Đối thoại diễn ra ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đối thoại tập trung vào các nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh và tác động với quá trình thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam.
Đối thoại được chia thành các phiên thảo luận khác nhau tập trung vào một số vấn đề bao gồm tìm kiếm hài cốt sau chiến tranh, xử lý chất độc màu da cam, hỗ trợ và rà phá bom mìn, các dự án kết nối thế hệ trong cộng đồng người trẻ, công nghệ số trong giải quyết hậu quả chiến tranh và các cách tiếp cận văn hóa và sáng tạo hướng đến hàn gắn thời hậu chiến. Đây cũng là dịp để các đại biểu trao đổi quan điểm, đưa ra các sáng kiến định hình cho các hoạt động tương lai để cùng kiến tạo hòa bình.
Tim Rieser, Trợ lý của cựu Thượng nghị sỹ Patrick Laehy, một trong những nhân vật có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, chia sẻ: “Hợp tác trong giải quyết hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ là một ví dụ điển hình cho các nước khác. Chưa có nước nào từng là cựu thù mà lại có sự hợp tác như vậy. Trong rất nhiều năm, Việt Nam đã dành nhiều thời gian và nỗ lực giúp chúng tôi tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Điều đó đã mở ra cánh cửa cho các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh của Mỹ, bắt đầu là Quỹ hỗ trợ nạn nhân chiến tranh Laehy, chương trình mà Thượng nghị sỹ Laehy khởi xướng những năm 1980 rồi từ đó mở rộng ra các chương trình ứng phó với vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, vốn vẫn đang tiếp tục là một vấn đề lớn ở một số khu vực ở Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi hỗ trợ hàng triệu USD nhằm giải quyết vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và vấn đề chất độc màu da cam và dioxin. Tôi cho rằng những chương trình này đã đưa hai nước lại gần nhau hơn, tạo nền tảng cho hòa giải và hợp tác, điều đã dẫn tới việc Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ở Hà Nội. Các chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh là trung tâm của sự hợp tác sau chiến tranh giữa hai nước”.
Đối thoại cũng là dịp để các đại biểu chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm cá nhân qua đó có những đề xuất giúp tăng cường hiệu quả các chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh giữa hai nước.
Ron Milam là một cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam và hiện là Giám đốc điều hành Viện Hòa bình và Xung đột thuộc Đại học Công nghệ Texas. Cá nhân ông Ron và nơi ông làm việc hiện đang thực hiện nhiều hoạt động để giúp các gia đình liệt sỹ Việt Nam tìm kiếm phần mộ của người thân.
Ông Ron chia sẻ: “Chúng tôi có kho lưu trữ hồ sơ phi chính phủ về chiến tranh Việt Nam lớn nhất thế giới với khoảng 30 triệu trang bao gồm các báo cáo sau mỗi hoạt động quân sự từ cả hai phía Việt Nam và Mỹ. Chúng tôi hiện đang tìm các cuốn nhật ký và những kỷ vật rồi tìm cách trao trả cho những gia đình ở Việt Nam thông qua mạng xã hội. Kể từ năm ngoái, mùa Hè nào chúng tôi cũng sẽ có một nhóm công tác hoặc đi cùng với sinh viên sang Việt Nam để trao lại những kỷ vật, nhật ký và những bức thư mà chúng tôi tìm thấy trong kho lưu trữ của mình. Chúng tôi sẽ làm điều này thường xuyên nhất có thể”.
Khắc phục hậu quả chiến tranh luôn là một phần quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995. Cả hai phía đều cam kết hợp tác giải quyết có trách nhiệm nghĩa vụ nhân đạo và di sản chiến tranh để lại, coi đây là động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ.