Metro Nhổn-Ga Hà Nội 35.000 tỷ chính thức vận hành sau gần 15 năm xây dựng

Phi Long/VOV.VN | 08/08/2024, 11:31

Lúc 8 giờ sáng nay (8/8), TP Hà Nội chính thức khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội sau gần 15 năm triển khai xây dựng. Việc vận hành thương mại này cũng sớm hơn dự kiến khiến nhiều người dân háo hức chờ đi thử tàu.

Theo công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - đơn vị vận hành khai thác, bắt đầu từ 8 giờ sáng nay (8/8), tàu điện bắt đầu đón khách, phục vụ miễn phí đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5 km.

Các nhà ga trên tuyến gồm 8 nhà ga (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy).

Mặc dù 8h mới mở cửa cho khách mua vé lên tàu trải nghiệm, nhưng từ 7h sáng nay, ở các ga đi tàu tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đã tập trung rất đông hành khách tới tham quan, trải nghiệm.

Trong đó, ở ga đầu (ga Nhổn), ga cuối (ga Cầu Giấy) tập trung lượng hành khách đông đúc nhất. Thời điểm lúc 7h10 ở các ga này người dân đã xếp thành 2 hàng để háo hứng chờ di chuyển bằng tàu điện.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội (MRB) cho biết, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng hoàn toàn với năng lực vận tải trung bình theo phân cấp kỹ thuật đường sắt Việt Nam.

Theo ông Sơn, trong 3 tháng đầu vận hành khai thác, tuyến sẽ mở từ 5h30; đóng tuyến lúc 22h hằng ngày; giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.

Về giá vé, theo phương án được xây dựng, giá vé lượt (vé chặng) đi một ga là 8.000đ và đi cả tuyến 12.000đ/lượt; Vé ngày là 24.000 đồng có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt; Vé tháng loại phổ thông có mức giá 200.000đ/tháng; Loại ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 100.000đ/tháng. Vé tập thể là 140.000đ/tháng.

Trước đó, thành phố Hà Nội thực hiện chính sách vé miễn phí các cho đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 07 của HĐND thành phố (miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật). Đặc biệt, trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách sẽ được phục vụ miễn phí.

"Dự án cũng góp phần phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra cho khu vực trung tâm Hà Nội.

Việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Sơn cho biết. 

Về kết nối giao thông tĩnh và tổ chức giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, giai đoạn đầu Sở đã phối hợp với UBND các quận dọc tuyến (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình) rà soát, bố trí điểm, bãi đỗ xe, tổ chức giao thông trên tuyến và khu vực các nhà ga. 

Giai đoạn tiếp theo sau khi vận hành tuyến trên cơ sở tình hình giao thông thực tế, Sở GTVT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận để điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Lẻ Văn Cửu (ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là cán bộ về hưu cho biết, từ sáng sớm nay, ông dậy từ 5 giờ sáng trong tâm trạng rất phấn khởi để có thể đi chuyến tàu điện sau nhiều năm chờ đợi.

"Nhớ những ngày đầu khởi công lúc đó tôi thường xuyên phải vào TP Hà Nội làm việc rất mong ngóng để đi làm thay thế xe cá nhân. Nhưng phải đến nay mới được di chuyển. Tôi mong khi tuyến vận hành có thể giúp nhiều cháu sinh viên, học sinh không phải ở trọ, được đi lại thuận tiện, nhanh chóng", ông Cửu cho biết.

Nhiều học sinh, sinh viên các trường đại học dọc tuyến Metro chạy qua là vui nhất, nhiều em cho biếtđã chờ tuyến tàu điện này từ năm đầu, nhưng đến nay là sinh viên năm 4 em mới được đi tàu để thay thế xe cá nhân.

"Chắc chắn em sẽ sử dụng vé tháng để di chuyển vì ước tính quãng thời gian di chuyển tới trường của em giảm được 30 phút so với trước. Đây là phương tiện giao thông văn minh mà nên em sẽ sử dụng để đi học", Nguyễn Kim Chi, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội nói.

Theo TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, từ 4 giờ sáng nay công ty đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên đón khách. Đến hôm nay nhân viên nhà ga đều thuần thục và có thể phục vụ tốt nhu cầu của hành khách. 

"Ngày hôm nay vẫn là ngày làm việc nên lượng hành khách đi lại qua tuyến từ sáng tới thời điểm hơn 8h20 chưa quá tải. Dự kiến những ngày cuối tuần sẽ thu hút, đón lượng khách đi lại trải nghiệm đông hơn", ông Trường cho biết. 

Trước đó, ngày 6/8, Ban QLDA Đường sắt đô thị (MRB) kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép vận hành thương mại đoạn trên cao vào đầu tháng 8/2024 để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

MRB cũng cho biết thêm, với ý nghĩa đặc biệt là biểu tượng của quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Pháp, sau khi vận hành khai thác thương mại, cơ quan liên quan cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khánh thành dự án vào đầu tháng 9/2024 trùng với thời điểm Đại sứ Pháp trở lại Việt Nam.

Thời điểm này cũng trùng với thời gian dự kiến hoàn thành tác phẩm nghệ thuật Metis - một món quà ý nghĩa mà chính phủ Pháp dành tặng cho Hà Nội được trưng bày tại nhà ga S08.

Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội vận hành 10 đoàn tàu liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu. 

Mỗi đoàn tàu có 4 toa do Alstom (Pháp) sản xuất, sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.

Sau khi đi vào khai thác, tuyến metro này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô khi đi qua những tuyến phố đông đúc như Quốc lộ 32, Xuân Thủy, Cầu Giấy. Được thiết kế tối đa 80km/h, theo tính toán, metro Nhổn - ga Hà Nội có thể vận chuyển tối đa hơn 500.000 lượt hành khách/ngày đêm.

Lộ trình của tuyến gồm điểm đầu Nhổn - theo quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo).

Bài liên quan
Metro hoàn thành 100%, chốt chạy chính thức vào ngày 22/12
VOVLIVE - Ngày 21/11, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, tuyến metro số 1 đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định để hoàn thành và đưa dự án vào vận hành thương mại; dự kiến vào vào ngày 22/12.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất