Nghệ An khẩn trương tiếp cận những bản làng cuối cùng bị cô lập

Sỹ Đức-CTV Hải Thượng/VOV1 | 27/07/2025, 11:58

Mưa lũ tàn phá trên diện rộng, lực lượng cứu hộ không thể cơ động tất cả thì phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó mưa lũ ở Nghệ An đang cho thấy hiệu quả.

Bản Pá Mựt nằm cách trung tâm xã Nhôn Mai 8km. Mưa lũ gần như san phẳng bản làng biên giới này. 10 ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông bị cuốn trôi, 25 hộ khác phải di dời khẩn cấp, lương thực và đồ dùng sinh hoạt của người dân gần như bị cuốn trôi. Hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, nhiều hộ dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Một người dân cho biết: "Mưa bão làm mất hết rồi chưa bao giờ thấy cảnh này, khổ lắm giờ không còn gạo ăn áo mặc".

Lực lượng cứu hộ đã phải băng rừng, lội suối gần 8 tiếng đồng hồ để tiếp cận bản Pá Mựt. Để cứu trợ khẩn cấp cho bà con, lực lượng tại chỗ của đồn biên phòng Nhôn Mai và chính quyền địa phương đã vượt rừng tiếp cận kịp thời hỗ trợ gạo, mì tôm, lương khô và thuốc men cho bà con.

Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết, đến nay, cơ bản bộ đội biên phòng đã tiếp cận được 21/21 bản trên địa bàn. Đơn vị cũng đang triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn trương với quyết tâm không để người dân nào bị thiếu đói do thiên tai.

"Việc tiếp cận với bản Phá Mứt sau nhiều ngày bị cô lập là hết sức khó khăn, vì hệ thống đường giao thông bị lũ cuốn trôi. Mặc dù các bản hiện nay cơ bản vẫn đang bị cô lập. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi kiên quyết không để người dân bị thiếu đói trong đợt lũ lụt này", Trung tá Nguyễn Văn Thưởng nói.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, đến chiều tối qua (26/7) số xã bị cô lập giảm xuống còn 10 xã. Duy nhất xã Nhôn Mai đang bị cô lập hoàn toàn với 1.431 hộ và 6.868 nhân khẩu. 

Do tuyến quốc lộ 16 vào xã này đang bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt giao thông, lãnh đạo xã phải băng rừng, đi thuyền tới xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn cũ) để lập chốt nhận hàng cứu trợ, sau đó vận chuyển bằng thuyền về cho người dân.

9 xã bị cô lập một phần gồm các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Mường Xén, Na Loi, Mường Típ, Tương Dương, Lượng Minh, Yên Hòa, Hữu Khuông do đường bị sạt lở.

Đối với những khu vực nước rút, lực lượng chức năng đang được điều động khẩn trương cùng với người dân xử lý bùn đất, vệ sinh môi trường.

Ông Trần Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Tương Dương cho biết, ngành y tế đang cần hỗ trợ nhất là máy phun bằng xăng; rồi hóa chất để xử lý môi trường.

Mưa lũ đã gây ngập nhiều cơ sở y tế, máy móc thiết bị hư hỏng. Việc khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm môi trường sau khi nước rút cần cơ số thuốc, các địa phương vùng lũ rất cần trang thiết bị, máy móc để tiến hành xử lý vệ sinh.

Liên quan đến công tác hỗ trợ. Tính đến chiều tối 26/7, Ban vận động quỹ cứu trợ tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận hơn 41 tỷ đồng, bao gồm tiền và nhu yếu phẩm từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ đồng bào ảnh hưởng mưa lũ. Toàn bộ tiền và hàng hóa sẽ được phân bổ kịp thời, đúng đối tượng để người dân vùng lũ vươtj qua khó khăn, ổn định đời sống.

Bài liên quan
TP.HCM hỗ trợ khẩn cấp các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3
VOVLIVE - Ngày 26/7, TP.HCM tổ chức họp triển khai các phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3. Nhiều lực lượng như y tế, quân đội, thanh niên tình nguyện... được huy động với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ tại Điện Biên
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Ngày 27/7, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1.
Mới nhất