà con đã có những tấm gương đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để  xây dựng nông thôn mới, nhiều hủ tục trước đây đã được xóa bỏ, làn tiếp tục cố gắng để hoàn thành các tiêu chí về làng kiểu mẫu. Mong Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đến bà con để cuộc sống ngày một phát triển hơn trước”.

Ông Hà Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Rong cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, làng Đăk Mông  đã đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Xã và huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều hạng mục để cùng người dân làng Đăk Mông xây dựng một nông thôn mới kiểu mẫu.

“Làng này sẽ là làng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước bà con rất ủng hộ. Hiện nay việc xây nhà văn hóa, làm đường thì ở Đăk Mông được đầu tư trên 12 tỷ, bà con thì luôn sẵn sàng hiến đất để làm đường hay là một số chương trình nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay một số khó khăn như bảo hiểm y tế thì phải tập trung mạnh vào vấn đề tuyên truyền vận động. Thứ hai tiêu chí về hộ nghèo, cận nghèo phải giảm và phân bổ tới các thôn làng có cán bộ chủ chốt theo dõi giúp đỡ”, ông Tuấn cho hay.

Nông thôn mới kiểu mẫu ở làng Đak Mông, xã Đak Rong, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đang từng bước hình thành, với mục tiêu trọng tâm là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân. Sản xuất nông nghiệp từng bước hiện đại, đẩy mạnh liên kết, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại, bản sắc văn hóa được bảo tồn là những điều dân làng Đak Mông cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai, nhằm đạt tới mục tiêu đó.

Bài liên quan
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới
Tối 15/3, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh tổ chức đón nhận Quyết định của Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; công bố nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất