"Mẹ đỡ đầu" sẻ chia yêu thương cùng trẻ em mồ côi do Covid-19

Thiên Lý/VOV-TPHCM | 27/06/2022, 08:32

Tối nay (26/6), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Dương tổ chương trình truyền hình trực tiếp “Mẹ đỡ đầu – yêu thương và sẻ chia”.

Mở đầu chương trình, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, tính đến tháng 4/2022, cả nước có hơn 4.400 trẻ mồ côi do Covid-19. Thấu hiểu nỗi đau và mong muốn được vỗ về, quan tâm, chia sẻ đến các em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” vào dịp tháng 10/2021 - thời điểm dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Sự ra đời của chương trình chính là sự hưởng ứng mạnh mẽ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trước lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng chống đại dịch Covid-19 và Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Sau hơn 8 tháng phát động, chương trình đã nhận được sự quan tâm của xã hội với hơn 10.000 trẻ em được cam kết hỗ trợ, đỡ đầu. Riêng trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam năm 2022, Hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành trong cả nước và các đơn vị đã đăng ký nhận đỡ đầu 5.330 em.

Chị Lê Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Dự án Lê Minh, ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, người nhận đỡ đầu 150 em tâm sự, là một người mẹ, hơn ai hết chị hiểu được nỗi đau của các con khi mất đi người cha, người mẹ do đại dịch Covid-19. Do đó, chị chỉ mong được sẻ chia, giúp đỡ để các con vơi đi nỗi đau và giúp được các con có được tương lai tươi sáng hơn. Do đó, ngoài hỗ trợ tiền, chị Minh còn động viên các con về mặt tinh thần.

“Mỗi tháng tôi đều gọi điện đến hỏi thăm các con. Các con dùng zalo tôi có kết nối bằng một nhóm để trò chuyện với các con. Hàng tháng, tôi chuyển tiền vào tài khoản để các con có tiền ăn. Tôi sẽ làm những gì tốt nhất có thể để mang lại cho các con, bù đắp cho các em. Khi các con cần mẹ, mẹ sẽ ở bên con”, chị Minh nói.

Xuyên suốt chương trình truyền hình trực tiếp “Mẹ đỡ đầu – yêu thương và sẻ chia” còn có phần giao lưu với các em mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19. Những lời tâm sự của các em như “xát muối vào tim”của những người tham dự chương trình. Các em đang ở cái tuổi vô tư, hồn nhiên thế nhưng bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Nỗi đau mất đi đấng sinh thành đối với các em là cú sốc quá lớn, không gì có thể bù đắp được.

Em Nguyễn Thị Ngọc Hân, 14 tuổi, ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, mẹ em mất khi em 3 tuổi, người cha luôn yêu thương cũng do Covid-19 mà bỏ em đi. Giờ em đang sống cùng bà ngoại. Ngoại đã già nhưng vẫn còng lưng buôn bán vất vả để nuôi em ăn học. Giờ có thêm sự hỗ trợ này sẽ giúp Hân và ngoại đỡ vất vả hơn.

“Khi được nhận đỡ đầu con cảm thấy đỡ một phần nào đó cho ngoại con. Chi phí đó hỗ trợ con học tập. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mẹ Ánh của con (mẹ đỡ đầu) và mọi người trong gia đình”, Ngọc Hân chia sẻ.

Dịp này, Ban tổ chức đã trao biểu trưng tri ân các cá nhân, tổ chức, đơn vị đồng hành cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”.

Bên cạnh đó, 10 bức tranh sen của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích, TP. Hồ Chí Minh trao tặng được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam bán đấu giá với số tiền thu được là 180 triệu đồng sẽ dùng gây quỹ Chương trình “Mẹ đỡ đầu” để chăm sóc trẻ mồ côi./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất