Luật Đất đai 2024 cần nhiều văn bản quy định chi tiết

PV/VOV1 | 22/03/2024, 09:08

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, để Luật đất đai 2024 đi vào cuộc sống cần nhiều điều kiện cần và đủ. Một trong những điều kiện đó là phải ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Tại kỳ họp bất thường lần 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) còn gọi là Luật Đất đai 2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và có nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ làm tăng tính thị trường, góp phần hài hòa lợi ích và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai. 

Luật Đất đai 2024 là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy việc Luật Đất đai 2024 được thông qua lần này nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội về nội dung này.

PV: Luật đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới được dư luận nhân dân đánh giá cao. Theo ông, đâu là điểm sửa đổi quan trọng nhất?

Ông Nguyễn Quang Tuyến: Theo tôi, Luật Đất đai năm 2024 đã quán triệt quan điểm của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đó là tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý, khai thông nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước.

Một trong những điểm sửa đổi quan trọng là chúng ta đã thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, đó là bỏ khung giá đất, tạo điều kiện cho việc xác định giá đất tiệm cận theo nguyên tắc thị trường. Vì suy cho cùng, những khiếu kiện về đất đai đều có nguyên nhân sâu xa là chưa giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên như Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng đất bị thu hồi thông qua việc xác định giá đất.

Tôi cũng ấn tượng với việc chúng ta tạo điều kiện dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ cho các doanh nghiệp được tiếp cận đất đai. Điều này được thể hiện ở một trong những sửa đổi của Luật Đất đai năm 2024 là cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy sản xuất đất nông nghiệp.

Một điểm nữa là mở rộng quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như cá nhân trong nước, góp phần khuyến khích kiều bào ở nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng như lĩnh vực đất đai nói chung.

PV: Các doanh nghiệp và người dân kỳ vọng Luật Đất đai năm 2024 sẽ hài hòa lợi ích của người có đất bị thu hồi, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, còn Nhà nước thu được địa tô chênh lệch và phục vụ lợi ích công cộng. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quang Tuyến: Giá đất do Nhà nước xác định để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất, áp dụng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Luật lần này đã quy định rõ 32 trường hợp cụ thể xác định thế nào là thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Còn đối với các dự án thương mại khác không vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân theo nguyên tắc thị trường giữa hai bên. Ở đây cũng phải tính tới lợi ích đa chiều cạnh.

Luật Đất đai lần này đã sửa đổi, bổ sung cơ chế xác định giá đất. Trước hết là quan tâm đến lợi ích của người bị thu hồi đất, bởi vì thực tế cho thấy khi thực hiện Luật đất đai năm 2013, giá bồi thường thấp nên người bị thu hồi đất chưa được bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp.

Đối với địa phương còn nghèo, vùng sâu vùng xa muốn thu hút đầu tư, tiếp cận đất đai mà chi phí lớn tức là giá bồi thường lớn thì không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào và không tạo ra công ăn việc làm mới, cũng như không thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của địa phương đó. Cho nên, một trong những nguyên tắc đó là đảm bảo hài hòa lợi ích, tức là xác định một giá bồi thường mà người sử dụng đất có thể chấp nhận được, lợi ích của họ được bảo vệ. Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng thấy rằng, với giá như vậy thì họ cũng có thể tiếp cận được vấn đề đất đai; Nhà nước cũng thu được để phát triển kinh tế- xã hội.

Tôi thấy đây là quan điểm rất đúng đắn và điều này được thể hiện trong Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5. 

PV: Tại hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, Luật Đất đai 2024 với hơn 100 nội dung vừa khó, vừa đòi hỏi về tiến độ, có nội dung áp dụng luôn từ ngày 1/4/2024 nên đòi hỏi tất cả văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ, vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các cơ quan. Để làm được điều này, Chính phủ, các bộ ngành cần phải làm gì để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Tuyến: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, Quốc hội khóa XV vừa hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp rất quan trọng trong việc xây dựng luật và pháp lệnh, đó là đã thông qua Luật Đất đai năm 2024.

Để luật đi vào cuộc sống cần nhiều điều kiện cần và đủ. Một trong những điều kiện đó là phải ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành những điều mà Luật Đất đai năm 2024 giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Từ nay đến khi luật có hiệu lực (1/1/2025) và có một số quy định áp dụng luôn từ ngày 1/4/2024 thì cũng không còn nhiều thời gian, do đó Chính phủ, các bộ ngành phải rất khẩn trương, bắt tay ngay vào việc và phải có kế hoạch chi tiết huy động nguồn lực, có cách làm khoa học để quy định các văn bản hướng dẫn.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải rà soát Luật Đất đai để thống kê những điều luật nào quy định chi tiết thì Chính phủ mới quy định chi tiết; còn những điều nào không giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì tại thời điểm luật có hiệu lực, các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện ngay không chờ đợi.

Ngoài ra, vấn đề đất đai liên quan nhiều các luật khác nhau nên chúng ta cũng phải rà soát các quy định khác để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Trên cơ sở đó, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành hướng dẫn thi hành luật đất đai phải lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động, cũng như các chuyên gia để chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì đây là vấn đề khó, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bài liên quan
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc ngày 28/6.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất