Một chủ tịch xã ở Kon Tum trình báo bị lừa hơn 4,6 tỷ đồng

TIẾN NHUỆ | 05/07/2024, 14:30

Chủ tịch UBND xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) trình báo Công an tỉnh Kon Tum về việc bản thân bị lừa đảo qua mạng với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Ngày 5/7, Công an tỉnh Kon Tum đang tiến hành điều tra vụ lừa đảo tài sản liên quan đến ông N.H.L - Chủ tịch UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô.

Ông N.H.L trình báo đã mất hơn 4,6 tỷ đồng sau khi tham gia vào một dự án phân phối sản phẩm điện tử giả mạo.

Trụ sở UBND xã Diên Bình
Trụ sở UBND xã Diên Bình

Theo đơn trình báo của ông L., trong khoảng thời gian hơn một tháng qua, ông đã chuyển hơn 4,6 tỷ đồng để trở thành thành viên phân phối các sản phẩm điện tử của một trung tâm thương mại quốc tế. Ban đầu, ông được trả lại chiết khấu hai lần với tổng số tiền 3,1 triệu đồng, nhưng sau đó không thể thu hồi lại số tiền đã nộp.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 5/2024 khi ông N.H.L làm quen với một người tên Nguyễn Yến qua ứng dụng messenger. Người này tự nhận là du học sinh tại Nhật Bản và mời ông tham gia vào hệ thống phân phối sản phẩm điện tử của Gum, một trung tâm thương mại lớn ở Nga.

Ngày 20/5, ông N.H.L chuyển 500 USD vào tài khoản của Trần Văn Khanh để đăng ký làm thành viên phân phối và bắt đầu nhận sản phẩm qua một phần mềm riêng. Ngày 21/5, ông được trả 1,5 triệu đồng tiền chiết khấu.

Ngày 22/5, ông N.H.L nhận thêm 1,5 triệu đồng tiền chiết khấu và sau đó, nộp 52 triệu đồng để nâng cấp lên thành viên Gold. Ông bắt đầu phân phối các sản phẩm có giá trị cao hơn nhưng kèm theo nhiều loại phí, bao gồm cả phí xác minh thông tin rửa tiền lên tới 30.000 USD.

Tổng cộng, ông N.H.L đã nộp tiền gần 10 lần, với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Khi muốn rút tiền, ông bị yêu cầu nộp thêm các loại phí khác nhưng không thể rút lại được tiền.

Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, ông N.H.L đã trình báo vụ việc lên Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum để điều tra và làm rõ sự việc.

TIẾN NHUỆ
Bài liên quan
Hàng loạt nạn nhân "dính bẫy" lừa đảo qua mạng ở Tây Ninh
Anh T.H.P. (SN 1982, ngụ xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, Tây Ninh), kể lại, vào ngày 12/6, có người điện thoại đến giới thiệu là Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh, thông báo với P. cần cập nhật lại một số thông tin về CCCD vì bị sai. Đồng thời, đối tượng yêu cầu P. gọi điện đến số điện thoại 0971.597.407 gặp cán bộ Công an Quận 12 tên Tuấn để được hướng dẫn...

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chuyên gia: "Bỏ đồng hồ đếm ngược trên đèn tín hiệu giao thông là phù hợp"
TS Khương Kim Tạo: Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản… đều đã bỏ đồng hồ đếm giây vì cái được ít hơn hệ lụy. Bỏ đồng hồ đếm ngược, lái xe không cần quan tâm đến điều gì khác ngoài đèn tín hiệu giao thông “Đỏ - Xanh – Vàng”, từ đó có hành vi ứng xử cho phù hợp là an toàn
Mới nhất