Lùm xùm xung quanh bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm": Tác giả lên tiếng

Hạnh Lê/VOV.VN | 12/04/2021, 19:35

Trước những tranh cãi, nghi vấn "đạo thơ" xung quanh chùm thơ đạt giải B cuộc thi thơ 2019-2020 của Báo Văn Nghệ, tác giả Tòng Văn Hân bức xúc lên tiếng.

Những ngày qua, chùm tác phẩm thơ của tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) đoạt giải cao nhất tại cuộc thi thơ 2019-2020 của báo Văn Nghệ đã gây nên nhiều tranh cãi về chất lượng thơ, đặc biệt là bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm".

Đa số ý kiến cho rằng, đây không phải thơ bởi không có vần điệu mà giống văn xuôi hơn. Có người nói tác phẩm của Tòng Văn Hân là "bài thơ dở nhất Việt Nam”, việc trao giải cho chùm tác phẩm này là không xứng đáng. Thậm chí một số tài khoản trên Facebook còn đăng tải thông tin bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" bị nghi đạo thơ từ bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo” được cho là của tác giả Lò Văn Tứng (Sơn La). 

Ngày 12/4, tác giả Tòng Văn Hân đã có những chia sẻ với phóng viên VOV.VN về những ồn ào, tranh cãi xung quanh tác phẩm của mình. Anh cho rằng, những tranh cãi này vốn là điều bình thường trong văn học, không ảnh hưởng đến mình bởi khen, chê là tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. 

"Phong cách viết của tôi từ trước giờ vẫn như thế. Tôi chép lại những câu chuyện, nét văn hóa của cộng đồng dân tộc người Thái mình bằng hình ảnh ngôn ngữ thơ. Xưa nay mọi người vẫn quen thơ phải có niêm luật, vần điệu nhưng theo phong cách thơ tự do bây giờ thì ý tứ thơ, nội dung thơ truyển tải quan trọng. Đối tượng thụ hưởng ý nghĩa bài thơ của tôi là nhân dân trong cộng đồng của người Thái. Tôi viết như thế này người dân tôi dễ đọc, dễ hiểu", anh Tòng Văn Hân bày tỏ. 

Lý giải về những tác phẩm thơ của mình, đặc biệt là bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" có cách viết, nội dung khác lạ bởi theo tác giả, bài thơ chứa đựng cách ứng xử, quan niệm sống trong cộng đồng người dân tộc Thái. Anh cho biết: "Người Thái chúng tôi sống mang tính cộng đồng cao, san sẻ những việc năng, góp vui khi có lễ, nhà mới, đám cưới,...  tuyệt đối không chửi bới mỗi khi mất trộm vì họ quan niệm bộ phận nào trên cơ thể con người cũng có hồn vía, mình chửi thì miệng lưỡi của mình sẽ ô uế. Và khi đã ô uế thì sẽ bị ốm đau, làm ăn không tốt, nuôi con cái không lớn và buôn bán không may mắn....

Người ta giải quyết theo hướng vừa giữ thể diện cho người trộm, vừa an ủi người bị mất trộm. Sau khi hai bên hoà giải xong, nếu người ăn trộm còn nhỏ (chưa ra ở riêng) thì bố mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con. Gia đình người ăn trộm sẽ nấu bữa cơm ấm cúng, thết đãi những người sang họp bàn để thay cho lời xin lỗi. Trong bữa cơm, mọi người sẽ chúc cho người ăn trộm làm ăn may mắn. Tôi lấy hình ảnh đó viết thành bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", tác giả chia sẻ.

Trước thông tin bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" được cho là giống với bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo", anh Tòng Văn Hân khẳng định bài thơ là sự ghi chép lại câu chuyện ở cộng đồng của anh và anh không đọc bài thơ nào tương tự hay lấy ý tưởng từ ai. Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm” mà anh dự thi được rút ra từ tập bản thảo xin hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2019. Bài thơ được viết khoảng đầu năm 2019 và được gửi đi trước ngày 30/8/2019. 

"Tôi thấy buồn cười là tại sao họ lại đặt điều như thế. Tôi khẳng định khi họ đọc được bài thơ của tôi, họ mới viết bài thơ thứ 2 là "Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo" và đăng tải trên những trang mạng. Tôi nghĩ họ làm thế để trêu ghẹo vì theo tìm hiểu của tôi từ bạn bè và cả Hội Văn học Nghệ thuật ở Sơn La thì không có ai tên Lò Văn Tứng cũng như không có ai từng được đọc bài thơ đó bao giờ. Hơn nữa, tôi tin tưởng vào đánh giá của ban giám khảo- những nhà thơ, nhà văn cây đa cây đề, có tên có tuổi rồi", anh Hân bày tỏ bức xúc. Anh cũng cho biết nếu sự việc đã bị đẩy đi quá xa thì sẽ nhờ đến các cơ quan chức năng vào cuộc. 

Liên quan đến những ý kiến tranh cãi về việc trao giải thưởng cho tác phẩm không xứng đáng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – thành viên Hội đồng chung khảo cuộc thi này cho biết, bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" cũng không phải là "toàn bích" dù "có tứ rất hay". 

"Ta thấy bà chửi trộm hiện lên rất đẹp, rất nhân văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói rất đúng 'Lấy ân trả oán thì cái oán sẽ bớt đi. Lấy oán trả oán thì oán càng chồng chất'… Tứ hay. Rất nhân văn. Cách viết mộc, thật thà. Đúng là cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, về nghệ thuật bài thơ không có gì. Nhưng để mộc thế này lại hiệu quả. Để viết có vần có ngôn ngữ bóng bẩy chả khó gì. Nhưng như thế sẽ mất đi sự chất phác, đúng là người dân tộc. Cách viết như tác giả là hợp lý. Bài thơ không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt nhưng thật thà. Cái hay của bài thơ cũng là ở chỗ đó. Tôi cho rằng, đó là bài thơ hay! Nhưng không toàn bích, nếu toàn bích nó đã giải nhất rồi” – nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ

Đứng trước nghi vấn đạo thơ, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: "Quan điểm cá nhân của tôi là phải xác minh lại. Nếu đúng là đạo thơ thì phải xử lý nghiêm. Còn nếu không đúng thì giải tỏa mọi nghi ngờ người ta đặt ra. Cá nhân tôi, tôi không tin là có chuyện đạo thơ ở đây mà do người ta chế ra. Trộm gà, trộm chó thì người ta mới chửi. Chứ bị cướp mất biển đảo thì không ai chửi như thế, lên tiếng kiểu ấy không hợp tâm lý người dân"./.

Bài liên quan
Chủ tịch nước: Quan tâm đến người dân để xã đảo Thổ Châu sớm không còn hộ nghèo
Sáng nay (20/1), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, chúc Tết quân và dân xã đảo Thổ Châu (hay còn gọi là Thổ Chu), Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, xã đảo tiền tiêu xa nhất phía Tây Nam của Tổ quốc. Thổ Châu là đảo thứ tư mà Chủ tịch nước tới thăm trong gần 1 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất