Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Châm, Dự báo viên chính Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong 24h tới, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sang ngày mai (20/10) bão sẽ đi vào vùng biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, đây là vùng biển lạnh cộng thêm tác động của không khí lạnh khô từ phía Bắc nên bão suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Sau đó, bão tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trước khi di chuyển vào đất liền khu vực Nghệ An và Quảng Bình.
"Trong hôm nay và ngày mai, bão tiếp tục gây gió mạnh, sóng lớn cho vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Với vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Bà con ngư dân khu vực từ Quảng Ninh trở vào đến Quảng Ngãi tuyệt đối không ra khơi trong tình trạng thời tiết nguy hiểm để đảm bảo tính mạng và tài sản", bà Phạm Thị Châm khuyến cáo.
Với tác động trên đất liền, do bão suy yếu thành vùng áp thấp trước khi vào bờ nên tác động gió mạnh đến đất liền hầu như không có. Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây cơn bão, cộng thêm tác động của không khí lạnh nên từ chiều nay đến ngày 20/10 ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to.
"Lượng mưa không quá nhiều và khả năng xảy ra mưa lớn cực đoan như đợt mưa vừa rồi không có nhưng người dân vẫn cần cảnh giác với hiện tượng lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Ngoài ra, do có mưa, cộng thêm tác động của không khí lạnh nên ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm nay trời chuyển rét với Tm giảm xuống từ 13-15 độ C ở vùng núi, từ 15-18 độ C ở vùng đồng bằng và Thanh Hóa nên người dân cần lưu ý mặc thêm áo ấm để đảm bảo sức khỏe của mình", bà Phạm Thị Châm cho biết thêm./.