Nghỉ lễ 30/4: Nhiều người "bỏ" máy bay, doanh thu công ty du lịch giảm tới 80%

Hải Hà/VOV Giao thông | 12/04/2024, 16:08

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đây là thời điểm nhiều người dân lựa chọn đi du lịch hoặc về quê thăm người thân. Năm nay, giá vé máy bay có xu hướng tăng cao hơn mọi năm, xu hướng du lịch, nhu cầu đi lại của người dân có sự thay đổi như thế nào?

Tại thời điểm ngày 11/4/2024, trên trang web của hãng, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội - TP.HCM của hãng Vietjet đi ngày 27/4 về ngày 1/5  thấp nhất là 3,25 triệu/khứ hồi, cao nhất là 16,2 triệu/khứ hồi.

Trong khi đó, giá vé máy bay của Vietnam Airlines có lịch trình cùng ngày đi từ Hà Nội - TP.HCM thấp nhất 3,85 triệu đồng và cao nhất lên tới trên 15,1 triệu đồng; chặng Hà Nội - Nha Trang của hãng Vietjet đi ngày 26/4 về ngày 1/5 có giá thấp nhất 5 triệu khứ hồi và giá cao nhất 9 triệu khứ hồi.

Các chuyến bay đi từ Hà Nội- Điện Biên đã hết chỗ trong các ngày 27-28/4, chuyến bay Điện Biên- Hà Nội đã hết chỗ đến ngày 14/5.

Theo lịch nghỉ lễ 30/4 -1/5 mới nhất, người lao động được nghỉ liên tục 5 ngày, nhu cầu về quê, đi du lịch thường có xu hướng tăng. Như mọi năm, gia đình chị Hà Phương sẽ có kế hoạch đi du lịch xa, tuy nhiên kỳ nghỉ lễ năm nay, chị Phương buộc phải tính toán lại:

"Mình có kế hoạch đi chơi nhưng giá vé máy bay tăng cao, giá hiện tại nhỉnh hơn giá cách đây hơn 1 tháng nên mình cũng đắn đo không biết là có nên đi hay không. Bởi vì giá vé máy bay cao cũng đồng nghĩa với việc là chi phí tăng theo và giảm số tiền được chi tiêu cho chuyến du lịch này".

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 8/4, các hãng hàng không đã cung ứng trung bình 100.000 - 110.000 ghế mỗi ngày trên các đường bay nội địa trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tăng khoảng 20% so với lịch bay trung bình trong tháng 3/2024.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ đặt chỗ của hành khách chỉ ở mức trung bình, từ 40-60% đối với các đường bay nội địa đi từ Hà Nội và TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng kinh doanh công ty du lịch CHV cho biết, giá vé máy bay tăng cao đã làm thay đổi xu hướng đi du lịch của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay và làm doanh thu của đơn vị này giảm tới 80%.

Người dân có xu hướng đi du lịch bằng ô tô đến các địa điểm trong phạm vi vài trăm km. Ví dụ nếu như ở Sài Gòn, du khách sẽ đi các điểm du lịch Mũi Né, Hồ Tràm, Nha Trang, các địa điểm xung quanh Hà Nội như Sầm Sơm, Hạ Long, Hòa Bình, Sa Pa cũng được người dân lựa chọn:

"Xu hướng năm nay khách thường đi gần hơn, khách ít bay. Giá vé máy bay năm nay quá cao. Ví dụ như đi Phú Quốc, 6-7 triệu đồng/ khứ hồi/ khách, vượt quá ngân sách của khách. Giá vé máy bay đi nội địa bằng 1 tour đi nước ngoài. Họ sẽ đi nước ngoài hoặc đi gần".

TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phân tích, giá vé máy bay giữ một cấu phần quan trọng trong giá tour. Khi giá vé máy bay tăng chắc chắn ảnh hưởng đến việc lựa chọn các điểm đến hoặc phương thức vận chuyển, thay vì đi máy bay, người ta có thể đi bằng ô tô, tàu hỏa, hay đường thủy…

Theo ông Vinh, lĩnh vực giao thông có mối quan hệ mật thiết với ngành du lịch, do vậy, các ngành cần tạo cơ hội cùng phát triển:

"Mỗi một ngành người ta thường quan tâm đến lợi nhuận của từng ngành đó. Nhưng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tức là nó liên quan đến rất nhiều những ngành, lĩnh vực khác như giao thông, khách sạn, nhà hàng… Về lâu dài, người ta phải có sự điều phối lẫn nhau giữa các ngành, các lĩnh vực làm thế nào vẫn đảm bảo được  lợi nhuận nhưng vẫn có sự liên kết ngành khác để cùng phát triển".

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc Dân phân tích, việc tăng giá vé máy bay có thể là nhằm mục đích để bù lỗ những chi phí bảo hành, bảo dưỡng phương tiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ngoài ra, cũng có thể là do nhu cầu đi du lịch của người dân sau đại dịch tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, ở góc độ của người tiêu dùng, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng có góc nhìn khác.

"Tôi nghĩ là việc tăng giá ở trong thời điểm này và tăng cao quá không phù hợp. Vì kinh tế mới đang phục hồi, mới khoảng 4-5 tháng gần đây. Thứ hai nữa là nhu cầu nhân dân đi lại rất cao, trong điều kiện thắt chặt quá, dẫn đến giảm nhu cầu đi lại khiến ngành du lịch bị thua thiệt. Giá vé máy bay không có quá nhiều sự cạnh tranh. Do vậy cần phải cân bằng lợi ích và về lâu dài hài hòa rủi ro và chia sẻ".

Bài liên quan
Ngày 29/4, cả nước xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, 38 người chết
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày, toàn quốc xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 72 người.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất