Lý do 'Đào, phở và piano' gây sốt khiến rạp Quốc gia liên tục tăng suất chiếu

18/02/2024, 21:52

Ra mắt từ tháng 9/2023 nhưng đến giữa tháng 2/2024, bộ phim "Đào, phở và piano" bỗng gây sốt khiến Trung tâm chiếu phim Quốc gia phải liên tục tăng suất chiếu.

Tháng 2/2024, thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam bất ngờ xôn xao bởi "cơn sốt" săn lùng vé xem bộ phim Đào, phở và piano. Bộ phim gây sốt tới mức nhiều khán giả không mua được vé, hệ thống đặt vé của Trung tâm chiếu phim Quốc gia bị tê liệt và phía Trung tâm đã phải liên tục tăng suất chiếu. Vậy lý do khiến bộ phim này có gì tạo nên "cơn sốt" cho khán giả.

"Đào, phở và piano": Phim chỉn chu từ nội dung, diễn xuất tới bối cảnh

Đào, phở và piano kể về câu chuyện tình yêu của cặp uyên ương Hà Nội trong bối cảnh cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1946 - 17/2/1947) bảo vệ Thủ đô. Anh tự vệ (diễn viên Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (diễn viên Cao Thùy Linh) thất lạc nhau trong trận chiến. Khi gặp lại nhau, họ chỉ còn ít giờ làm đám cưới, để chơi cho nhau nghe bản nhạc tình yêu và tận hưởng niềm hạnh phúc của vợ chồng. 

Phim có sự xuất hiện của nhiều nhân vật đại diện cho các tầng lớp người dân Hà Nội thời bấy giờ: Một ông họa sĩ già luôn ấp ủ vẽ được bức tranh như ý; vợ chồng người bán phở luôn mong có người để thưởng thức món ăn mang tinh hoa mảnh đất nơi họ đang sống; một ông phán Tây học đam mê ả đào hay chú bé đánh giày, vị linh mục luôn khát khao sự an bình trong chiến trận.

Phim

Phim "Đào, phở và piano" chạm tới cảm xúc của khán giả.

Sự góp mặt của mỗi nhân vật đã làm sáng lên tinh thần tận hiến, sẵn sàng hy sinh vì hòa bình độc lập của dân tộc, vì mục tiêu bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt.

Bên cạnh việc khắc họa chân thực tính chất khốc liệt của trận chiến lịch sử, bộ phim còn đi sâu vào tìm hiểu, lý giải cốt cách, phẩm chất người Hà Nội, tôn vinh tình yêu với cái đẹp, những đam mê tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước.  

Bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực: Doãn Quốc Đam (chiến sĩ tự vệ), Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), NSƯT Trần Lực (ông họa sĩ), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán), NSND Trung Hiếu (cha xứ), nghệ sĩ Anh Tuấn (ông bán phở)...

NSND Trung Hiếu trong phim.

NSND Trung Hiếu trong phim.

Mỗi diễn viên dù đảm nhận vai diễn nhỏ nhất cũng đều hoàn thành tròn trịa vai trò của mình. Từng tính cách, từng tạo hình nhân vật đã tạo nên bức tranh về Hà Nội hào hùng, can trường với nhiều tầng lớp nhân dân, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo đều mang tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Cùng với diễn xuất chỉn chu của các diễn viên, nghệ sĩ có tiếng, bộ phim đã thành công khắc họa hình ảnh Hà Nội từ gần 80 năm trước thông qua việc xây dựng bối cảnh phim.

Được biết, họa sĩ Vũ Việt Hưng đã xây dựng cả một con phố dài 120 mét, rộng 9 mét (theo tỉ lệ 1:1) để làm bối cảnh chính cho bộ phim. Để có được bối cảnh quay phim, tổ họa sĩ của phim đã mất tới 5 tháng thi công.

Bối cảnh phim vì thế rất chân thực với những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, xe tăng, toa tàu điện... đặc trưng của Hà Nội thập niên 40.

Bối cảnh phim được đầu tư công phu, kỹ lưỡng.

Bối cảnh phim được đầu tư công phu, kỹ lưỡng.

Dự án phim có kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, được đạo diễn, biên kịch Phi Tiến Sơn chỉ đạo trực tiếp. Nam đạo diễn từng khẳng định: "Phim không có mâu thuẫn, xung đột, không ai là người xấu, tất cả mọi người đều tốt với nhau và tất cả các nhân vật trong bộ phim này đều thể hiện "chất" người Hà Nội".

Với sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng từ kịch bản, bối cảnh, diễn xuất, Đào, phở và piano từng khiến giới chuyên môn xôn xao khi ra mắt vào tháng 9/2023. Bộ phim giành được giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức ở Đà Lạt hồi tháng 11 năm ngoái.

Với những lý do trên, không khó hiểu khi phim chạm tới cảm xúc của khán giả, được đưa trở lại đường đua phim Tết vào đầu năm 2024 và trở thành "cơn sốt" như hiện tại.

Bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực.

Bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực.

Trung tâm chiếu phim Quốc gia liên tục tăng suất chiếu

Đào, phở và piano là phim truyện sử dụng ngân sách nhà nước trong năm 2023. Theo kế hoạch, phim được trình chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia từ ngày 1 Tết Nguyên đán 2024 (ngày 10/2) và dự kiến lịch chiếu kéo dài đến hết tháng 2/2024 với 2-3 suất mỗi ngày, mỗi rạp khoảng 100 khán giả. 

Sau Tết, bộ phim trở thành tâm điểm chú ý của khán giả, nhu cầu xem Đào, phở và piano tăng đột biến. Trước tình hình đó, Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã tăng suất chiếu trong 2 ngày 19 và 20/2 lên có 15 suất chiếu/ngày.

Phim chỉ được trình chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia nên số lượng suất chiếu đã tăng lên vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Ngày 18/2, website của Trung tâm này bị tê liệt, không thể truy cập được vì lượng người truy cập quá đông.

Bhu cầu xem

Bhu cầu xem "Đào, phở và piano" tăng đột biến khiến website của Trung tâm chiếu phim Quốc gia tê liệt.

Trên các diễn đàn bàn luận về Đào, phở và piano, hàng loạt cư dân mạng than phiền vì các suất chiếu liên tục hết vé, website của Trung tâm chiếu phim Quốc gia lại tê liệt nên họ không thể mua vé xem phim.

Chiều 18/2, fanpage chính thức của Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã phát thông báo tiếp tục tăng suất chiếu và thời gian chiếu phim Đào, phở và piano.

Bộ phim liên tục được tăng suất chiếu.

Bộ phim liên tục được tăng suất chiếu.

Trung tâm này cho biết: "Chương trình phim Việt Nam đặc biệt chỉ có tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia bao gồm phim Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ và chùm phim hoạt hình Việt Nam sẽ được chiếu liên tục và tăng suất chiếu cho đến ngày 10/3/2024 (sẽ tiếp tục chiếu nếu khán giả có nhu cầu)".

Có thể thấy, Đào, phở và piano đã trở thành hiện tượng chưa từng có của phim Việt khi liên tục "cháy" vé và được tăng suất chiếu từng ngày.

An Nguyên

Bài liên quan
Cuộc đua phim Việt dịp lễ 30/4: Lý Hải đụng độ 'ông hoàng phòng vé' Thái Hòa
Dịp lễ 30/4 năm nay tiếp tục đánh dấu "bữa tiệc" điện ảnh đa dạng và thú vị, trong đó có tới 4 phim Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất