Ukraine khó đạt được bước đột phá thực sự
Cuộc tiến công của Ukraine ở tả ngạn sông Dnipro do Nga kiểm soát được coi là tin vui đối với Kiev sau nhiều tháng phản công không ngừng nghỉ, nhưng điều này khó có thể tạo ra bước đột phá thực sự trên chiến trường, các chuyên gia nhận định.
Cả Nga và Ukraine tuần trước cho biết, lực lượng Ukraine đã thiết lập sự hiện diện ở bờ Đông sông Dnipro. Vào ngày 19/11, quân đội Ukraine tuyên đã đẩy lùi binh sỹ Nga ra khỏi khu vực cách bờ sông từ 3 đến 8km. Như vậy, gần nửa năm sau cuộc phản công chậm chạp diễn ra từ tháng 6/2023, việc băng qua con sông rộng lớn bằng những chiếc xuồng cao tốc nhỏ được coi là một thành công lớn đối với Kiev.
Phát biểu với AFP, ông Michael Nacke - nhà phân tích quân sự người Nga cho rằng: “Nhiệm vụ của Ukraine ở tả ngạn có thể là tiến hành một chiến dịch tấn công lớn nhằm tiến tới bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Nhưng rất khó để đoán biết tình hình sẽ như thế nào trong tương lai vì có rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào quyết định mà cả 2 bên đưa ra”. Theo nhà phân tích này, Ukraine đã thành công trong việc thiết lập một đầu cầu khá rộng ở tả ngạn con sông và đang nỗ lực mở rộng vị trí.
Ông Vladimir Saldo – quan chức do Nga bổ nhiệm tại khu vực Kherson thừa nhận hàng chục binh sỹ Ukraine đã thiết lập các cứ điểm ở ngoại ô làng Krynky ở bờ Đông con sông. Nhưng dưới sức tấn công của Nga, các vị trí của họ “chỉ tồn tại được hơn 2 ngày”, ông Saldo lưu ý. Nhiều nhà phân tích cho rằng, lãnh thổ mà Kiev giành được là quá nhỏ.
Michel Goya, cựu đại tá quân đội Pháp nhận định “hoạt động của Ukraine khá hạn chế và mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, điều này cho phép họ có thể tuyên bố một chiến thắng nhỏ sau những thất bại trong cuộc phản công lớn”. Theo các nguồn tin của quân đội và tình báo Pháp, làng Krynky dường như không phải là ưu tiên hàng đầu của Moscow, khi quân đội Nga tập trung bao vây thị trấn Avdiivka ở khu vực Donetsk, phía Đông Ukraine.
Còn Alexander Khramchikhin – nhà phân tích quân sự ở Moscow đánh giá, Kiev chỉ đạt được những bước tiến “vi mô” ở tả nạng sông Dnipro và không đủ để giúp họ triển khai thêm phương tiện, vũ khí. “Nếu Ukraine không có đủ trang thiết bị, họ sẽ không có khả năng tiến hành cuộc phản công quyết định ở khu vực này”.
Chìa khóa để Kiev có thể tạo đột phá
Các chuyên gia quân sự cho rằng, để biến thành công nhỏ thành bước đột phá lớn, các lực lượng Ukraine cần phải triển khai thêm binh sỹ ở tả ngạn bằng cách vượt qua con sông rộng lớn và các khu vực đầm lầy khó khăn.
Theo nhà phân tích Michael Nacke, nhiệm vụ trước mắt của Ukraine là “cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của Nga”. “Để thực hiện nhiệm vụ này họ phải liên tục mở rộng đầu cầu đổ bộ trong bối cảnh Nga đang chịu tổn thất đáng kể ở khu vực Kherson”.
Mặc dù hoạt động của Ukraine ở bờ Đông sông Dnipro đang tiến triển, nhưng lại diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn vì con sông đặt ra trở ngại nghiêm trọng đối với công tác hậu cần. Ukraine không chỉ gặp thách thức trong quá trình điều chuyển nhân sự, phương tiện chiến đấu và trang thiết bị hạng nặng vượt sông mà còn phải chịu hỏa lực dày đặc từ phía Nga. Hơn nữa, do Kiev không có lực lượng tiếp viện nên mọi hoạt động đều rất rủi ro.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ xác nhận, Ukraine đã đưa được một số lượng nhỏ thiết giáp hạng nặng tới tả ngạn sông Dnipro, với sự hỗ trợ của phương tiện đổ bộ. Nhưng vượt sông luôn là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, ngay cả với những binh sỹ được huấn luyện tốt.
Đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã chiếm được một số vị trí như làng Krynky (cách thành phố Kherson 30 km về phía Đông Bắc và cách sông Dnipro 2 km) và các khu vực gần làng Poyma, Pishchanivka, Pidstepne (cách Kherson 10 đến17 km về phía đông và cách sông Dnipro 3 đến 4 km).
Hoạt động của Ukraine tại bờ Đông sông Dnipro đã gây áp lực lớn cho Nga, buộc Moscow phải chuyển một phần lực lượng dữ trữ tới Kherson và giảm sức chiến đấu ở một số khu vực khác trên mặt trận. Tuy vậy, để mở tuyến đường thẳng tới Crimea, Kiev cần phải triển khai hàng nghìn binh sỹ và phương tiện hạng nặng chốt chặn ở tả ngạn con sông.
Nhà phân tích Mykola Bielieskov của Ukraine cho rằng: “Thách thức lớn đối với Ukraine là đảm bảo hoạt động bền vững của các đơn vị vượt sông. Kiev cần phải có đầy đủ thiết bị bắc cầu và chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hậu cần. Bởi bất kỳ cây cầu tạm nào cũng dễ bị phá hủy trước hỏa lực trên không và trên bộ của Nga nếu Kiev không có các biện pháp ngăn chặn phù hợp”.
Nga hay Ukraine có lợi thế hơn?
Trước hết, khu vực tả ngạn sông Dnipro khá bất tiện cho Nga về mặt hậu cần vì địa hình xa xôi, hiểm trở. Trước đó, Nga đã triển khai phần lớn nhân sự và vũ khí từ khu vực này sang các nơi khác trên mặt trận để đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine, do vậy, các đơn vị của Nga ở đây đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực.
Thứ hai, địa hình tại khu vực tả ngạn con sông thấp hơn so với khu vực hữu ngạn. Điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ gặp nhiều thách thức khi muốn đẩy lùi quân đội Ukraine ra khỏi các cứ điểm mà họ đã thiết lập. Trong trường hợp Nga muốn tiếp cận phòng tuyến của Ukraine ở hữu ngạn con sông, pháo binh Ukraine có thể ra đòn đáp trả mạnh mẽ và khiến Nga phải chịu tổn thất.
Cuối cùng, một yếu tố khác có thể mang lại lợi thế cho Ukraine là ở tả ngạn sông Dnipro, các tuyến phòng thủ và công sự của Nga không kiên cố như ở vùng Zaporizhzhia. Như vậy, Kiev sẽ có cơ hội mở rộng vùng kiểm soát và ra đòn quyết định đối với lực lượng đối phương.
Hiện, các chuyên gia quân sự vẫn hạn chế suy đoán về diễn biến cuộc giao tranh tại Kherson vì chưa thể nắm bắt được kế hoạch quân đội Ukraine và mục tiêu chính xác mà họ theo đuổi. Nhưng hầu hết đều các ý kiến đều cho rằng, mối lo ngại lớn nhất đối với Ukraine vẫn là thời tiết xấu trong mùa Đông. Tình trạng băng tuyết và lầy lội không chỉ gây khó khăn cho việc tiến quân mà còn gây ra nhiều vấn đề với hoạt động trinh sát trên không.