Ngày giải phóng Sài Gòn dưới góc nhìn của phóng viên chiến trường

Nguyên Nhung/VOV1 | 30/04/2022, 15:54

Tham gia một mũi đột kích, nhà báo Trần Mai Hưởng có cảm giác người dân cũng thấy rõ sắp đến thời khắc giải phóng Sài Gòn, sắp đến giờ phút kết thúc chiến tranh.

Bốn bảy năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2022), nhưng ký ức ngày đoàn quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn vẫn còn tươi mới trong lòng người được chứng kiến. Vinh dự trong nhóm nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Dinh Độc lập vào đúng trưa ngày 30/04/1975, nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại bức ảnh biểu tượng chiến thắng với chủ đề: “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" và nhiều bài báo về ngày giải phóng lịch sử. Ông đã chia sẻ về những cơ duyên, những câu chuyện trong ngày Giải phóng.

Từ năm 1972, ông Trần Mai Hưởng xung phong vào chiến trường miền Nam, chuyển tải tin tức về cơ quan Thông tấn xã Việt Nam. Được trong nhóm phóng viên mũi nhọn đi theo cánh quân phía Đông của Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn, nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, ông đã có mặt ở căn cứ Nước Trong và chứng kiến những trận đánh cuối cùng ở đây để giải phóng cứ điểm vòng ngoài, tạo điều kiện tiến vào thành phố. Để đảm bảo cho xe tăng hành tiến thông suốt, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã hiệp đồng với đơn vị đặc công âm thầm bảo vệ các cầu trên xa lộ, cùng với pháo binh yểm trợ chi viện cho mũi thọc sâu. Ngày 29/3, Quân đoàn 2 tổ chức lực lượng thọc sâu gồm có Lữ đoàn 203 và Sư đoàn 304.

“Chúng tôi tham gia cùng mũi đột kích ấy. Ngay từ lúc bắt đầu xuất quân, chiều 29/4, từ các cánh rừng cao su, xe tăng chúng ta tập kết và hành quân cùng với lực lượng bộ đội đi xe thiết giáp và các xe vận tải quân sự, quang cảnh rất hùng vĩ, đoàn quân đi cờ bay trong nắng và khí thế rất hào hùng. Mọi người đều cảm thấy một điều rất rõ là sắp đến thời khắc giải phóng Sài Gòn, sắp đến giờ phút kết thúc chiến tranh. Đêm 29 ngủ lại bên kia sông Đồng Nai và chờ đến sáng 30 tiến qua cầu Xa lộ vào thành phố”, ông Hưởng nhớ lại.

Trong ký ức của nhà báo Trần Mai Hưởng, sáng 30/4/1975 trên đường tiến quân vào Sài Gòn vẫn diễn ra những trận đánh cuối cùng và có thương vong. Đó là trận đánh ở Thủ Đức khi hai bên ổ kháng cự của lính VNCH vẫn còn đã bắn liên tục vào quân giải phóng. Quân giải phóng vừa tiến quân vừa đánh. Đánh trên cầu Rạch Chiếc, trên sông Sài Gòn, xe tăng của ta phải hạ hạ thấp nòng để bắn tàu địch đang chạy ra biển. Đã có những chiến sỹ ngã xuống ở các trận đánh ngay cửa ngõ Sài Gòn.

“Đánh nhau trên cầu Rạch Chiếc, rồi những điểm cuối cùng trên sông Sài Gòn. Những chiến sỹ xe tăng cuối cùng đã hy sinh ở đấy. Thời điểm ấy chiến tranh vẫn còn và sự hy sinh vẫn diễn ra ngay cửa ngõ thành phố. Ngay cả thời điểm ta tiến vào thành phố có những xe tăng vẫn bị bắn và có những chiến sỹ như Tiểu Đoàn trưởng Ngô Nhỡ, hy sinh ngay trước cửa thành phố Sài Gòn. Sau sự kiện trưa 30/4, buổi chiều vẫn còn có những trận đánh ở chỗ này, chỗ khác, và vẫn có những người hy sinh”, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết khi xe com măng ca chở nhóm phóng viên tiến vào gần thành phố, những làn đạn của đối phương vẫn tiếp tục nhả, chiếc xe chở phóng viên phải liên tục áp sát vào xe tăng để tránh. Nhưng vào đến thành phố là một quang cảnh khác, người dân hồ hởi ùa ra đường chào đón đoàn quân giải phóng.

“Người dân rất phấn khởi, tặng quà và mang nước uống cho anh em. Một cậu bé 13-14 tuổi trèo lên xe của phóng viên cậu ấy cứ đứng bám vào thành xe và la lớn: "Giải phóng rồi, giải phóng rồi". Còn người dân hai bên đường ra ôm lấy bộ đội, bắt tay tươi cười và hát. Họ hát bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao trong đó có câu: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về.” Câu hát rất đúng vào thời điểm đó. Mọi người rất vui, họ chỉ đường giúp cho chúng tôi tiến vào”, ông Hưởng xúc động kể lại.

Giữa trưa ngày 30/4/1975 cánh quân phía Đông của Quân đoàn 2, Lữ đoàn Thiết giáp 203 và Sư đoàn 304 là cánh quân đầu tiên tới dinh Độc Lập. Chiếc xe chở nhóm phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam trong đó có nhà báo Trần Mai Hưởng, và phóng viên thông tấn quân sự, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã kịp đến dinh Độc Lập. Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, đây là những phóng viên đầu tiên của phía Việt Nam có mặt ở Dinh Độc Lập.

“Cánh quân phía Đông của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Lữ đoàn Thiết giáp 203 và Sư đoàn 304 là những người đã chiếm Dinh Độc lập đầu tiên và bắt sống nội các Dương Văn Minh. Tất cả những hình ảnh ấy đã được tổ phóng viên của TTXVN, phóng viên quân đội ghi lại rất đầy đủ và tạo nên bức tranh rất hoàn chỉnh về giờ phút lịch sử ấy cũng như quang cảnh người dân trên đường tiến quân vào Sài Gòn, nó tạo nên bức tranh chung về một ngày lịch sử, về một thời khắc không thể nào quên được đối với mỗi người dân, đối với tất cả anh em phóng viên chúng tôi. Đối với người làm báo, có cơ hội đó là một may mắn”, ông Hưởng nhớ lại.

Đây cũng chính là cơ hội để ông tác nghiệp, chớp được khoảnh khắc chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trở thành bức ảnh biểu tượng chiến thắng: “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" sau này được đăng tải rộng rãi trên các báo. Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết chiếc xe ông chụp là chiếc thứ 4 tiến trong đoàn xe 7 chiếc của cánh quân phía Đông tiến vào Dinh Độc Lập.

“Xe com măng ca vừa vào đến cửa tôi nhảy ra, tôi nhìn thấy xe tăng này tiến vào và như một phản xạ tự nhiên tôi giơ máy lên chụp khi xe vào ngang qua cửa. Và nghĩ rằng hình ảnh đẹp đây, lúc đó không nghĩ gì nhiều. Bức ảnh chụp vào ngay buổi trưa ở Dinh Độc lập. Trên xe này có hai lực lượng, một là lực lượng xe tăng của Lữ đoàn 203 tiêu biểu là chiến sỹ trên giá pháo. Anh là pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ. Trong xe còn 3 chiến sỹ khác của tổ xe tăng 4 người. Ngoài ra, trên xe còn 2 chiến sỹ bộ binh của Sư đoàn 304. Đây là hai lực lượng chủ yếu tiến từ hướng Đông vào. Trong bức ảnh này có cả hai lực lượng ấy và có cả lính bộ binh hành tiến cùng. Thời điểm xe vừa qua cửa, lá cờ trên tháp pháo tung bay và ánh năng buổi trưa rất đẹp”, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại.

Những chiến sỹ trên chiếc xe tăng trong ảnh đã trở thành những người bạn thân thiết của nhà báo Trần Mai Hưởng trong suốt những năm qua. Nhất là những dịp kỷ niệm ngày chiến thắng người chiến sỹ cầm bút và những cựu binh năm xưa lại có dịp quây quần ôn lại những kỷ niệm của những ngày tháng không thể nào quên./.

Bài liên quan
Làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ 70 năm trước
70 năm trước, ở mặt trận Điện Biện Phủ, các nhà báo, với tinh thần của người trong cuộc đã thể hiện sinh động bản lĩnh, trí tuệ và lẽ sống của những chiến sĩ cách mạng. Mỗi trang viết, mỗi dòng tin, mỗi tấm ảnh ngày ấy đã góp phần làm nên Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong thế kỷ XX.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất