Lý do giữ giá trần, bỏ giá sàn vé máy bay

Nhóm PV/VOV.VN | 23/05/2023, 19:48

Quy định về giá trần - sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và bày tỏ ý kiến.

Chiều 23/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) khẳng định việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết.

4 nguyên nhân giữ giá trần, bỏ giá sàn vé máy bay

Bốn nguyên nhân được ông Lê Quang Mạnh nêu ra là: Một, “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh”. Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, dịch vụ này là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến sản xuất - kinh doanh.

Hai, cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất - kinh doanh, tác động đến xã hội.

Ba, cần phân định rõ vướng mắc do tổ chức thực hiện hay do pháp luật. Theo quy định hiện hành, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, thẩm quyền điều chỉnh khung giá đã được giao cho Chính phủ. Nếu giá khung giá có thời điểm chưa phù hợp với thực tiễn thì nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa kịp thời; không phải do quy định của Luật.

Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các đối tượng chịu tác động có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh. Thời gian qua, nhiều hãng hàng không thua lỗ là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Bốn, việc bỏ quy định về giá trần là vấn đề lớn, thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng; trong khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi, ông Mạnh nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cũng bày tỏ, phải giữ giá trần vé máy bay vì nếu các hãng hàng không tự đưa giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức rất cao sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, tác động lên sản xuất kinh doanh và xã hội.

“Ví như, dịp lễ 30/4 vừa rồi, dịch vụ hàng không lên giá lúc nào cũng được. Ai quản lý vấn đề này nếu chúng ta không có giá trần? Một số đại biểu cho rằng áp giá trần sẽ không mang tính cạnh tranh đối với dịch vụ hàng không. Các hãng hàng không nước ngoài không dám đầu tư vào Việt Nam vì chúng ta quy định giá. Làm gì có chuyện đó. Tôi đang nghe có nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị đầu tư dịch vụ hàng không vào Việt Nam mà họ biết chúng ta quản lý giá trần”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ.

Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn Phú Thọ cho biết, dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa là dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa. Thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

“Trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Tôi đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do nhà nước định giá, còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân”, đại biểu đoàn Phú Thọ nêu ý kiến./.

Bài liên quan
Luật Thủ đô đủ điều kiện để trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Về cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung của dự thảo, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất