Lựa chọn của ông Trump với Ukraine

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Newsweek | 29/11/2024, 10:28

VOVLIVE - Giới quan sát cho rằng việc ông Trump đưa ra quyết định như thế nào đối với cuộc xung đột ở Ukraine sẽ phụ thuộc phần lớn vào diện mạo chiến trường vào thời điểm ông tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2025.

Nỗ lực cuối của chính quyền Tổng thống Biden

Phát biểu từ xa tại một hội nghị an ninh ở Kiev vào giữa tháng 9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh, Tổng thống Joe Biden sẽ dành phần còn lại của nhiệm kỳ để đảm bảo rằng Kiev được trao cơ hội tốt nhất có thể để thành công.

Chính quyền Tổng thống Biden có ý định sẽ giữ lời hứa đó. Ngày 17/11, Nhà Trắng thông báo Ukraine sẽ có thể sử dụng các tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp như ATACMS để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, một yêu cầu mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thúc đẩy trong suốt 1 năm qua. Vài ngày sau, Mỹ cho phép xuất khẩu mìn chống bộ binh để hỗ trợ phòng tuyến của quân đội Ukraine trải dài khoảng 1.000km.

Các cố vấn của ông Biden khẳng định những quyết định mới nhất này là do các động thái leo thang của Nga, theo đó Washington cáo buộc Moscow đã đưa xấp xỉ 12.000 binh lính Triều Tiên vào Kursk để đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi khu vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, khó có thể không coi quyết định liên quan đến tên lửa ATACMS là một nỗ lực công khai trong chính sách "chống Trump". Các nguồn tin quen thuộc với chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đã gợi ý rằng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua là một yếu tố thúc đẩy những tính toán gần đây.

Một câu hỏi được đặt ra từ Washington đến Warsaw là ông Trump có kế hoạch quản lý cuộc xung đột ở Ukraine như thế nào. Các nhà phân tích khá chắc chắn rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tập trung vào việc chấm dứt xung đột qua đàm phán. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng cuộc xung đột lẽ ra không nên nổ ra ngay từ đầu và sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine - 175 tỷ USD kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022 là gánh nặng cho người nộp thuế Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về việc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột sẽ như thế nào, những nhượng bộ mà ông sẵn sàng đưa ra là gì và ông định thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết ra sao. Ngoài các kế hoạch từ các cựu cố vấn, thậm chí có thể không phản ánh suy nghĩ thực sự của ông Trump về vấn đề này thì các thông tin chi tiết dường như vẫn rất ít và cách xa nhau.

Bất kỳ hành động nào của chính quyền ông Biden hạn chế khả năng hành động tự do của Washington đều không được ông Trump đánh giá cao, người vốn coi trọng sự khó đoán, quyền lực và ảnh hưởng - những yếu tố chính để đạt được thỏa thuận tốt trên bàn đàm phán. Các quyết định gần đây của ông Biden về Ukraine có thể khiến tổng thống kế nhiệm bị dồn vào thế bí. Tuy nhiên, cách diễn giải như vậy chẳng khác nào tước đi quyền tự quyết của ông Trump như thể ông bị mắc kẹt trong việc thực hiện một chính sách mà cá nhân ông không đồng ý. Thực tế là ông Trump có quyền lựa chọn và điều đó sẽ phụ thuộc phần lớn vào diện mạo chiến trường vào thời điểm ông tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2025.

Lựa chọn của ông Trump trước 2 kịch bản của Ukraine

Chẳng hạn, nếu việc Ukraine triển khai tên lửa tầm xa ATACMS thành công kéo căng các tuyến tiếp tế của quân đội Nga, làm phức tạp thêm các cuộc tấn công đang diễn ra của Moscow hoặc trong kịch bản tốt nhất là giúp Kiev giành lại một số lãnh thổ đã mất ở Donbass thì có khả năng ông Trump sẽ tiếp tục các gói viện trợ và nới lỏng các hạn chế của Mỹ để buộc Tổng thống Vladimir Putin phải bước vào các cuộc đàm phán để giải quyết. Điều này sẽ phù hợp với phong cách đàm phán của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khi mà các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như gây sức ép tối đa lên Iran, trừng phạt kinh tế ngành dầu mỏ Venezuela hay áp thuế quan lên hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, được ban hành để đưa các đối thủ vào bàn đàm phán và nhận được những nhượng bộ tối đa.

Vấn đề là sức ép trong tất cả các trường hợp này đều không hiệu quả như dự tính. Iran đã chọn leo thang thay vì khuất phục, ông Nicolás Maduro vẫn giữ cương vị Tổng thống Venezuela và Trung Quốc không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1. Với việc Tổng thống Putin coi cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc giao tranh có ý nghĩa với sự tồn tại của chính nước Nga, khó có thể hình dung chiến lược tương tự sẽ có tác dụng thế nào với Moscow. Tổng thống Putin đã nhiều lần chứng minh trong cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua rằng, leo thang chứ không phải nhượng bộ là phương pháp ông lựa chọn khi quân đội Nga bị dồn vào chân tường.

Tuy nhiên, nếu ông Trump nhậm chức khi vị thế quân sự của Ukraine vẫn không thay đổi hoặc trở nên tồi tệ hơn thì ông sẽ không gặp vấn đề gì khi đảo ngược bất kỳ động thái chính sách nào mà ông Biden đã thực hiện trong 2 tháng cuối nhiệm kỳ. Đây là một kịch bản mà ông Zelensky và các đối tác châu Âu cần xem xét nghiêm túc, bởi ATACMS khó có thể thay đổi đáng kể diễn biến chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Biden đã thừa nhận điều đó khi bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa bên trong lãnh thổ Nga.

Các xu hướng cho thấy tình hình đang diễn biến có lợi cho Nga. Giới quan sát đánh giá, điều này không có gì ngạc nhiên bởi mặc dù khả năng chiến đấu của quân đội Nga không đồng đều nhưng họ vẫn giữ được lợi thế về số lượng và trang thiết bị. Trong khi đó, Ukraine đang ở thế yếu, nơi các vị trí của họ ở Donbass có nguy cơ bị đối phương áp đảo do thiếu binh lính và không thể xoay vòng lực lượng. Đây là tình thế ông Donald Trump sẽ phải đối mặt vào tháng 1/2025.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
ĐBQH ủng hộ "cách mạng" tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị
VOVLIVE - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu thẳng thắn cho rằng, thực tế, bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, nhiều bộ phận hoạt động không hiệu quả, gây ra lãng phí và đây là thời điểm thích hợp để thực thiện chủ trương "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu.
Mới nhất