Trong khuôn khổ chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, Hội Nhà văn và Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức hội thảo “Thơ & Nhạc, tương sinh hay tương khắc”.
Trong hội thảo, nhà thơ Bùi Phan Thảo chia sẻ thông tin các con của nhạc sĩ Châu Kỳ, những người thừa kế, hưởng tác quyền các ca khúc của nhạc sĩ mỗi quý nhận hơn 800 triệu đồng bản quyền. Tính ra mỗi tháng, 4 người con của nhạc sĩ, mỗi người nhận hơn 200 triệu đồng, bình quân 70 triệu đồng/ tháng.
Theo ông, gia sản nhạc sĩ Châu Kỳ để lại cho con cháu rất lớn lao. Ông cũng là nhạc sĩ viết nhạc xưa hiếm hoi có tiền bản quyền nhiều đến vậy.
Trong số hơn 400 nhạc phẩm của nhạc sĩ Châu Kỳ, có hơn 200 bài ra mắt khán thính giả, nhiều bài đi vào lòng công chúng như: Đón xuân này nhớ xuân xưa, Được tin em lấy chồng, Đừng nói xa nhau, Giọt lệ đài trang, Sao chưa thấy hồi âm, Nửa vầng trăng, Sầu đông...Trong đó, có không ít ca khúc của nhạc sĩ này được phổ từ thơ.
Nhà thơ cho rằng, nhạc phổ thơ như một chiếc cầu. Ca khúc đưa bài thơ đến với người nghe. Ngược lại, lời thơ làm cho ca khúc thêm sâu lắng. Có chiếc cầu vững chắc, có chiếc cầu chênh vênh. Chiếc cầu vững chắc là những nhạc phẩm phổ thơ thành công, đi vào lòng người nghe và ở lại trong tâm trí của họ.
Chiếc cầu chênh vênh là những bản nhạc phẩm phổ thơ không mấy thành công, hoặc có những lý do khác, không đến được với công chúng, dần đi vào lãng quên.
Theo nhà thơ Bùi Phan Thảo, những bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh đẹp, hay thường được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Nhạc sĩ thường chọn những chỗ đắc ý nhất trong bài thơ để sáng tạo nên tác phẩm của mình.
Ngoài ra, nhà thơ Bùi Phan Thảo còn đưa ra ví dụ bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan được làm theo thể thơ tự do, với câu chuyện mất mát, đau thương của anh bộ đội Vệ quốc đoàn, được 3 nhạc sĩ phổ nhạc. Phạm Duy phổ thành ca khúc Áo anh sứt chỉ đường tà bám theo nguyên tác nhiều nhất, gần như kể lại câu chuyện bằng nhạc.
Hay Dzũng Chinh phổ thành Những đồi hoa sim được nhiều người ưa thích bởi giai điệu boléro đẹp và ca từ thanh thoát, xúc động, chuyển tải trọn vẹn ý tứ bài thơ.
Anh Bằng lại phổ thành Chuyện hoa sim cũng điệu thức boléro và chuyển tải câu chuyện từ nguyên tác với ca từ giản dị, dễ gần. Cả 3 tác phẩm đều là điển hình của thơ phổ nhạc thành công.
Cũng trong những bài thơ tự do của Phan Vũ, Dương Tường, thậm chí có bài rất dài của Phan Vũ, nhạc sĩ Phú Quang vẫn chọn ra những đoạn để công chúng mê đắm với Em ơi, Hà Nội phố, với Dương Tường là Dương cầm lạnh, Tình khúc 24…
Nổi bật nhất là nhạc sĩ Phú Quang khi phổ thành công 3 bài thơ của Phạm Thị Ngọc Liên: Im lặng đêm Hà Nội, Lang thang, Thu khúc và với nhà thơ Thảo Phương, ông có một nhạc phẩm tuyệt vời, da diết về Hà Nội là Nỗi nhớ mùa đông - một tác phẩm có ca từ đẹp, giai điệu đẹp, chạm đến những cảm xúc thẳm sâu của người nghe, đầy yêu thương, hoài vọng…
Nhà thơ nhận định: “Khi bài thơ được phổ nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ, thơ làm nền cho nhạc thăng hoa. Cái duyên thơ – nhạc có khi ngẫu hứng tình cờ, có khi bền chặt.
Cái duyên thơ nhạc trong đời thường, theo tôi là hiếm hoi, sáng đẹp. Khi đọc bài thơ “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân trên báo, nhạc sĩ ở Bình Dương Giáp Văn Thạch đã phổ thành ca khúc “Quê hương”, đưa tên tuổi nhạc sĩ “Cánh hoa dầu” bay khắp mọi miền đất nước”.
Nhà thơ Bùi Phan Thảo cho biết nguyên tắc đầu tiên khi phổ nhạc là nhạc sĩ phải bám vào nguyên tác, nếu có sửa cũng không làm mất đi phần hồn của bài thơ, phải giữ lại được ý thơ. Nhạc sĩ đóng vai trò đồng sáng tạo với nhà thơ, tùy tính chất bài thơ và cũng tùy cảm nhận, cảm hứng của nhạc sĩ mà ca khúc hình thành.
Cũng như khi phổ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, nhạc sĩ Phạm Duy hầu như để nguyên lời bài thơ Còn chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định khi chuyển soạn thành ca khúc. Thơ đầy tính nhạc, nhạc đẹp như thơ. Mối lương duyên của nhạc và thơ kể hoài không hết.