NATO gia tăng robot chiến đấu để đối phó Nga ở Đông Âu

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Track & Purpose | 17/10/2022, 18:31

Thời gian qua Nga đã phát triển, thử nghiệm và sử dụng vũ khí robot trên nhiều chiến trường. Lo sợ bị lép vế trước Nga, các nước NATO đang tích cực phát triển loại vũ khí này.

Những năm gần đây, trên thế giới đã có sự cạnh tranh chiến lược về robot tác chiến trên bộ. Cuộc chiến Syria và xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy quá trình này. Trước xu thế đó, một số nước thuộc khối quân sự NATO đã tiên phong thử nhiệm dòng robot chiến trường đầu tiên của mình.

“Cỗ máy sát thủ” của Hà Lan và Estonia

Hôm 14/10, Lục quân Hoàng gia Hà Lan công bố họ đã triển khai sang Litva 4 xe không người lái (UGV) thuộc Hệ thống bộ binh module lai có bánh xích (THeMIS) do công ty Milrem Robotics của Estonia chế tạo.

THeMIS UGV “đang trải qua quá trình thử nghiệm nhằm phát triển và tinh chỉnh học thuyết ở cấp độ trung đội” cho các lực lượng lục quân Hà Lan.

Theo Milrem, các UGV nói trên có thể được trang bị “súng máy hạng nhẹ và hạng nặng”, súng phóng lựu 40mm, pháo tự động 30mm và các tên lửa chống tăng, khiến chúng trở nên lý tưởng trong vai trò hỗ trở hỏa lực bắn thẳng cho các lực lượng cơ động.

Trung tá Lục quân Hà Lan Sjoerd Mevissen nói với tạp chí Janes: “Chúng tôi đã triển khai thử nghiệm 4 cỗ máy không người lái đã được vũ khí hóa. Theo như tôi được biết, chúng ta chưa chứng kiến điều nào tương tự trước đây ở phương Tây”.

Tin tức về hoạt động thử nghiệm này xuất hiện sau khi Lục quân Hà Lan và Lực lượng Phòng vệ Estonia (EDF) thử nghiệm THEMIS UGV trong nhiều năm. Lục quân Hà Lan và EDF ký một thỏa thuận chung vào tháng 9/2020 với Milrem để mua 7 hệ thống như thế này (4 dành cho Hà Lan và 3 dành cho Estonia). Milrem trước đó đã bàn giao 2 xe THeMIS cho đơn vị Robot và Tự động (RAS) thuộc Lữ đoàn hạng nhẹ số 13 (Hà Lan) vào năm 2019.

Khi ấy, Chỉ huy của RAS - Trung tá Martijn Hadicke nói: “Việc thêm 4 xe THeMIS với Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa do một binh sĩ vận hành mang lại cho chúng ta cơ hội tiếp tục phát triển các khái niệm tăng cường sức chiến đấu và giảm nguy cơ cho binh sĩ chúng tôi”.

RAS đang thử nghiệm dần các giới hạn của hệ thống THeMIS. Còn EDF đã triển khai các biến thể không vũ trang của UGV để phục vụ hậu cần cho các binh sĩ Estonia thuộc trung đội bộ binh Estpla-32 ở Mali trong khuôn khổ Chiến dịch Barkhane do Pháp chỉ huy chống lại phong trào nổi dậy.

Các THeMIS UGV không vũ trang cũng đã xuất hiện tại Ukraine những tháng gần đây để làm nhiệm vụ vận chuyển các binh sĩ tử trận và thương.

Trung úy Madis Pärnpuu thuộc Espla-32 phát biểu trong một thông cáo: “Triển khai một xe không vũ trang sẽ giúp các đơn vị nâng cao sức chiến đấu nhờ vào việc giảm gánh nặng thể chất cho người lính, đồng thời cho phép tăng mức độ tiếp tế trong tác chiến đối với các vũ khí hạng nặng, đạn dược và nước uống mà nếu thiếu xe này thì khó vận chuyển thêm”.

Mỹ ám ảnh thường trực về vũ khí Nga

Hà Lan và Estonia có lẽ đang đi đầu trong khối NATO về việc thử nghiệm robot vũ trang vận chuyển. Tuy nhiên, Mỹ cũng tỏ ra không kém cạnh.

Trong vài năm qua, Lục quân Mỹ đã thử nghiệm các phiên bản hạng nhẹ, trung và lớn của “Xe chiến đấu Robot” được gắn nhiều vũ khí như “súng xích” XM813 Bushmaster, súng máy 12,7mm và các ống phóng tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin.

Theo Breaking Defense, hồi tháng 2/2022, lực lượng Mũ nồi Xanh thuộc Nhóm Đặc nhiệm số 1 của Lục quân Mỹ đã sử dụng thử nghiệm các Vũ khí Điều khiển Từ xa (RCV) trang bị súng máy M240, M2 và các hệ thống phóng lựu tự động MK19 “nhằm tương tác ban đầu với đối phương và che giấu hoạt động di chuyển hướng tới mục tiêu”. Hoạt động thử nghiệm này kéo dài 2 tuần tại bang Utah.

Nga gần như chắc chắn biết về các cuộc tập trận của Mỹ trên khắp châu Âu kể từ khi Nga triển khai quân đội tại Ukraine vào tháng 2. Các nỗ lực phát triển UGV của Nga hiện diện thường trực trong tâm trí lãnh đạo Lục quân Mỹ khi đó.

Tướng Cory Wallace giám sát việc phát triển RCV phát biểu: “Đối phương của chúng ta đang phát triển các hệ thống này. Do vậy Lục quân Mỹ phải học cách đánh bại họ trong môi trường huấn luyện trước khi gặp họ trong thực chiến”.

Thực tế, Nga đã tận dụng hiện diện quân sự của mình ở Syia để thử hàng loạt các xe chiến đấu không người lái trên bộ cho các ứng dụng quân sự trong tương lai. Trong số robot chiến đấu này có xe dò mìn Uran-6 và xe tăng robot Uran-9 vũ trang hạng nặng được thiết kế cho mục đích trinh sát và hỗ trợ hỏa lực, theo xác nhận của chính Bộ Quốc phòng Nga hồi năm 2018.

Năm 2021, TASS đưa tin Bộ Quốc phòng Nga công bố binh sĩ nước này triển khai lần đầu tiên Uran-9 trong cuộc tập trận đặc biệt ở vùng Nizhny Novgorod.

Chưa đầy một năm sau, các video clip cho thấy quân đội Nga đã triển khai Uran-6 để hỗ trợ các đon vị công binh ở vùng Lugansk (miền Đông Ukraine).

Với việc robot chiến đấu được triển khai phổ biến ở cả 2 phe trong xung đột Nga - Ukraine, không có gì ngạc nhiên khi các nước NATO cũng tham gia vào cuộc đua vũ khí UGV chiến đấu. Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến việc hiện đại hóa quân đội của họ trong bối cảnh “cạnh tranh chiến lược”, có khả năng họ sẽ phải học hỏi từ Hà Lan và bắt đầu đẩy nhanh việc sử dụng robot chiến đấu./.

Bài liên quan
Pháp phải 'thắt lưng buộc bụng' viện trợ cho Ukraine
Theo Le Monde, cam kết ủng hộ Ukraine đang trở thành gánh nặng đối với chính quyền của Tổng thống Pháp Macron cả về chính trị lẫn ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất