Rác thải từ TMĐT nhiều gấp 5- 15 lần thương mại truyền thống
Phát biểu tại hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử” do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam vừa tổ chức, ông Nguyễn Thành Hưng, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) sử dụng túi nylon, cốc, hộp nhựa và bìa carton nhiều hơn thương mại truyền thống từ 5- 15 lần. Điều đáng nói, sau khi sử dụng, rác thải từ TMĐT không được tái chế mà xả thải thẳng ra môi trường. Điều này đã và đang tác động rất tiêu cực đến đời sống của người dân.
Dẫn những số liệu cụ thể, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết, theo thống kê của các cơ quan chức năng, ở Hàn Quốc, rác thải do thương mại điện tử thải ra môi trường gáp 4,8 lần rác thải truyền thống. Còn tại Hoa Kỳ, mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton nhiều gấp 7 lần so với mua sắm truyền thống. Trong khi đó tại Trung Quốc, năm 2020 sử dụng trên 70 tỷ kiện hàng giao dịch thương mại điện tử, trong đó đã sử dụng 11 triệu tấn bao bì carton và nhựa, trong đó gần 2 triệu tấn chất thải nhựa.
Còn tại Việt Nam năm 2023 bán lẻ hàng hoá trực tuyến sử dụng 1,84 tỷ gói hàng hoá, trong đó khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306 nghìn tấn. Trong đó hộp carton và túi nylon là loại bao bì phổ biến được các thương nhân sử dụng đóng gói đơn hàng khi kinh doanh trên các nền tảng online. Đặc biệt, ngành quần áo, thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% thương nhân sử dụng túi nylon, hộp, cốc nhựa để đóng gói.
Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nylon bong bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%. Các đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa.
Theo khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam trên các kênh bán hàng trực tuyến cho thấy, túi nylon được sử dụng trên mọi nền tảng online, không phân biệt là kênh website, sàn TMĐT hay mạng xã hội.
“Khi bán hàng đa kênh thì số lượng nylon dùng trong đóng gói chiếm tỷ lệ rất cao và vượt trội so với bán hàng đơn kênh, với các tỷ lệ tương ứng là 71,9% và 50%. Nguyên nhân có thể là sự tiện lợi và giá rẻ nên túi nylon đang rất được ưa chuộng khi kinh doanh đa kênh online nhằm đảm bảo hàng hoá được an toàn và đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng”, ông Hưng nhận định.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, số lượng rác thải thải ra từ thương mại điện tử, mua bán hàng online phải tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống.
“Chúng ta cứ nghĩ thương mại điện tử ngồi ở nhà gọi điện, truy cập mạng thì lượng rác thải ít hơn mua truyền thống. Nhưng suy nghĩ này đã nhầm, bởi chỉ một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton”, ông Tuấn nói.
Hạn chế bằng cách nào?
Trình bày tại hội thảo, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, phát triển bền vững thị trường TMĐT trong nền kinh tế số đang là một thách thức không nhỏ.
Do đó, cần hoàn thiện chính sách tạo môi trường pháp lý thông thoáng; bảo đảm môi trường TMĐT cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương; phát triển TMĐT xanh; TMĐT gắn kết với môi trường.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu về TMĐT. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh TMĐT trên mạng xã hội, đồng thời xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website/ứng dụng kinh doanh TMĐT vi phạm pháp luật.
Về giải pháp cụ thể, ông Kiên cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là chính sách để tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa.
Thứ hai là đánh giá vào hành vi của người tiêu dùng, đồng thời có chính sách đánh thuế cao đối với doanh nghiệp sử dụng rác thải nhựa nhiều nhưng không phải là rác thải tái chế.
Bên cạnh đó là phải có chính sách sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, sử dụng bao bì tái chế. Cùng với đó là đầu tư vào các chính sách thay thế vật liệu sử dụng.
“Chúng ta cũng nên ban hành những quy định trong việc sử dụng các vật liệu thân thiện để đóng gói, hạn chế sử dụng túi nylon, bao bì nhựa. Nếu các doanh nghiệp sử dụng nhiều vật liệu không thân thiện với môi trường và không tái chế thì đánh thuế bảo vệ môi trường tăng lên thật cao để nâng cao trách nhiệm của họ. Muốn làm được việc này, chúng ta nên sử dụng hệ thống đánh giá, đo đếm khối lượng rác thải nhựa”, ông Kiên nói.