Lý do Ukraine có thể lựa chọn quyết chiến chứ không nhượng bộ về Crimea

26/04/2025, 10:16

VOVLIVE - Ukraine lo ngại việc nhượng bộ Crimea cho Nga sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Nếu Mỹ công nhận Crimea là của Nga, Moscow sẽ muốn công nhận cả các vùng lãnh thổ khác.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine dường như rất đơn giản: Kiev nên chấp nhận thực tế và từ bỏ những vùng lãnh thổ mà Moscow hiện đang kiểm soát trên thực tế. Tuy nhiên, đối với người Ukraine, yêu cầu đó không chỉ phi thực tế mà còn đe dọa đến sự tồn tại của quốc gia.

Ông Trump đã áp dụng cách tiếp cận mang tính áp đặt trong ngoại giao: đe dọa rút khỏi các cuộc đàm phán và công khai chỉ trích Tổng thống Volodymyr Zelensky vì từ chối công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea, bán đảo trước đây thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014.

“Chính những phát ngôn mang tính khiêu khích như của ông Zelensky đã khiến cho việc chấm dứt xung đột trở nên vô cùng khó khăn”, ông Trump viết trên nền mạng xã hội Truth Social ngày 23/4. Ông cho rằng Crimea đã “mất từ nhiều năm trước” và vấn đề này “thậm chí không cần phải bàn tới”.

“Lằn ranh đỏ” không thể nhượng bộ của Ukraine

Đối với Ukraine, việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea sẽ tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm”. Theo nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko, Kiev lo ngại điều đó sẽ chỉ càng khiến Moscow mở rộng tham vọng chiếm giữ lãnh thổ Ukraine.

Mặc dù Nhà Trắng chưa công bố chính thức kế hoạch hòa bình của ông Trump, nhưng theo hãng truyền thông Mỹ Axios, bản dự thảo kế hoạch này cho thấy Washington có thể công nhận việc Nga sáp nhập Crimea là hợp pháp và thừa nhận quyền kiểm soát thực tế của Nga tại 4 khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

“Nếu phải lựa chọn giữa việc công nhận Crimea là của Nga và việc Mỹ rút khỏi tiến trình đàm phán, Ukraine có thể sẽ chọn phương án thứ hai. Đó là lựa chọn ít tồi tệ hơn”, ông Fesenko bình luận.

“Tất nhiên, phương án nào cũng tiềm ẩn rủi ro với Ukraine. Nhưng rủi ro khi công nhận Crimea thuộc Nga còn lớn hơn và mang tính lâu dài hơn nhiều. Crimea là vấn đề mang tính chiến lược và cốt lõi đối với Ukraine. Nếu Mỹ công nhận Crimea là của Nga, sớm muộn gì Moscow cũng sẽ đòi hỏi công nhận các vùng lãnh thổ khác mà Nga đã sáp nhập”, nhà phân tích Fesenko nhận định.

Dù trong bài đăng trên Truth Social, ông Trump nói rằng ông không yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ Nga, nhưng ông lại ám chỉ rằng Kiev nên có cam kết không phản đối quyền kiểm soát của Moscow tại bán đảo này.

“Nếu Ukraine thực sự muốn giữ Crimea, vậy sao 11 năm trước họ không chiến đấu để bảo vệ nó khi Nga tiếp quản mà không tốn một viên đạn?” ông Trump viết. Ông cũng nói đến thực tế rằng Crimea đã là nơi đặt các căn cứ tàu ngầm Nga “suốt nhiều năm”.

Tổng thống Putin từng tuyên bố Nga buộc phải kiểm soát Crimea để ngăn Sevastopol - hiện là nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen - rơi vào tay NATO sau khi chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev năm 2014.

Nghị sĩ Ukraine Tamila Tasheva cảnh báo “việc đánh đổi lãnh thổ để lấy một lệnh ngừng bắn” sẽ không thể mang lại hòa bình bền vững.

“Ngược lại, nó có thể mở đường cho các hành động gây hấn mới. Một tiền lệ nhượng bộ lãnh thổ sẽ kéo theo hệ lụy nghiêm trọng không chỉ với khu vực mà còn với an ninh toàn cầu. 11 năm qua cho thấy, những nhượng bộ từng phần không giúp hạ nhiệt xung đột. Nga hoàn toàn không coi đó là sự thỏa hiệp”, bà Tasheva nói.

Nhà phân tích Fesenko cũng cho rằng áp lực từ ông Trump có thể chỉ là một “đòn tâm lý” từ phía Nhà Trắng nhằm buộc Ukraine phải nhượng bộ nhanh chóng.

“Chúng tôi cần kiên nhẫn, chờ cho đến khi thái độ của ông ấy thay đổi,” ông Fesenko nói.

Nếu Ukraine kiên quyết, ông Trump sẽ phải hạ điều kiện?

“Không có gì để bàn cãi cả. Đó là lãnh thổ của chúng tôi, lãnh thổ Ukraine”, Tổng thống Zelensky tuyên bố, đề cập tới Crimea.

Ông Zelensky thừa nhận Ukraine hiện chưa đủ sức mạnh để giành lại Crimea và các vùng lãnh thổ khác hiện do Nga kiểm soát bằng vũ lực, nhưng ông khẳng định Kiev sẽ tìm cách giành lại chúng thông qua con đường ngoại giao. Ông cũng nêu rõ, Ukraine chỉ sẵn sàng thảo luận các vấn đề lớn hơn để chấm dứt xung đột sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện trên toàn chiến tuyến dài 1.000km.

Cho dù chính quyền Ukraine chấp nhận trao Crimea cho Nga, quá trình này cũng sẽ vấp phải rào cản pháp lý. Theo Hiến pháp Ukraine, Crimea là phần không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia và chính phủ không có quyền từ bỏ vùng đất này nếu không được Quốc hội thông qua với đa số 2/3 và được người dân tán thành thông qua trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, Ukraine hiện không thể tổ chức bất kỳ cuộc bầu cử hay trưng cầu ý dân nào vì nước này đang trong tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga bùng phát đầu năm 2022.

“Ukraine sẽ luôn hành động theo đúng Hiến pháp”, Tổng thống Zelensky viết trên mạng xã hội. Ông cũng đăng lại “Tuyên bố về Crimea” năm 2018 của ông Mike Pompeo, khi đó là Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu tiên, khẳng định Mỹ “bác bỏ mọi nỗ lực sáp nhập Crimea của Nga”.

Ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine, cho rằng, có khả năng ông Trump đưa ra yêu cầu “phi lý” như một chiến lược đàm phán để sau đó sẽ hạ thấp các điều kiện nếu Kiev giữ vững lập trường.

“Đó là kịch bản lạc quan. Kịch bản bi quan là ông Trump biết rõ Ukraine sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea là hợp pháp. Tất cả chỉ nhằm tạo ra cái cớ để rút khỏi đàm phán và đổ lỗi cho Ukraine thay vì Nga”, ông Merezhko nói.

Theo bản kế hoạch hòa bình của Nhà Trắng, Ukraine sẽ được các đồng minh châu Âu và quốc tế “đảm bảo an ninh vững chắc”, song chi tiết về một lực lượng gìn giữ hòa bình như vậy vẫn chưa được nêu rõ và Mỹ cũng không đề cập đến việc họ có tham gia trực tiếp hay không. Bản kế hoạch cũng loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO.

“Chúng tôi cần các đảm bảo an ninh, bởi nếu không, đây chỉ là một cái chết được trì hoãn. Chúng tôi cần bảo đảm cho sự tồn tại của đất nước”, ông Merezhko nói.

Không có gì bất ngờ khi Ukraine tỏ ra miễn cưỡng trong việc thảo luận kế hoạch này, nhất là khi nó bao gồm cả việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga. Đổi lại, ngoài những đảm bảo mơ hồ, Kiev sẽ chỉ lấy lại một phần nhỏ lãnh thổ tại tỉnh Kharkov, được phép lưu thông tự do trên sông Dnipro (đặc biệt ở vùng Kherson, nơi Nga đang kiểm soát bờ đối diện) và được hứa hẹn về khoản bồi thường cũng như hỗ trợ tái thiết.

Quyết định của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hủy chuyến thăm London để thảo luận về Ukraine hôm 23/4 được cho là xuất phát từ việc các nhà đàm phán Kiev bày tỏ mong muốn ưu tiên đàm phán một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày hơn là theo bản kế hoạch của ông Trump.

Ở Ukraine, nhiều người hoài nghi các nỗ lực hòa bình của ông Trump khi ông đảo ngược hoàn toàn chính sách ủng hộ Kiev của chính quyền tiền nhiệm Joe Biden, đồng thời nghiêng hẳn về hướng cải thiện quan hệ với Nga. Nỗ lực gây sức ép lên Ukraine về vấn đề Crimea thậm chí còn làm dấy lên sự giận dữ công khai.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine thừa nhận rằng, họ không thể quay lưng với ông Trump.

“Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không từ bỏ Mỹ, bởi tình hình có thể thay đổi. Chúng tôi vẫn cần làm việc với ông Trump. Có thể đến lúc nào đó ông ấy sẽ lại thay đổi quan điểm”, ông Merezhko nói.

Bài liên quan
Ông Trump khẳng định Crimea sẽ thuộc về Nga
Tổng thống Mỹ cho rằng, bán đảo này sẽ vẫn thuộc quyền kiểm soát của Moscow trong bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về cuộc chiến Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hình ảnh Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức CHDCND Lào
Ngày 24/4, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến CHDCND Lào đã diễn ra trọng thể tại Phủ Chủ tịch nước Lào ở Thủ đô Vietiane.
Mới nhất